Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Sau nhiều lần trì hoãn, chuyến thăm được trông đợi từ lâu này sẽ đánh dấu sự trở lại lần đầu tiên trong 11 năm qua của ông Putin trên cương vị Tổng thống Nga. Gần đây nhất, ông Putin đã tới thăm Nhật Bản vào tháng 5/2009 trên cương vị Thủ tướng. Chuyến thăm này cũng được xem là sẽ mở ra cơ hội để ông Abe và ông Putin tiến hành cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần thứ 16 trong sự nghiệp chính trị và là cuộc gặp gỡ thứ 4 giữa hai nhà lãnh đạo trong năm 2016.
Trong các cuộc đối thoại sắp tới, ông Putin và ông Abe sẽ tập trung vào một loạt các chủ đề hai nước cùng quan tâm, trong đó nổi bật là quan hệ hợp tác kinh tế và hướng tới mục tiêu ký kết một bản Hiệp ước hòa bình giữa hai nước.
Ông Abe hy vọng, các cuộc đối thoại sắp diễn ra với ông Putin sẽ giúp hai nước thúc đẩy tiến trình đàm phán về việc ký kết một bản Hiệp ước hòa bình giữa hai nước, trong đó ưu tiên giải quyết quan hệ tranh chấp kéo dài đối với quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc trên Thái Bình Dương – mà từ lâu đã được coi là "cái gai" trong quan hệ hai nước. Theo nhận định của giới quan sát, việc giải quyết thành công mối quan hệ này sẽ mang lại cho ông Abe một “chiến thắng ngoại giao” để giành lợi thế trong việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1/2017.
Tuy nhiên, báo chí Nhật Bản cho biết, trong các vòng đối thoại với ông Putin, Thủ tướng Abe có thể sẽ chưa đề cập trực tiếp tới vấn đề chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp, mà thay vào đó, sẽ thảo luận về các hoạt động hợp tác kinh tế và miễn thị thực đối với các du khách tới thăm quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Về phía chính quyền Moscow đã khẳng định rõ lập trường rằng, các hoạt động phối hợp giữa hai nước tại quần đảo tranh chấp cần được thực hiện dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp Nga. Tuy nhiên, Nhật Bản lại tỏ ra thận trọng về cách tiếp cận của Nga với lập luận rằng, điều này có thể sẽ làm tổn hại đến “vị trí pháp lý của Nhật Bản” đối với quần đảo tranh chấp. Cụ thể, ông Abe đang hy vọng thúc đẩy các hoạt động trao đổi giữa các công dân Nga sinh sống trên nhóm đảo tranh chấp và người dân Nhật Bản – gồm cả những người đã từng sinh sống trên nhóm đảo này, nhằm hướng tới những triển vọng trong tiến trình đàm phán kéo dài suốt 70 năm qua. Hay nói một cách rõ ràng hơn thì điều mà ông Abe mong muốn, đó là tiến tới một thỏa thuận quan trọng trong quan hệ tranh chấp lãnh thổ, dựa trên những quyết định chính trị do hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga và Nhật Bản đưa ra.
Có thể thấy rằng, trong thời gian trở lại đây, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã dồn nhiều tâm huyết chính trị với mong muốn sớm tìm được tiếng nói chung với Nga trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hướng tới tương lai ký kết một bản Hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Đây cũng là những nội dung đã được ông Abe nhiều lần đề cập trước nhà lãnh đạo Nga trong năm 2016, trước tiên là tại cuộc gặp ở thành phố Sochi của Nga vào tháng 5, sau đó đến cuộc gặp bên lề một diễn đàn kinh tế ở thành phố Vladivostok và mới đây nhất là cuộc gặp ở Lima (Peru). Hai tuần trước, ông Abe đã cử Ngoại trưởng Fumio Kishida tới Moscow để bảo đảm thành công cho chuyến thăm của ông Putin. Thậm chí chỉ ít giờ trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa ông Abe và ông Putin, các quan chức ngoại giao cấp cao của hai nước vẫn tiếp tục đối thoại vào phút chót nhằm tìm giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước.
Trong bài phát biểu trước các nhà làm luật Nga vào ngày 1/12/2016, ông Putin đã tỏ rõ thiện chí cải thiện các mối quan hệ với Nhật Bản trên cả lĩnh vực kinh tế và năng lượng. Cách đây ít lâu, ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đối thoại nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản, song cũng lưu ý thêm rằng, “đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”. Theo nhận định của giới phân tích, thì tuyên bố này của ông Putin cho thấy, dù có thiện chí giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, song nhà lãnh đạo Nga không hề muốn “phá bỏ hình ảnh của mình như là một người bảo vệ kiên cố những lợi ích về chủ quyền của Nga”, bởi tiến trình thương thuyết có thể sẽ mang lại một số “rủi ro chính trị” đối với ông Putin.
Ngày 13/12, cố vấn điện Kremlin Yuri Ushakov cũng bày tỏ sự thận trọng về khả năng Nhật Bản và Nga sẽ đạt được “bước đột phá” trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ nhân chuyến thăm của ông Putin. Thay vào đó, ông Ushakov cho rằng, hai bên nên tập trung vào những thỏa thuận thương mại mà chuyến thăm này sẽ mang lại.
“Tổng thống đã từng tuyên bố rằng, Nga không chỉ sẵn sàng mà còn quan tâm tới việc giải quyết quan hệ tranh chấp lãnh thổ kéo dài (với Nhật Bản)…Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đây là một hành trình dài, đòi hỏi với những nỗ lực thận trọng để gây dựng niềm tin giữa hai nước” - ông Ushakov nói.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cũng chia sẻ quan điểm trên khi nhấn mạnh rằng chương trình nghị sự giữa Tokyo và Moscow trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Putin sẽ không chỉ bị bó hẹp trong chủ đề tranh chấp lãnh thổ. Cụ thể, phía Nga đang muốn tăng cường hợp tác với các công ty Nhật Bản trong chính sách xoay trục sang châu Á để đáp trả lệnh trừng phạt của các nước phương Tây trước cáo buộc về vai trò can thiệp của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine. “Tiềm năng quan hệ giữa Nga và Nhật Bản là rất lớn. Hai bên hy vọng sẽ phát triển các mối quan hệ tương xứng với tiềm năng. Chính vì thế, chúng tôi không muốn tập trung vào một chủ đề mà muốn bao quát một khía cạnh rộng lớn hơn… về các mối quan hệ giữa hai nước” – ông Peskov nói.
Dù quan hệ giữa hai nền kinh tế thuộc top 10 thế giới này đã có nhiều cải thiện kể từ sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, song vẫn còn tồn tại một số rào cản chủ yếu do quan hệ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, ngay cả khi còn nhiều khó khăn trước mắt, song Moscow và Tokyo vẫn có thể tìm giải pháp cho cuộc tranh cãi lịch sử kéo dài 70 năm qua bởi ít nhất, hai bên có thiện chí, có quan hệ ràng buộc, có nhiều mối quan tâm chung và quan trọng nhất là đã thừa nhận đang “tồn tại một quan hệ tranh chấp lãnh thổ” cần được giải quyết. Chuyến thăm của ông Putin cũng có thể sẽ chưa mang lại đột phá trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, song sự kiện này chắc chắn sẽ mang lại một “luồng sinh khí mới” và mở ra một tương lai với nhiều triển vọng hơn trong quan hệ hai nước./.