Triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Thứ tư, 02/11/2011 10:37

(ĐCSVN) - Các quan chức thương mại Mỹ cho biết, 9 trong tổng số 21 quốc gia thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là Việt Nam, Mỹ, Chi-lê, Pê-ru, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Bru-nây đang đi vào giai đoạn quan trọng cuối cùng thống nhất những nguyên tắc chung về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến sẽ được ký kết tại Hội nghị cấp cao APEC 2011. Hội nghị này sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Hô-nô-lu-lu, bang Ha-oai, Mỹ, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.

Phát ngôn viên Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Gu-thơ-ri cho biết, 9 quốc gia chiếm 1/4 kinh tế thế giới này đã bắt đầu đàm phán giai đoạn cuối của TPP tại thủ đô Li-ma của Pê-ru từ ngày 19.10.2011 và sẽ mất từ 6-10 ngày để hoàn tất. Trước đó, TPP đã được đưa lên bàn đàm phán từ gần hai năm qua. Tuy nhiên, ý tưởng về TPP đã có từ lâu và vào năm 2005, bốn nước Bru-nây, Chi-lê, Niu Di-lân và Xin-ga-po là những thành viên đầu tiên ký kết hiệp định này. Đến nay, phạm vi của TPP đã được mở rộng với sự tham gia của Ô-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a, Pê-ru, Việt Nam và Mỹ. Vòng đàm phán đầu tiên của TPP với 9 quốc gia diễn ra tại thành phố Men-bơn của Ô-xtrây-li-a vào tháng 3.2010.

Các quan chức cho biết, ngay cả sau khi được ký kết chính thức ở Hội nghị cấp cao APEC 2011, những vấn đề đàm phán tiếp theo của TPP có thể còn tiếp tục. Tuy nhiên, về cơ bản, các điểm thỏa thuận sẽ bao gồm các vấn đề về đối tác chiến lược, hệ thống quản lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước và các vấn đề thương mại khác như sự cạnh tranh, minh bạch, giải quyết tranh chấp, bảo hộ thương mại, miễn, giảm thuế...

Theo người đứng đầu bộ phận Chính sách Thương mại Quốc tế của Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ Gâu-đi, TPP mang tính toàn diện và liên quan đến một số thị trường đang phát triển rất quan trọng như Việt Nam, Ma-lai-xi-a cũng như thị trường đã phát triển ở Niu Di-lân. Các vị đại diện thương mại hy vọng, Hội nghị cấp cao APEC 2011 cùng thỏa thuận TPP sẽ tiếp thêm động lực cho quá trình thúc đẩy thương mại tự do, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia.

Hãng tin AFP nhận định, việc ký kết TPP sẽ mở ra hy vọng hoàn tất nhiều thỏa thuận thương mại tự do ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đã bị trì trệ trong một thời gian dài. Các thành viên tham gia TPP cũng mong đợi các cường quốc khác thuộc APEC như Trung Quốc, Nhật Bản và Nga sớm ký kết TPP. Theo AFP, nếu được tất cả 21 quốc gia thành viên APEC ký kết, TPP sẽ chiếm khoảng 50% giá trị thương mại toàn cầu và có khả năng góp phần thay đổi mạnh mẽ xu hướng thương mại thế giới. Các chuyên gia cho rằng, nếu đồng ý tham gia TPP, Nhật Bản có thể đóng vai trò chủ chốt giúp TPP trở thành nền tảng cho các thỏa thuận thương mại đa phương khác ở châu Á. Nhật Bản là quốc gia quan trọng từng muốn tham gia TPP, tuy nhiên thảm họa động đất và sóng thần ngày 11.3.2011 đã khiến nước này thay đổi chiến lược.

Nhà cựu ngoại giao thương mại Ô-xtrây-li-a Men-dơ phân tích, Bộ Nông nghiệp và ngành sản xuất nông nghiệp Nhật Bản đã từng tuyên bố, hiện giờ không phải là thời điểm thích hợp để tự do hóa lĩnh vực nông nghiệp mà cần phải tập trung vào khôi phục nông nghiệp. Vì vậy, Hội nghị cấp cao APEC 2011 có thể là dịp để Thủ tướng Nhật Bản Nô-đa chính thức tuyên bố sự lựa chọn đường lối của nước này. Ngoài Nhật Bản, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác thuộc khối APEC là Ca-na-đa, Phi-líp-pin, Hàn quốc và Đài Loan cũng có khả năng tham gia TPP trong tương lai.

Điều đáng chú ý là, cho đến nay, Trung Quốc vẫn là cường quốc không hề thảo luận hay có ý định tham gia TPP. Ngoài ra, một thành viên APEC khác có nền kinh tế rất phát triển ở Đông Nam Á là In-đô-nê-xi-a thì giữ thái độ khá thận trọng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực