Triển vọng giải trừ hạt nhân liệu có thành hiện thực?

Thứ ba, 22/11/2011 08:34

(ĐCSVN) - Theo một nghiên cứu mới nhất được tiết lộ của Cơ quan nghiên cứu Trident Commission thuộc Hội đồng thông tin an ninh Anh – Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy các cường quốc hạt nhân trên thế giới sẽ giải trừ các vũ khí hạt nhân, trong khi nhiều quốc gia khác lại đang có kế hoạch tăng ngân sách cho các loại vũ khí mới, cho thấy cuộc chạy đua vũ trang mới đang hình hành.

Nhà nghiên cứu I-ran Cơn cho biết, mặc dù các cường quốc vẫn cần hợp tác với nhau để đối phó với các thách thức của quá trình toàn cầu hóa nhưng tư tưởng răn đe hạt nhân vẫn được thể hiện rất rõ trong chính sách phòng thủ của các cường quốc này. Các chương trình phát triển và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân đang được tiến hành tại Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Pa-ki-xtan. Một số nước bao gồm Nga, Pa-ki-xtan, I-xra-en và Pháp đã xác định vai trò của vũ khí hạt nhân có thể “vượt trên răn đe” và ông Cơn cảnh báo bằng chứng này là dấu hiệu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân cũng như lực lượng hạt nhân toàn cầu.

Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu hiện có khoảng 21.000 đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả các đầu đạn dự trữ và số đã được triển khai. Trong đó, Mỹ đã triển khai khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược (trong khi Thời báo Niu Yoóc đưa ra con số là 2.500) với 2.850 đầu đạn dự trữ. Nga triển khai 2.600 đầu đạn và 3.700 đầu đạn dự trữ, nước này còn có hơn 5.300 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược. Trung Quốc, Pháp và Anh lần lượt có 240, 300 và 225 đầu đạn hạt nhân.

Các con số này sau đó trở thành không xác thực, với I-xra-en (vốn phủ nhận là không có đầu đạn hạt nhân nào), Ấn Độ và Pa-ki-xtan lần lượt có 100 đến 200, 60 đến 80 và 100 đến 110 đầu đạn hạt nhân. Bắc Triều Tiên có khoảng 6 đầu đạn hạt nhân.

Báo cáo của Trident cho biết, Mỹ và Nga sẽ là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong cuộc chạy đua vũ trang trong thập kỷ tới. Trong 10 năm tới, Mỹ sẽ chi 700 tỷ USD để phát triển vũ khí hạt nhân. Trong số đó, 100 tỷ USD sẽ được dùng để bảo dưỡng và hiện đại hóa các phương tiện mang hạt nhân sẵn có; 92 tỷ USD sẽ được sử dụng để bảo dưỡng và hiện đại hóa các đầu đạn hạt nhân đã được triển khai cũng như các cơ sở sản xuất chúng. Mỹ cũng có kế hoạch kéo dài thời hạn sử dụng của các tên lửa đạn đạo Minuteman III và thiết kế một loại tên lửa đạn đạo mới, đóng 12 tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo mới, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được trang bị cho Hải quân Mỹ vào năm 2029. Ngoài ra, Mỹ còn kéo dài thời gian hoạt động của các máy bay ném bom B-52H Stratofortress đến năm 2035, phát triển một loại máy bay ném bom tầm xa mới và bắt đầu thay thế các tên lửa hành trình hạt nhân bằng các tên lửa mới hiện đại hơn vào năm 2025.

Trong khi đó, Nga sẽ chi ít nhất 70 tỷ USD để phát triển bộ ba hạt nhân của nước này đến năm 2020. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động mới RS-24 Yars, chế tạo một loại tên lửa đạn đạo mới có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân vào năm 2018, tái trang bị các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Project 667BDRM bằng các tên lửa Sineva cải tiến, đóng 8 tàu ngầm lớp Borei Project 955 và phát triển loại tàu ngầm chiến lược thế hệ thứ 5. Trong 10 năm tới, Lực lượng vũ trang Nga sẽ thành lập 10 Lữ đoàn tên lửa hạt nhân tầm ngắn Iskander-M theo Chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Trong số các nước khác tham gia cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, Trident đề cập đến Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, I-xra-en, Pa-ki-xtan và Bắc Triều Tiên. Tất cả các nước này cũng phát triển và chế tạo các loại vũ khí hạt nhân mới. Trung Quốc sắp triển khai các hệ thống tên lửa di động DF-31 A, Ấn Độ triển khai tên lửa đạn đạo Agni-V và I-xra-en sẽ hoàn thành phát triển các tên lửa thế hệ mới Jericho- III với tầm bắn lên tới 6.500 km.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực