Tự xây “Trường thành cô lập” mình

Thứ sáu, 10/06/2016 16:48
(ĐCSVN) - Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á lần thứ 15 (Đối thoại Shangri-La) đã kết thúc hôm qua 5/6. Biển Đông vẫn là đề tài nóng được bàn luận sôi nổi tại Đối thoại Shangri-La.

Điều đáng nói là ở bất kỳ một diễn đàn nào khi nói về Biển Đông - nơi Bắc Kinh đang có những hoạt động cải tạo trái phép, Trung Quốc đều “gây bất hòa” với hàng loạt động thái “khác người” thậm chí bị giới phân tích cho là “nực cười”.


Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh sau cuộc gặp các quan chức Trung Quốc
bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore ngày 3/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Và cũng giống như mọi năm, ở Đối thoại Shangri-la năm nay, một lần nữa, Trung Quốc lại trở thành tâm điểm của sự kiện với những hành động “một mình một kiểu” chẳng giống ai.

Cụ thể, bên lề Đối thoại hôm 3/6, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Đô đốc Hải quân Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã đề nghị nước chủ nhà Singapore sẽ dẫn dắt chương trình của hội nghị, "theo hướng nỗ lực giảm xung đột, tăng cường hợp tác và giúp ổn định an ninh khu vực".

Ông Tôn Kiến Quốc khó chịu cho rằng: "Đối thoại Shangri-La trở thành nơi chỉ trích lẫn nhau, thay vì tìm kiếm những giải pháp tích cực để giải quyết mâu thuẫn". Do đó, ông Tôn bày tỏ hy vọng nước chủ nhà Singapore sẽ “điều chỉnh” chương trình của Shangri-La để không quá tập trung vào vấn đề Biển Đông.

Chưa dừng lại, phái đoàn Trung Quốc còn phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền trên Biển Đông. Theo đó, tờ rơi mà đoàn Trung Quốc phát ra gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc. Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, theo nội dung tờ rơi, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan. Bắc Kinh còn cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này.

Nói về hành động phát tờ rơi, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Shangri-La 15 cho rằng: “Nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ của mình thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch trước cộng đồng thế giới, chứ không phải là phát các tờ rơi - nhất là các tờ rơi gây tranh cãi”.

Không những thế, ông Tôn còn lớn tiếng nói rằng Trung Quốc kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, tham vấn và “sự khác biệt phải được kiểm soát thông qua các cơ chế và luật pháp”. Ông Tôn cảnh báo các quốc gia bên ngoài phải đóng vai trò xây dựng đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và vu cáo rằng “vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng bởi các hành động khiêu khích của các quốc gia bên ngoài vì quyền lợi hẹp hòi của họ”.

Điều “nực cười” nhất là trong phát biểu ngày 5/6, ông Tôn Kiến Quốc cho rằng Trung Quốc tuyệt nhiên không áp bức một nước nào mà chỉ có nước nhỏ gây hấn với Trung Quốc. Đô đốc Tôn cũng bao biện rằng các hoạt động xây dựng của nước này ở 7 thực thể tại Biển Đông là việc cần thiết và không làm thay đổi hiện trạng vì hoạt động xây dựng này nằm trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc.

Không chỉ gây hấn với các nước nhỏ mà Trung Quốc còn coi thường các quốc gia và tổ chức khác. Ngay cả vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ra Tòa thường trực trọng tài La Haye (PCA), ông Tôn tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận tham gia phiên tòa và sẽ không tôn trọng phán quyết. Tuyên bố này thể hiện rõ ràng sự không tôn trọng PCA. Sự bao biện này đã đặt Trung Quốc và tư thế tự “vặch mặt” mình là không dám ra tòa vì chính nghĩa luôn luôn là sức mạnh.

Vậy mà, ông Tôn còn lớn tiếng cho rằng việc không công nhận phán quyết của tòa án mới chính là tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế. Thế nên ông mới tuyên bố đầy thách thức rằng: “Chúng tôi không phải bên gây ra rắc rối và chúng tôi không sợ rắc rối… Chính sách của chúng tôi ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) sẽ không thay đổi.”

Vì vậy, không lạ gì khi Trung Quốc luôn hô hào luận điệu các nước không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Tại Shangri-La, Tôn Kiến Quốc cũng lớn tiếng lập lại luận điệu này. “Các nước bên ngoài cần đóng vai trò xây dựng về vấn đề này. Biển Đông đã trở nên quá nóng do những hành động gây hấn của một số quốc gia muốn vụ lợi riêng”… Đô đốc Trung Quốc còn ám chỉ Mỹ rằng: “Mong các quốc gia khác có sự thông minh và kiên nhẫn như vậy để cùng hòa bình. Bất kỳ quốc gia nào không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đừng nên can thiệp để dành những lấy những lợi ích vị kỷ”.

Có thể nói, thêm một cuộc đối thoại, Trung Quốc càng lộ rõ bản chất của mình. Chính vì vậy, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, bất kỳ hoạt động xây dựng mới nào của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ nhắc nhở “những hành động” không xác định của Mỹ và các quốc gia khác. Theo ông chủ Lầu Năm Góc, chính những hành động bành trướng quân sự ở các vùng biển có tranh chấp không chỉ có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng mà còn khiến Trung Quốc đang tự xây “Trường thành cô lập”.  Ông Carter cho biết, Mỹ sẽ “hành động” nếu Trung Quốc xây dựng các cấu trúc mới ở Biển Đông tranh chấp, động thái mà Bắc Kinh cáo buộc ngược lại là “hành động khiêu khích của Washington”.

Trong chuyến thăm đến Mông Cổ hôm 5/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cảnh báo Washington sẽ xem việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông là hành động khiêu khích, gây mất ổn định khu vực.

Rõ ràng những động thái phục vụ lợi ích riêng mình của Trung Quốc tại diễn đàn an ninh cởi mở và công bằng như Shangri-La là hoàn toàn đi trái ngược với lợi ích của các quốc gia khác và phương châm hòa bình, ổn định của cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, nhiều học giả và đại diện các nước tại Đối thoại Shangri-La 15 đã cùng lên tiếng phản đối.  Không chỉ Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng các nước như Ấn Độ, Malaysia hay Anh cũng đã bày tỏ sự lo ngại về tranh chấp Biển Đông và kêu gọi đàm phán về một giải pháp hòa bình tại Đối thoại Shangri-La.

Tóm lại, những hành động bồi đắp, cải tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông, vừa gia tăng các hành động gây hấn, vừa đặt Trung Quốc vào thế tự xây nên “Trường thành cô lập” mình./.

Thu Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực