Triều Tiên đã chủ động đưa ra tuyên bố “sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên và sẵn sàng cấm thử nghiệm và sản xuất vũ khí hạt nhân vô điều kiện”.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il |
Tuần qua, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il đã có chuyến thăm tới Nga và Trung Quốc, 2 trong 6 nước thành viên của các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Động thái này mang lại hy vọng về triển vọng của vòng đàm phán vốn bị đình trệ suốt 2 năm nay và quan hệ hai miền Triều Tiên liên tục nổi sóng.
Có nhiều lý do để không nghĩ tới vòng đàm phán 6 bên khi Chủ tịch Kim tiến hành chuyến thăm LB Nga theo lời mời của Tổng thống Medvedev. Nơi ông tới đầu tiên không phải là Moscow mà là tới vùng Viễn Đông xa xôi của nước Nga. Rồi ngay trong ngày đầu ở đây, ông tới tham quan nhà máy thủy điện Bureiskaya ở Talakan. Ngày hôm sau, ông thảnh thơi nghỉ dưỡng bằng việc đi bơi và du ngoạn trên hồ Baikal trước khi tham dự cuộc hội đàm với Tổng thống Nga.
Thế rồi, những nội dung được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia cũng chủ yếu xoay quanh những vấn đề mang tính “thúc đẩy hợp tác kinh tế” mà quan trọng nhất là đề nghị của Nga xây dựng đường ống cung cấp khí gas cho Hàn Quốc xuyên qua lãnh thổ Triều Tiên. Mối lợi này sẽ là không nhỏ với cả hai nước bởi Hàn Quốc vốn là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga, nếu dự án này được triển khai nó sẽ không chỉ đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho Triều Tiên với khoản thu nhập có thể khoảng 500 triệu USD mỗi năm khi cho phép Nga xây dựng đường ống, mà quan trọng hơn, nó còn giúp làm giảm bớt những căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Hai bên cũng bàn về việc cùng xây dựng một tuyến đường sắt chung và tăng cường hợp tác cả trong lĩnh vực quân sự.
Thế nhưng, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Medvedev, sau rất nhiều vấn đề thiết thân trước mắt đó, nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il đã tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên mà không đưa ra điều kiện nào. Bình Nhưỡng thông báo sẵn sàng cấm thử nghiệm và sản xuất vũ khí hạt nhân ở nước này và coi đây như một bảo đảm cứng rắn nhất để vòng đàm phán 6 bên có cơ hội tái khởi động sau 2 năm ngừng trệ.
Đến Trung Quốc cũng vậy, mặc dù trước đây, thông tin về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Kim Jong Il thường chỉ được phát đi sau khi ông đã trở về lại Bình Nhưỡng, nhưng lần này, ngay ngày đầu tiên tới miền Đông Bắc Trung Quốc, bắt đầu chuyến thăm, báo chí của cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đã đưa tin rộng rãi. Dẫu Hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc chỉ mô tả chuyến thăm là “chặng dừng chân” của ông Kim Jong-Il, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối cho biết liệu ông Kim có gặp gỡ quan chức Trung Quốc hay chỉ quá cảnh trên đường về Triều Tiên từ Nga; Hay, hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên khẳng định, Chủ tịch Kim có chuyến thăm tới khu vực đông bắc Trung Quốc vào ngày 25/8 trên đường trở về nước… thì người ta vẫn thấy có nhiều ý nghĩa của chuyến thăm, gắn với vòng đàm phán sáu bên. Chỉ trong vòng 3 tháng của năm nay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il đã lại tiến hành thăm Trung Quốc lần thứ hai thì có thể nói đây cũng là động thái quan trọng mà Bình Những muốn gửi đi một thông điệp về tinh thần “sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên”.
Chuyến thăm trước diễn ra vào tháng 5 và khi đó, tại cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Kim Jong-Il vẫn cam kết giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và hy vọng sớm nối lại đàm phán 6 bên.
Tuy nhiên, trước những thông tin này, cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng tuyên bố của Triều Tiên không có gì mới và Hàn Quốc vẫn luôn đưa ra một điều kiện quan trọng để nối lại đàm phán là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi nối lại đàm phán.
Theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên người ta vẫn nhớ, vòng đàm phán sáu bên giữa Triều Tiên với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Nga bị đình trệ kể từ tháng 4/2009 và sau đó một tháng, Bình Nhưỡng đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ hai vốn gây khá nhiều căng thẳng trong khu vực. Thế nhưng, lần này, khi Triều Tiên đã chủ động đưa ra tuyên bố “sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên và sẵn sàng cấm thử nghiệm và sản xuất vũ khí hạt nhân vô điều kiện” thì thông điệp ấy vẫn mang lại hy vọng về một viễn cảnh không xa của cuộc đàm phán cho giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên./.