Từ Syria đến Ukraine: Những nguy cơ mới từ hai cuộc xung đột cũ
Thứ hai, 21/12/2015 17:48 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Trong năm 2015, diễn biến hai cuộc khủng hoảng tại Syria và Ukraine tiếp tục trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Hai quốc gia – một tại khu vực Trung Đông, một tại Đông Âu, chỉ chiếm diện tích khiêm tốn về mặt địa lý song các cuộc khủng hoảng tại đây lại có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên bản đồ địa chính trị thế giới.
Trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột. (Ảnh: AFP)
Cuộc khủng hoảng tại Syria và Ukraine, trong vài năm trở lại đây, đã trở thành vấn đề nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định trên thế giới và chi phối quan hệ giữa các nước lớn. Trong khi cuộc xung đột tại Ukraine bắt nguồn từ các cuộc đụng độ giữa quân đội chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine từ năm 2013, thì cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria lại xuất phát từ việc phe nổi dậy được vũ trang theo đuổi kế hoạch lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad từ năm 2011.Mức độ ảnh hưởng của hai cuộc khủng hoảng tại Syria và Ukraine, vốn xuất phát điểm từ cuộc xung đột dân sự, đang ngày càng lan rộng khi đã lôi kéo vai trò liên quan của các nước lớn, từ Nga, Mỹ và một số nước khác thuộc khu vực châu Âu…Trong khi các nước vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc tranh cãi kéo dài về đối tượng phải chịu trách nhiệm cho tình hình bất ổn tại Ukraine và vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad đối với tương lai hòa giải chính trị tại Syria, thì cục diện chiến sự tại hai quốc gia này đã có nhiều thay đổi, tác động nghiêm trọng tới tình hình trên khu vực và thế giới. Cho dù trực tiếp hay gián tiếp thì hai cuộc xung đột này đã trở thành một yếu tố, góp phần viết nên những vấn đề thời sự nóng bỏng trên thế giới trong năm qua. Từ cuộc khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris (Pháp) hồi tháng 11/2015, làn sóng người tị nạn đổ về ồ ạt đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo châu Âu, cho tới vụ máy bay ném bom Su -24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11…
Một thực tế đáng ngại hơn đó là hai cuộc khủng hoảng kéo dài này cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Các cuộc giao tranh giữa lực lượng đòi độc lập và quân đội chính phủ tại miền Đông Ukraine vẫn đang tiếp diễn, bất chấp các thỏa thuận hòa giải được thông qua hồi tháng 9/2014 và 2/2015. Cuộc xung đột kéo dài này không những khiến đất nước Ukraine trở thành một điểm nóng gây nhức nhối trong lòng châu Âu mà còn khiến cho mâu thuẫn phe phái tại Ukraine ngày càng bị khoét sâu và khiến cho quan hệ giữa Nga và phương Tây rạn nứt. Phía Moscow luôn bày tỏ lo ngại trước thực tế rằng các nước phương Tây đang hỗ trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền trung ương Kiev thì các nước phương Tây lại cáo buộc Nga đứng đằng sau lực lượng đòi độc lập gây bất ổn ở miền Đông Ukraine. Trong khi những mối lo ngại cũ chưa được cởi bỏ thì Thỏa thuận liên kết và tự do thương mại giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 tới đây cũng đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh những động thái hậu thuẫn của EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang tăng cường triển khai lực lượng nhằm siết chặt an ninh châu Âu và đối phó trước điều được họ cho là “các mối đe dọa từ Nga” và gần đây nhất là vào ngày 25/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), trong đó đề cập tới việc viện trợ 300 triệu USD cho các hoạt động hỗ trợ tình báo và an ninh của chính quyền Kiev…
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Syria cũng đã bước sang năm thứ 4 liên tiếp trong khi một giải pháp hòa bình trước mắt vẫn chưa được hé lộ. Không chỉ bị nạn “thù trong” đe dọa, quốc gia Trung Đông này còn đang trở thành miếng mồi béo bở của các phần tử cực đoan thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bị IS chiếm đóng một phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc, Syria đang được biết đến như một nơi “ẩn náu” lý tưởng cho lực lượng này lên kế hoạch và thực hiện những âm mưu khủng bố đẫm máu. Ông Vladimir Sotnikov – một nhà nghiên cứu kỳ cựu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới ở thủ đô Moscow (Nga) cho rằng, cuộc khủng hoảng Syria đã gây nên những “tổn hại nghiêm trọng” cho khu vực và thế giới. “Thế giới đã trở nên bớt an toàn hơn và các vụ tấn công khủng bố do IS thực hiện có thể xảy ra ở bất cứ đâu – tại Moscow, Mỹ, Paris hay thủ đô của các nước châu Âu, tại châu Phi hay thậm chí cả Ấn Độ, Indonesia” – ông Sotnikov bày tỏ.
Cho tới nay, cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ IS không chỉ bị bó hẹp trong phạm vi một quốc gia hay khu vực mà đã trở thành một mục tiêu chung đang được nhiều nước theo đuổi. Tuy nhiên, ngay cả khi đã cùng “bắt tay nhau” để dẹp bỏ một “kẻ thù chung” thì khoảng cách trong quan hệ rạn nứt giữa các nước vẫn chưa thực sự được xóa bỏ. Trên thực tế, hiện đang tồn tại hai liên minh chống IS: Một dẫn đầu bởi Nga, với sự tham gia của Iran, Syria và sự tham gia một cách chừng mực của Iraq; Một liên minh quốc tế khác gồm 60 nước do Mỹ dẫn đầu. Trong khi Nga cho rằng, các hoạt động quân sự mà nước này đang triển khai tại Syria tuân thủ luật pháp quốc tế và lên án liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã hành động mà không kêu gọi “sự cho phép” của chính quyền Damascus, thì phương Tây lại cáo buộc Moscow đang nhằm mục tiêu tấn công vào lực lượng nổi dậy ôn hòa chống lại chính quyền Damacus và gây thương vong cho dân thường Syria.
Trong thời gian trở lại đây, cộng đồng thế giới đã và đang theo đuổi nhiều nỗ lực để theo đuổi các mục tiêu chung, đó là dập tắt đám cháy khủng hoảng chính trị ở Đông Âu, khôi phục lại trật tự tại chảo lửa Trung Đông, đồng thời xóa bỏ được những nguy cơ từ hai cuộc khủng hoảng này đối với hòa bình, ổn định thế giới. Cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine đã lôi kéo vai trò tham gia của nhiều bên. Chính vì thế, việc tìm kiếm một tiếng nói chung cho hai vấn đề này đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi cần tới sự thỏa hiệp và nhượng bộ từ nhiều bên. Tuy nhiên, cho dù theo đuổi bất kỳ hành vi nào, nhằm khôi phục lại hòa bình cho Ukraine hay ổn định tình hình tại Syria đều cần tới một “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, đủ quyết tâm mạnh mẽ và cũng đủ tỉnh táo để bảo đảm và tôn trọng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của những người dân vốn đang trở thành nạn nhân đau khổ của những cuộc xung đột chưa có hồi kết./.
Thu Lan