Tổng thống Pháp với chương trình nghị sự 2013

Thứ năm, 27/12/2012 10:34

(ĐCSVN) – Năm 2013 được xem là một năm đầy thử thách đối với Tổng thống Pháp François Hollande và chính quyền đương nhiệm – những nhà lãnh đạo đang cần phải chứng tỏ quyết tâm cải cách mô hình kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách và nợ công... trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao.

 

Tổng thống François Hollande đã phải đối mặt với nhiều thách thức ngay từ khi mới nhậm chức.
(Ảnh: Reuters)

Tháng 5/2012, ông François Hollande vượt qua đương kim Tổng thống Nikolas Sarkozy để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hollande và các đảng viên Đảng Xã hội đều mong muốn chứng tỏ quyết tâm quản lý chi tiêu công chặt chẽ và tăng thuế để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhằm giúp nước Pháp tránh sa vào một cuộc khủng hoảng tài chính.

Cho tới thời điểm hiện tại, người dân Pháp cũng như cộng đồng quốc tế đều đang nóng lòng chờ đợi nước Pháp dưới sự lãnh đạo của ông François Hollande sẽ cải tổ cơ cấu, linh hoạt hóa thị trường lao động, hợp lý hóa chi tiêu công, cải tiến việc đầu tư vào hệ thống bảo trợ xã hội. Mục tiêu nhằm phục hồi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Pháp vào thời điểm nhiều quốc gia láng giềng đều đã và đang tiến hành cải cách trước các áp lực từ thị trường.

6 tháng sau khi lên nắm quyền, ngày 13/11 vừa qua, Tổng thống Pháp François Hollande đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên về các chính sách đối nội và đối ngoại trước 400 nhà báo Pháp và quốc tế tại Điện Elysee. Tổng thống Hollande đã xác định lại các ưu tiên hành động của ông với tư cách nguyên thủ quốc gia, gồm đưa nước Pháp phục hồi tăng trưởng và giảm tình trạng thất nghiệp; khẳng định đó là mục tiêu chiến lược, chính sách ưu tiên trong cả nhiệm kỳ 5 năm của ông. Tổng thống Hollande cũng nhấn mạnh đến 3 ưu tiên trong nhiệm kỳ, hướng châu Âu trở lại đà tăng trưởng; hoàn trả, giảm nợ của Pháp và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Hollande kêu gọi tập hợp, đoàn kết nước Pháp, từ giới chủ doanh nghiệp, công đoàn đến thế hệ trẻ nhằm tạo xung lực phục hồi nước Pháp, tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đấu tranh chống nạn thất nghiệp, với ưu tiên ký các "hợp đồng thế hệ" dành cho giới trẻ, đồng thời cam kết đến cuối nhiệm kỳ, cuộc sống của lớp trẻ sẽ tốt hơn hiện tại. Tổng thống Hollande cũng khẳng định quyết tâm thực hiện đường lối đã được định ra là nhằm tìm lại tương lai cho nước Pháp, với lòng tin rằng Pháp có đủ phương tiện để phục hồi tăng trưởng thành công.

Ngay sau khi thành lập Chính phủ mới của cánh tả, Tổng thống François Hollande đã phải đối mặt với một loạt thách thức to lớn buộc ông phải tập trung giải quyết. Trong số đó, đáng chú ý là việc làm thế nào để thúc đẩy kinh tế Pháp hồi phục và tăng trưởng. Thêm vào đó, ông Hollande cũng phải nhanh chóng tìm cách giảm thâm hụt mậu dịch với mức kỷ lục 70 tỷ euro trong năm 2011 và giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Có thể khẳng định rằng, trong quá khứ, nước Pháp luôn được xem là trung tâm của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và thậm chí là của cả Liên minh châu Âu. Thực tế đã cho thấy nước Pháp đạt được nhiều lợi thế từ đồng euro như được vay ở mức thấp kỷ lục và đã tránh được những rắc rối của khu vực Địa Trung Hải. Tuy nhiên, trong thời gian trở lại đây, dường như nước Pháp đã “nhượng lại” vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc khủng hoảng đồng euro cho Đức và nền kinh tế này hiện đang ngày càng dễ bị tổn thương.

Cho tới thời điểm hiện tại, nền kinh tế Pháp vẫn có nhiều điểm mạnh song cũng không tránh khỏi những điểm yếu và điều đáng nói là những điểm tiêu cực này ngày càng bị lộ rõ trong bối cảnh khủng hoảng trên toàn khu vực đồng euro.

Gần đây nhất, công ty đánh giá tín dụng uy tín trên thế giới Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của Pháp từ AAA xuống AA1, đồng thời cảnh báo tín nhiệm tín dụng Pháp có thể sẽ tiếp tục lao dốc. Mặc dù so với Italia, Tây Ban Nha, hiện Pháp vẫn duy trì được mức xếp hạng tín dụng cao hơn nhờ nền kinh tế lớn và đa dạng, cũng như quyết tâm của Điện Elysee trong cải cách cơ cấu và củng cố tài chính, nhưng cũng không thể phủ nhận nền kinh tế Pháp đang mất dần khả năng cạnh tranh ở mức độ toàn cầu.

Nguyên nhân được lý giải là do những bất cập kéo dài về cơ cấu kinh tế. Và ngay cả khi các nước EU khác đã kiềm chế nợ công thì Pháp vẫn để nó chiếm gần 57% GDP, tỷ lệ cao nhất trong khu vực Eurozone. Thêm vào đó, môi trường kinh doanh tại Pháp cũng đã trở nên tồi tệ hơn khi các công ty Pháp đang chịu gánh nặng của nội quy lao động và những quy tắc cứng nhắc về sản phẩm và thị trường, thuế cao và nặng về phí xã hội nhất trong Eurozone. Xuất khẩu sụt giảm cũng là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế do những tác động của cuộc khủng hoảng nợ... Và, còn chưa kể những nguy cơ gánh chịu rủi ro bất đắc dĩ từ các nước có nguy cơ vỡ nợ công tiềm tàng như Italia, Tây Ban Nha luôn ở mức đáng báo động.

Đặc biệt, nền kinh tế vốn đã đang trì trệ, có thể rơi vào suy thoái lại còn có tới hơn 10% lực lượng lao động và hơn 25% những người trẻ tuổi, đang thất nghiệp.

 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp vẫn đang ở mức cao. (Ảnh: LeMonde)

Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (INSEE) gần đây đưa ra dự báo nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 0,2% trong quý 4/2012. Theo INSEE, năm 2012, Pháp sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 0,1%, thấp hơn so với con số 0,2% trước đó. Trong đó, INSEE cho rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn sẽ ở mức cao khi dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 10,1% trong quý 4/2012, cao hơn so với mức 9,9% trong quý 3/2012. Theo INSEE, con số này có thể tăng lên 10,5% vào giữa năm 2013.

Trong bối cảnh không mấy thuận lợi như hiện nay, Tổng thống François Hollande đang phải đứng trước sức ép lớn hơn bao giờ hết là làm thế nào để tìm ra một hướng đi mới hiệu quả hơn để thay đổi con đường mà Pháp đã đi trong suốt 30 năm vừa qua. Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tại Pháp trong năm tới không còn là điều xa vời. Vì vậy, nếu như trong năm 2012, người dân Pháp nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đã bước đầu thừa nhận những cố gắng của ông Hollande trong việc vực dậy nền kinh tế Pháp thì trong năm 2013 tới, những cố gắng và quyết tâm của đương kim Tổng thống Pháp cần được nhân lên gấp bội. Hơn lúc nào hết, Tổng thống Hollande cần tỏ rõ thiện chí và cam kết một cách quyết liệt để tiến hành một cuộc “cách mạng triệt để” đối với nền kinh tế Pháp./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực