Tổng thống Mỹ Barack Obama và chiến dịch quân sự không nhận được nhiều đồng thuận tại Libya

Thứ năm, 24/03/2011 00:05

(ĐCSVN)Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày càng vấp phải ý kiến chỉ trích từ các nghị sỹ thuộc đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ vì đã không chính thức tham vấn ý kiến từ phía Quốc hội trước khi có hành động quân sự ở nước ngoài cũng như những nghi ngờ về mục tiêu của Mỹ trong chiến dịch quân sự tại Libya.

 

 Tổng thống Mỹ Barack Obama đang gặp phải nhiều vấn đề đau đầu liên quan
 tới chiến dịch quân sự tại Libya
(Ảnh: Internet)


Từ quyết định đơn phương nhằm tiến hành chiến tranh tại Libya …

Hạ nghị sỹ Cộng hòa Roscoe Bartlett, thành viên của Ủy ban Quân lực Hạ viện, nói rằng "lựa chọn đơn phương" của ông Obama trong việc tham gia vào liên minh được Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm thiết lập vùng cấm bay là "một sự lăng mạ Hiến pháp Mỹ". Trong khi đó, Nghị sỹ Richard Lugar của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, một người được coi là đồng minh của Nhà Trắng trong nhiều vấn đề, cho rằng: Quốc hội cần có một cuộc thảo luận đầy đủ về các mục tiêu và chi phí cho vai trò của Mỹ trong các cuộc tấn công. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Webb cũng thuộc Ủy ban này nói rằng đây "không phải là cách mà hệ thống chính trị Mỹ hoạt động".

Theo Hiến pháp Mỹ, chỉ Quốc hội mới có quyền tuyên bố chiến tranh. Tuy nhiên, với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Tổng thống có quyền có hành động quân sự trong các trường hợp khẩn cấp hoặc khi phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh quốc gia. Tổng thống Obama cho tới nay vẫn khẳng định Mỹ sẽ không triển khai bộ binh tới Libya và vai trò lãnh đạo hành động can thiệp quân sự sẽ sớm được chuyển giao cho các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Anh hoặc Pháp.

Nhận xét về khẳng định này của ông Obama, Nghị sĩ Dennis Kucinich của đảng Dân chủ cho rằng nó không đủ để biện minh cho những điều mà Mỹ đã làm tại Libya. Ông Kucinich gọi đó là "một hành động chiến tranh" và cho rằng, Quốc hội Mỹ cần được triệu tập trong thời gian đang nghỉ Xuân để quyết định xem có nên tiếp tục hành động quân sự hay không. Ông cho rằng: Tổng thống Obama đã "không có sự chấp thuận của Quốc hội, đi ngược lại Hiến pháp Mỹ".

Nghị sĩ Kucinich cũng nhắc lại lời của ông Obama vào năm 2007 khi còn là thượng nghị sĩ rằng "theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống không có quyền đơn phương ra lệnh tấn công quân sự trong tình huống không phải để ngăn chặn một mối đe dọa thực tế hoặc sắp xảy ra đối với nước Mỹ".

…đến những mối lo ngại về gánh nặng thâm hụt ngân sách Mỹ

Trong khi đó, ngày càng có nhiều thành viên đảng Cộng Hòa lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama vì đã không thể đưa ra một kế hoạch rõ ràng trước tình hình tại Libya cũng như tham gia vào một chiến dịch quân sự đắt đỏ tại quốc gia Bắc Phi này trong bối cảnh gánh nặng thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng trở nên trầm trọng.

Trước đó, chiến dịch quân sự của ông Obama tại Afghanistan đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, cho đến nay, tình thế đã đảo ngược và nhiều thành viên chủ chốt của đảng này, gồm cả người phát ngôn Hạ viện Mỹ John Boehner, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện Howard McKeon và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ileana Ros-Lehtinen cũng đang đặt câu hỏi về các cuộc không kích nhằm vào Libya. Thậm chí, ông Boehner ngày 20/3 cũng cho biết, ông trông đợi vào việc Tổng thống Barack Obame sẽ đưa ra lời giải thích về sứ mệnh tham gia của Mỹ trong chiến dịch quân sự tại Libya.

Theo nhận định của các chuyên gia thì sự bất đồng trên có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ càng bị khoét sâu trong bối cảnh Tổng thống Obama (thành viên của đảng Dân Chủ) đang cần có được nhiều ý kiến ủng hộ về các khoản chi tiêu của liên bang nhằm tránh việc cắt giảm ngân sách cũng như tăng thêm các khoản nợ tiềm năng trong tương lai.

Hãng tin Reuters trích lời bà Ros-Lehtinen, trong đó có bày tỏ mối lo ngại về việc ông Obama vẫn chưa xác định rõ cho nhân dân Mỹ rằng “yếu tố nào tại Libya đang đe dọa tới các lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ”.

Những ý kiến mạnh mẽ nhằm bày tỏ quan điểm phản đối vai trò của Mỹ trong các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ phía các thành viên đảng Cộng hòa cũng đã nhận được ý kiến đồng thuận từ phía các thành viên đảng Trà (Tea Party).

Thượng nghị sỹ Rand Paul – người luôn bày tỏ tiếng nói ủng hộ đảng Trà tại Thượng viện cũng nhấn mạnh: “Hiện chúng ta đang tham gia vào hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan và tôi không cho rằng chúng ta nhất thiết phải liên quan tới một cuộc chiến thứ 3”.

Trong khi đó, nhiều thành viên khác của đảng Cộng hòa cũng tỏ ra “không bằng lòng” trước việc Tổng thống Obama đã không tiến hành “tham vấn ý kiến” về chiến dịch quân sự tại Libya.

Hiện đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện và đảng Dân Chủ đang kiểm soát thượng viện tại Mỹ. Bản thân ông Obama và các thành viên đảng Cộng hòa đang tham gia vào một cuộc tranh cãi về các khoản chi tiêu trong ngắn hạn của Chính phủ cũng như chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách Mỹ trong dài hạn. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ buộc phải tìm được quan điểm nhất trí chung về bản dự thảo chi tiêu vào ngày 8/4 sắp tới nếu như không muốn đối mặt với một khoản cắt giảm mạnh tay từ phía Chính phủ.

...và những nghi ngờ về một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu

Hiện nhiều thành viên đảng Cộng hòa cũng đang kêu gọi tiến hành một cuộc tranh luận tại Quốc hội cũng như đề xuất khả năng tiến hành bỏ phiếu về các hành động của Mỹ tại Libya.

“Người Mỹ sẽ trả bất kỳ cái giá nào để đảm bảo an ninh cho đất nước mình. Tuy nhiên, nếu như không có một mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu nào đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì tôi nghĩ, tiền lúc này sẽ trở thành một vấn đề”, dân biểu Jason Chaffetz thuộc phe Cộng Hoà- người đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ hồi tháng 11/2010 dưới sự ủng hộ của Đảng Trà nhấn mạnh.

Theo chuyên gia phân tích thuộc nhóm chuyên gia cố vấn viện doanh nghiệp Mỹ - bà Danielle Pletka: Ông Obama đã không thành công trong việc thuyết phục dư luận Mỹ về những hành động tại Libya. Theo quan điểm của nhà phân tích trên thì cuộc gặp gỡ giữa ông Obama và các nhà làm luật Mỹ vào ngày 18/3 vừa qua chỉ là hành động “vào phút chót” và đáng lẽ ra, ông Obama trước đó phải có một thông điệp chính thức phát đi từ Nhà trắng nhằm giải thích trước công chúng về những hành động của Mỹ tại Libya.

Về phần mình, ông Obama cũng đã gửi một bức thư lên Quốc hội Mỹ với quan điểm rằng, mục đích của Mỹ tại Libya là thực hiện bản nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ thường dân khỏi nguy cơ bị tấn công.

Phát biểu tại Chile hôm 21/3, ông Obama đã tuyên bố rằng “ông Gaddafi cần phải ra đi”, đồng thời khẳng định rằng Mỹ sẽ chuyển giao quyền kiểm soát các cuộc không kích cho các lực lượng Libya trong một vài ngày tới.

Tuy nhiên, những tuyên bố trên của ông Obama có lẽ vẫn chưa thỏa mãn được những nghi vấn của dư luận, thậm chí là từ phía nội bộ Mỹ về mục tiêu của Washington tại Libya. Thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa Richard Lugar nhấn mạnh: “Cần phải đưa ra một kế hoạch cho những gì sẽ diễn ra trong thời kỳ hậu Gaddafi…Ai sẽ là người nắm quyền tại Libya và ai sẽ trang trải cho mọi chi phí cho chiến dịch này?...Cho đến nay, những gì Tổng thống Obama đưa ra chỉ là những hy vọng rất mơ hồ”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực