Trung Quốc: Cứu người để giúp mình

Thứ tư, 21/09/2011 10:18

Từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu bắt đầu (2008), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã nổi lên như một nhà cho vay hàng đầu mà tất cả các ngân hàng yếu kém ở Châu Âu phải viện đến. Khoản cầm cố của các ngân hàng nợ ECB có lúc cao điểm, chỉ trong một đêm đã tới 105,9 tỷ euro (152 tỷ USD), tăng cao gấp 3 lần mức trung bình trong năm. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2011, các ngân hàng Châu Âu cần có khoảng 80 tỷ euro để xử lý nợ đáo hạn. Điều này là vượt quá khả năng của ECB.

Khó thoát nạn nếu không người giúp

Giới đầu tư đã rất lo lắng vì giá của cổ phiếu các ngân hàng Châu Âu đã giảm 22% trong thời gian từ 1 - 22/8/2011. Cái giá của việc bảo đảm trái phiếu của 25 ngân hàng châu Âu và các hãng bảo hiểm đã tạo nên một kỷ lục là 257 điểm so với điểm căn bản hôm 24/8/2011, tăng hơn nhiều so với mức cao đã từng có là 149 điểm trước đó.

Hãng Morgan Stanley ước tính, các ngân hàng Châu Âu cần khoảng 80 tỷ euro từ nay đến cuối năm để xử lý các vấn đề nợ. Khả năng ký quỹ để thêm vốn của họ rất khó khăn vì sự lo ngại của các công ty, cá nhân chuyên về tài chính và chiếc phao cứu sinh duy nhất họ hướng tới là ECB. Trong khi đó, theo Cơ quan dữ liệu của ECB, các khoản nợ cần giám sát chặt chẽ của các ngân hàng Hy Lạp là 98,2 tỷ euro, của Italy là 317 tỷ euro và của Tây Ban Nha là 280 tỷ euro. Vì thế câu hỏi đặt ra là ECB còn có thể cứu giúp các ngân hàng ốm yếu của Châu Âu đến khi nào nếu như những ngân hàng này không tự đi trên chính đôi chân mình?

Có đi có lại

Tại “Diễn đàn mùa hè Davos” tổ chức ngày 14/9 tại thành phố Đại Liên, trong diễn văn khai mạc Diễn đàn, trước đại diện chính phủ và các doanh nhân của hơn 90 nước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định, Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để lấy lại cân bằng cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Sau khi đưa ra những hứa hẹn Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào châu Âu, mua lại nợ của các nước có nhu cầu, Thủ tướng Trung Quốc cũng nói rằng, ông hy vọng các nước trong EU sẽ sớm thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường.

Nếu theo lịch trình của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến năm 2016 kinh tế Trung Quốc mới được xem xét để được hưởng quy chế đầy đủ của một nền kinh tế thị trường. Quy chế này sẽ giúp cho Trung Quốc gỡ bỏ được những hạn chế về đầu tư và xuất khẩu sang châu Âu.

Nhân cơ hội châu Âu đang khó khăn, Trung Quốc mong muốn các nước chủ chốt trong Liên minh châu Âu sẽ đáp lại thịnh tình của Bắc Kinh lúc này bằng việc thúc đẩy công nhận quy chế thị trường đầy đủ cho Trung Quốc sớm hơn so với lịch trình, hồ sơ này có thể được tiến triển ngay trong cuộc gặp thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu - Trung Quốc trong thời gian tới.

Tuyên bố nêu trên của Thủ tướng Trung Quốc đưa ra đúng vào lúc mà các quốc gia mới trỗi dậy trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) sắp tới cũng sẽ thảo luận về khả năng hỗ trợ Liên minh châu Âu (EU).

Nhất cử lưỡng tiện

Theo các nhà phân tích quốc tế, trong nghĩa cử giúp đỡ châu Âu, Trung Quốc đã không quên tính toán kỹ lưỡng những mối quan hệ lợi ích:

Một là, Trung Quốc muốn đa dạng hóa đầu tư tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Để đảm bảo an toàn trong quản lý ngoại hối, việc đa dạng hóa các ngoại tệ dự trữ là một điều kiện quan trọng. Ngoài trái phiếu của các nước châu Âu, Trung Quốc cũng đã mua vào không ít trái phiếu chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hai là, châu Âu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh giúp đỡ châu Âu về tài chính, có thể giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục gia tăng vào thị trường này, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu công nghệ cao từ châu Âu.

Trong bài bình luận "Trung Quốc sẽ cởi mở hơn với thế giới" đăng trên tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã viết: "Chúng tôi hy vọng rằng, Liên minh châu Âu sẽ nới lỏng hạn chế với hàng xuất khẩu công nghệ cao tới Trung Quốc… và phát triển quan hệ thương mại cân bằng, ổn định”.

Giới phân tích quốc tế còn cho rằng: Trung Quốc là nước có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào nhất thế giới, hiện đã lên tới hơn 3.000 tỷ USD. Ngay từ khi nổ ra khủng hoảng nợ công ở châu Âu, Trung Quốc cũng đã cam kết trợ giúp Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngày 25/6/2011 trong chuyến thăm châu Âu, ông Ôn Gia Bảo cũng đã tuyên bố sẽ "mua" lại khoản nợ quốc gia của các nước châu Âu có nhu cầu như: Hungaria, Italy…

Vì thế, một số nhà bình luận châu Âu còn cho rằng, đến một lúc nào đó, Trung Quốc có thể sẽ sẵn sàng "mua đứt" cả châu Âu, khi mà tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đã bao trùm khu vực ảnh hưởng của Mỹ. Nhưng không chỉ có châu Âu đang bị đồng tiền của Trung Quốc "mua", mà chính nước Mỹ cũng đang là con nợ nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Nhiều công ty, nhãn hiệu hàng hóa công nghiệp hàng đầu của Mỹ, sau thời gian làm ăn thua lỗ nay cũng đang dần dần sang tay cho các ông chủ mới từ Trung Quốc.

Như vậy là sau châu Phi, Nam Mỹ, nay đến lượt châu Âu đang dần dần đi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo giáo sư kinh tế Patrick Chovanec của Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), trong vai trò nước hỗ trợ tài chính cho châu Âu, Trung Quốc sẽ có lợi về mặt chính trị và ngoại giao. Châu Âu và Trung Quốc hiện vẫn tồn tại những bất đồng, như buôn bán vũ khí hay tỷ giá Nhân dân tệ.

Có thể nói, việc Trung Quốc đầu tư mua trái phiếu chính phủ, mua lại nợ của các nước châu Âu… là một cách để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tạo nền móng vững chắc cho vị thế cường quốc, bảo đảm an toàn cho việc xuất khẩu, đồng thời tiếp tục theo đuổi và thực hiện thành công các chính sách về chính trị và ngoại giao toàn cầu Trung Quốc./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực