(ĐCSVN) - Trong khoảng thời gian một năm trở lại đây, việc giá cả thị trường không ngừng gia tăng một cách chóng mặt, khiến cho người dân cũng như chính phủ Trung Quốc gặp rất nhiều áp lực.
Tăng giá, mất khả năng kiểm soát giá trở thành vấn đề nan giải của nền kinh tế và toàn xã hội Trung Quốc. Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm ở Trung Quốc tăng 5,4%, nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định sự gia tăng giá cả hàng hóa thực tế lớn hơn rất nhiều so với các số liệu được công bố công khai. Chỉ số giá sản xuất (PPI) được công bố là đã tăng 7%.
Nguyên nhân chủ yếu là do:
Một là, giá cả thực phẩm tăng nhanh một cách chóng mặt. Theo thống kê, từ quý 3 năm 2010, giá cả thực phẩm của Trung Quốc bắt đầu có những biến động tăng mạnh, trong thời gian nửa đầu năm 2010 đã tăng 5,5%. Tăng 7,4% trong quý 3 và 10,5% trong quý 4-2010. Ước tính, thực phẩm tăng giá chiếm 74% tổng số giá trị của tình trạng vật giá leo thang năm 2010, thấp hơn một chút so với 2 đợt "nóng“ nhất xảy ra trước đó 2004 và 2008, thực phẩm tăng giá chiếm 78,8% và 83,8% trong tổng số chỉ số tăng giá. Trong quý 1 đầu năm nay, giá thực phẩm đã tăng 11%, quý 2 tăng 10,6%. Những sản phẩm không nằm trong danh mục thực phẩm, cũng tăng giá một cách rõ rệt, từ tháng 3 đến tháng 6-2011, các mặt hàng (ngoài thực phẩm) đã tăng 2,7%.
So sánh với 2 đợt xảy ra tình trạng vật giá leo thang năm 2003-2004 và 2008-2009, nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến cho vật giá thị trường Trung Quốc không ngừng gia tăng, trong đó tăng mạnh nhất từ quý 4-2010 trở lại đây, chính là do việc đồng nhân dân tệ tăng giá một cách đột ngột. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Bởi nếu như việc tăng giá đồng nhân dân tệ khiến vật giá leo thang, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc sẽ cần phải tăng 10%/năm, thậm chí là 20%, chứ không phải là con số như đã nêu trên, vì giá trị đồng nhân dân tệ đã tăng hơn 20% trong gần 2 năm qua. Tuy nhiên, một vài nhà nghiên cứu kinh tế nhận định, trong năm ngoái và cả trong năm nay, việc giá trị của đồng nhân dân tệ gia tăng liên quan đến tình trạng vật giá tăng cao không lớn. Nhưng sự liên quan này sẽ xuất hiện trong thời gian tới khi việc thực hiện chính sách tiền tệ có được kết quả thực tế.
Hai là, giá dầu và giá nguyên liệu thô trên thế giới tăng cao. Việc giá dầu và các mặt hàng nguyên liệu thô trên thế giới tăng cao, khiến Trung Quốc chịu nhiều ảnh hưởng đến việc gia tăng chỉ số giá sản xuất (PPI), từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong thời gian gần đây, tình hình chính trị không ổn định tại Trung Đông và Bắc Phi, không những không có dấu hiệu lắng xuống, ngược lại ngày càng gay gắt và kéo dài. Việc bội chi ngân sách quá lớn của Mỹ, khiến cho việc khôi phục kinh tế toàn cầu, và ngay cả với Mỹ gặp rất nhiều áp lực và khó khăn. Đó là những lý do mang tính khách quan khiến cho Trung Quốc- “công xưởng thế giới”, nơi tiêu thụ nguyên nhiên liệu hàng đầu thế giới gặp khó khăn lớn trong thời gian qua.
Theo đánh giá, tình trạng vật giá tăng nhanh của Trung Quốc thời gian tới đây sẽ chững lại. Dự báo trong thời gian nửa cuối năm nay, giá cả thị trường sẽ không còn cao và chuyển sang chiều hướng giảm dần. Tại sao lại dẫn đến thực tế “đảo chiều” đó?, các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc lý giải:
Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ thực tế của người tiêu dùng hiện nay, đang có xu hướng giảm dần, hiện tượng bão hòa tình trạng mua sắm và điều chỉnh mức độ tiêu dùng sẽ diễn ra.
Thứ hai, để phát triển nông nghiệp bền vững, từ năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện kế hoạch đầu tư số vốn lên tới 4000 tỷ nhân dân tệ cho việc nghiên cứu nhằm làm gia tăng chất lượng và sản lượng nông nghiệp. Dự kiến những thành công trong việc đầu tư này sẽ nở rộ trong thời gian năm nay và nhất là từ năm 2012, điều đó sẽ dẫn đến có nhiều sản phẩm nông nghiệp với số lượng vượt trội, giá thành cạnh tranh và chất lượng cao hơn. Tình hình thời tiết, khí hậu trong giai đoạn cuối năm nay ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm có nhiều thuận lợi. Chính vì vậy, sản lượng lương thực, cùng những mặt hàng sản phẩm nông nghiệp khác giai đoạn cuối năm sẽ được đảm bảo và ổn định hơn. Từ đó làm giảm nguy cơ và tốc độ của việc vật giá gia tăng, giải quyết tình trạng giá cả leo thang mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay.
Thứ ba, ngành địa ốc Trung Quốc phát triển trong một thời gian quá dài nẳm ngoài quỹ đạo điều chỉnh, sự bùng nổ của giá nhà là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới việc một bộ phận người giàu lên nhanh, tiêu dùng nhiều, đẩy giá các mặt hàng lên cao. Hơn nữa, mô hình đô thị hóa có những điểm không thích hợp, khiến cho diện tích canh tác nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Từ thực tế đó, Chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây đã đề ra nhiều chính sách mạnh, điều chỉnh chiến lược phát triển của các thành thị, kiểm soát mạnh kinh doanh bất động sản; Phát triển đô thị hóa theo hướng quản lý giám sát chặt chẽ, sử dụng diện tích đất một cách hợp lý và có hiệu quả; Mở rộng chính sách đối với việc quản lí xây dựng, thiết kế và sữa chữa nhà ở. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích xây nhà cao tầng, tiết kiệm diện tích đất sử dụng, đảm bảo diện tích sản xuất nông nghiệp đủ để duy trì an ninh lương thực cho lượng dân 1,4 tỷ người của nước này.
Thứ tư, chính phủ Trung Quốc đã thi hành chính sách trợ giá đối với các mặt hàng nông sản, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho nông nghiệp. Chính sách này được xác định sẽ tiến hành mạnh mẽ hơn trong thời gian tới đây với trọng tâm là chú trọng xây dựng các công trình thủy lợi dẫn nước, đầu tư nghiên cứu kỹ thuật sản xuất công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Thứ năm, Trung Quốc đang nỗ lực điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển theo hướng bền vững, nghiên cứu nghiêm túc để có những chính sách phát triển kinh tế phù hợp với từng khu vực và trong khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt là, không để dư luận về sự phát triển kinh tế nhanh, dư luận về người lao động sẽ được tăng nhanh mức thu nhập từ sự phát triển nhanh đó ảnh hưởng đến việc tự động điều chỉnh giá của hệ thống thị trường, nhất là thị trường thực phẩm.
Thứ sáu, Trung Quốc đã và đang nghiêm túc thực hiện những quy định và điều lệ rõ ràng đối với việc vận chuyển, giao dịch sản phẩm nông nghiệp; Đưa sản phẩm nông nghiệp thuận lợi từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, giảm bớt giá thành sản phẩm./.