Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian gần đây, “trái phiếu chung châu Âu” (Eurobonds) thường xuyên được nhắc tới như một “liều thuốc” cứu khu vực đồng euro khỏi khủng hoảng. Vậy trái phiếu chung châu Âu là gì ? Vì sao loại trái phiếu này lại được nhắc tới nhiều như vậy và liệu có triển vọng được phát hành?
|
Đồng euro (ảnh minh hoạ) |
Bộ trưởng Kinh tế Italy Giulio Tremonti trong một tuyên bố mới đây đã hùng hồn khẳng định rằng, nếu vào thời điểm này, trái phiếu chung châu Âu tồn tại, đã không có cuộc khủng hoảng nợ công như hiện nay. Tỷ phú George Soros trong một bài viết trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) cũng không “úp mở” khi khẳng định “châu Âu cần trái phiếu chung”, thậm chí còn cảnh báo nếu không có loại trái phiếu này, “đồng euro sẽ sụp đổ”.
PGS.TS Nguyễn Đức Khương, giảng viên tài chính tại Học viện Thương mại Paris giải thích rằng trái phiếu chung châu Âu là loại trái phiếu do 17 nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu phát hành. PGS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng: “Ngân hàng Trung ương châu Âu đứng ra vay tiền với danh nghĩa của Cộng đồng chung châu Âu. Người ta sẽ căn cứ vào mức độ rủi ro của cả khu vực sử dụng đồng euro để xác định mức lãi suất nào là hợp lý nhất. Nếu đưa ra loại trái phiếu chung cho cả khu vực, sẽ lấy mức độ rủi ro trung bình tương ứng với tỷ lệ lãi suất ở các nước thành viên”.
Vấn đề đặt ra là hiện nay, tỷ lệ lãi suất của các loại trái phiếu của từng nước rất khác nhau do tình hình kinh tế khác biệt của các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chẳng hạn, trái phiếu của Hy Lạp cho thời hạn 10 năm có tỷ lệ lãi suất là 15%; của Tây Ban Nha là 6% trong khi của Đức chỉ là 2,3%. Sự khác biệt này một phần giải thích thái độ kiên quyết của Đức, Pháp và một số nước Bắc Âu phản đối việc phát hành trái phiếu chung của khu vực.
PGS.TS Nguyễn Đức Khương cho biết: “Khi mà kịch bản vỡ nợ xảy ra, chỉ có những quốc gia ổn định như Đức và Pháp là những nước phải gánh cuối cùng. Các nước kia đều đang gặp những khó khăn về nợ, trong khi những chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu của Chính phủ đều chưa mang lại hiệu quả, mà thị trường vẫn tiếp tục nghi ngờ về khả năng thanh toán của các nước này, dẫn đến việc trái phiếu các nước này phát hành luôn bị tấn công, giá trị giảm”.
Riêng đối với Đức, còn có một số lý do khác khiến quốc gia này không muốn chịu rủi ro chung với các nước yếu kém của khu vực. Đức lo ngại rằng một khi trái phiếu chung châu Âu được phát hành, các nước yếu kém và thiếu kỷ luật trong khối sẽ cảm thấy an toàn hơn và sẽ giảm thiểu những nỗ lực kiểm soát nợ. Ngoài ra, công luận Đức vốn không muốn họ phải đứng ra gánh chịu hậu quả do sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của các quốc gia khác gây ra. Trước quan điểm này, các nhà lãnh đạo chính trị không thể chấp nhận rủi ro chính trị quá lớn khi làm trái ý muốn của người dân.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu chung châu Âu cũng có nhiều ưu điểm không thể bỏ qua. Anh Nguyễn Đức Khương giải thích: “Khi đưa ra một trái phiếu chung châu Âu sẽ giúp tăng tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu châu Âu và tạo ra một thị trường trái phiếu hội nhập. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu chung cũng làm giảm chi phí vay nợ cho các nước có nợ công cao.”
Nói cách khác, trái phiếu chung châu Âu cho phép chia đều rủi ro và bảo vệ các quốc gia yếu kém nhất trong khu vực chống lại các hoạt động đầu cơ. Điều này không phải không quan trọng bởi vì sự sụp đổ của bất kỳ nền kinh tế nào trong khu vực cũng đều gây ra hiệu ứng lây truyền ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực đồng euro.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức mới đây, lãnh đạo của hai quốc gia đầu tàu kinh tế châu Âu đã không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự và sau đó tuyên bố phản đối việc phát hành trái phiều chung châu Âu vào thời điểm hiện nay. Như vậy, khả năng loại trái phiếu châu Âu sớm được phát hành là rất nhỏ, nhưng không phải là hoàn toàn bị loại trừ. Bởi Tổng thống Pháp Sarkozy đã hé mở rằng “việc phát hành trái phiếu phải là giai đoạn cuối của tiến trình hội nhập châu Âu chứ không phải là giai đoạn đầu của tiến trình này”.
Nói khác đi, trái phiếu chung châu Âu vẫn còn một tương lai phía trước, chỉ là phải chờ đợi đến thời điểm nào mà thôi./.