(ĐCSVN) – Hơn một tuần trở lại đây, giới truyền thông trên toàn thế giới không ngớt lời bàn tán, bình luận về “cái chết” của tờ News Of The World và “dư chấn” vụ bê bối nghe lén của tờ báo này. Như giọt nước làm tràn ly, không chỉ công luận Anh và công luận trên toàn thế giới có dịp chỉ trích thói tung hoành can thiệp vào đời tư của không ít tờ báo lá cải hiện nay.
“Cảm ơn và tạm biệt”
|
Độc giả Anh đọc ấn phẩm cuối cùng của tờ New of the World (Ảnh: Reuters) |
Đó là những dòng chữ lớn được đăng tải trên trang nhất số báo ngày 10/7/2011 của tờ News Of The World. Đây là ấn phẩm thứ 8.674 và cũng là cuối cùng của tờ báo 168 năm “đầy tự hào” này. News of the World là tuần báo có số lượng phát hành lớn nhất nước Anh với trung bình 2,8 triệu bản mỗi tuần. Là một trong những báo “lá cải” hàng đầu. Tờ này chuyên đăng những câu chuyện về đời tư, các vụ tai tiếng của người nổi tiếng cũng như nhiều thông tin gây sốc khác. Với một bề dày như vậy, nhưng "cái chết" của tờ báo 168 năm tuổi đã rất chóng vánh, chỉ trong vòng một tuần sau khi cáo buộc nghe lén điện thoại của một cô gái bị sát hại và gia đình các binh sĩ tử nạn ở Trung Đông bị phanh phui.
Việc vĩnh viễn không được xuất bản được xem là một cách “trừng trị” mạnh tay của luật pháp cũng như của công chúng Anh đối với cái mà người ta gọi là “nghiệp vụ nghe lén” của tờ báo này. Không phải là sự việc mang tính nhất thời, việc nghe lén của News of the World (NoW) đã bị đưa vào vòng nghi vấn từ rất lâu.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2005, khi báo đăng tải một mẩu tin vô thưởng vô phạt về chuyện hoàng tử William bị chấn thương đầu gối. Các quan chức Hoàng gia Anh đã nhận thấy lý do duy nhất để báo giới có được nguồn tin về hoàng tử William là thông qua việc nghe lén hộp thư thoại trong điện thoại di động của hoàng tử. Do đó, cảnh sát đã vào cuộc. Đây chính là sự kiện đã khởi động một chuỗi cáo buộc và tai tiếng, vốn xoay quanh không chỉ các thành viên của Hoàng gia Anh cùng tầng lớp người nổi tiếng, mà còn cả những nạn nhân trong các vụ án giết người và tấn công khủng bố sau này.
Để rồi, trước khi từ giã làng báo, NoW đã đưa ra một dòng chữ ngắn gọn trong số báo cuối cùng: “Rất đơn giản, chúng tôi đã lạc lối” để giải thích cho tất cả những hành động sai trái trên. Rõ ràng, sự lạc lối này cần phải được phanh phui và thức tỉnh, để ít nhất những nạn nhân của các vụ nghe lén không phải ấm ức và công chúng khỏi bất bình.
“Trông người lại nghĩ đến ta”
Ở Việt Nam, mặc dù không có (hay chưa có) các vụ nghe lén thông tin cá nhân để đăng tải trên báo chí nào bị phanh phui như vụ NoW, nhưng ít nhiều, chúng ta cũng cảm thấy "chạnh lòng" về cách mà không ít báo hiện nay đang làm.
Gần đây, báo chí Việt Nam cũng nói nhiều đến chuyện đưa tin giật gân, câu khách của không ít tờ báo. Trong Hội thảo “Báo điện tử, trang thông tin điện tử, game online - Định hướng phát triển và quản lý” được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 12/6/2010, các đại biểu đã đưa ra nhiều vấn đề trong bối cảnh Việt Nam đang bùng nổ internet. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới việc do chạy theo thị hiếu tầm thường, không ít báo sa vào “thương mại hóa”. Một số báo, nhà báo moi móc chuyện vụn vặt, chuyện vô bổ; soi mói đời tư các nhân vật nổi tiếng; sa đà vào các vấn đề giới tính, tâm linh, mê tín dị đoan, bạo lực, dâm ô,... Một số tin, bài, hình ảnh đưa lên mạng không chính xác, thiếu khách quan...
Thiết nghĩ, việc thu hút nhiều độc giả đến với báo là mục tiêu chính đáng của bất kỳ tờ báo hay cơ quan báo chí nào. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đó thì phải làm thế nào là vấn đề đáng để bàn luận. Cũng như vậy, việc thay đổi “gu” của một tờ báo không phải là một sớm một chiều. Và trong một xã hội thông tin, thì bên cạnh những thông tin chính thống còn có những thông tin "lá cải" là điều khó có thể tránh khỏi. Nhưng cái cốt lõi thiết nghĩ vẫn là ở cá nhân những người đi tìm và viết nên những thông tin ấy. Phải chăng, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp sẽ là hành trang quý giá để bất kỳ người cầm bút nào cần biết mình đang viết gì và nên viết như thế nào trước khi đưa thông tin tới công chúng?./.