Thế giới vừa vui mừng chào đón công dân thứ 7 tỷ, bé Đa-ni-ca May Ca-ma-chô, ra đời tại một bệnh viện ở Ma-ni-la (Phi-líp-pin). Như vậy là, hành tinh xanh của chúng ta hiện có 7 tỷ người sinh sống… Dấu mốc quan trọng này được coi là thành tựu lớn của nhân loại bởi loài người đã vượt qua thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… để sống và phát triển mạnh mẽ.
Theo tính toán, hành tinh của chúng ta sẽ chào đón công dân thứ 9 tỷ vào năm 2050 và 15,8 tỷ vào năm 2100. Câu chuyện dân số tương lai sẽ còn nhiều bàn thảo, tính toán cân nhắc ở tầm toàn cầu, nhưng hiện tại có khá nhiều vấn đề đặt ra xung quanh môi trường sống và chất lượng cuộc sống của con người.
Không nói đâu xa, ngay ở Việt Nam ta, khi dân số tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển vượt bậc và được xếp vào thứ hạng “khủng” trên thế giới thì ở góc độ môi trường, không gian sống, nhiều khu vực vẫn chưa có những cải thiện đáng kể. Người dân vẫn buộc phải sống vài ba thế hệ cùng nhau trong những ngôi nhà cũ, khu phố cũ, như bao đời nay. Vẫn có những “xóm nước đen” bên những túp lều cắm cọc ven sông… Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, nhiều gia đình chưa có cơ hội cải thiện môi trường sống. Do đô thị hóa, do dân số tăng nhanh về cơ học, người dân ở các thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt bức xúc về chất lượng không gian sống, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, nạn tắc đường, trật tự, an toàn xã hội, điều kiện học hành, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí… mà đến nay vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu giải quyết bền vững. Trong khi đó, ở nhiều khu vực được coi là “đất rộng, người thưa” lại phải đối mặt với tình trạng tàn phá không thương tiếc môi trường. Rừng bị chặt phá, đồi núi trơ trọc, sông suối bị lấp… đã gây ra những thảm họa về thiên nhiên mà những giải pháp tình thế khó có thể giải quyết triệt để. Hằng ngày, những thông tin về tình trạng phá vỡ mối quan hệ bền vững con người - thiên nhiên vẫn làm nhức nhối đông đảo dư luận xã hội. Nó đòi hỏi những quyết sách đúng đắn, sáng suốt từ các cơ quan chức năng và sự tự giác thay đổi nhận thức và hành vi từ mỗi cá nhân.
Môi trường sống của con cháu chúng ta sẽ ra sao trong 50 năm, 100 năm nữa, nếu chúng ta không có những giải pháp căn cơ và quyết liệt để bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn môi trường sống trên hành tinh của chúng ta từ hôm nay?
Cùng với nhân loại, chúng ta vui mừng chào đón công dân thứ 7 tỷ của thế giới chào đời và cùng đón nhận những thách thức đặt ra khi hành tinh xanh phải gồng mình gánh chịu những áp lực về tăng dân số. Sẽ có những chính sách, sự lựa chọn mới để con người sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường, để giải quyết bài toán phát triển hài hòa của nhân loại. Không có chuyện “trời sinh voi, sinh cỏ” bởi chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, xã hội và rộng hơn là toàn nhân loại thế hệ kế tiếp phụ thuộc vào suy nghĩ, hành động của mỗi cá nhân hôm nay vì đất đai, tài nguyên thiên nhiên… xét cho cùng chỉ là hữu hạn.