Tunisia và những nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị

Thứ bảy, 11/01/2014 19:25

(ĐCSVN) – Vào thời điểm vừa tròn 3 năm ngày chế độ Ben Ali bị lật đổ (14/1/2011 – 14/01/2014), quốc gia này đang nỗ lực để tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

 

Thủ tướng Tunisia Ali Larayedh (bên trái) đệ đơn từ chức tới Tổng thống Moncef Marzouki vào ngày 9/1 tại cung điện Carthage ở Tunis (Ảnh: AFP)

Trong suốt gần nửa năm qua, kể từ vụ lãnh đạo đối lập Mohamed Brahmi bị ám sát vào tháng 7/2013, Tunisia thường xuyên phải đối mặt với những căng thẳng và bế tắc chính trị. Tuy nhiên, cho tới những tuần gần đây, chính trường nước này hé lộ nhiều diễn biến tích cực, hứa hẹn đem đến những bước tiến mới, khai thông bế tắc và mang lại sự khởi đầu tươi sáng cho quốc gia này.

Theo giới phân tích, 3 mục tiêu chủ yếu cần đạt được trong giai đoạn trước mắt, có thể được xem là lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Tunisia là việc thông qua bản hiến pháp mới trước ngày 14/1 và thành lập chính phủ mới cũng như tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Sau những tranh luận và bất đồng, cuối cùng, đảng Hồi giáo cầm quyền Ennahda và các đảng phái đối lập cũng đã đi đến thỏa thuận thành lập các “nhóm công tác” để chuẩn bị lộ trình cho việc thực hiện 3 mục tiêu này.

Đặc biệt, đảng Hồi giáo cầm quyền Ennahda và các đảng đối lập ở Tunisia đã đạt thỏa thuận tiến hành việc chuyển giao quyền lực cho các nhân vật kỹ trị chịu trách nhiệm điều hành đất nước trong giai đoạn chuẩn bị tổng tuyển cử vào ngày 14/1 tới đây, thời điểm đánh dấu 3 năm kể từ ngày chính quyền cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali bị phế truất. Việc làm này nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đe dọa tiến trình chuyển tiếp dân chủ ở Tunisia sau cuộc nổi dậy "Mùa Xuân Arab" năm 2011.

Thêm vào đó, sau quá trình đàm phán, đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền và các đảng đối lập ở Tunisia cũng đã nhất trí chỉ định Bộ trưởng Công nghiệp Jomaa làm Thủ tướng chính phủ kỹ trị lâm thời và chịu trách nhiệm điều hành đất nước cho đến khi tiến hành các cuộc bầu cử. Theo kế hoạch, tân Thủ tướng Jomaa sẽ có hai tuần để thành lập chính phủ mới gồm các chính khách phi đảng phái.

Gần đây nhất, một động thái được xem là mở đường cho cải cách chính trị, Thủ tướng Tunisia Ali Larayedh, ngày 9/1, đã tuyên bố từ chức theo thỏa thuận trước đó nhằm chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này. Ông Ali cho biết đã từ chức để sớm bổ nhiệm tân Thủ tướng và tạo điều kiện cho một nội các mới ra đời trong những ngày tới.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, đằng sau những “điểm sáng” đầy hứa hẹn đó, Tunisia vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong quá trình khai thông những bế tắc chính trị.

Trước hết, không thể không kể đến những áp lực đặt ra trong việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Nếu như những tranh cãi, bất đồng về vấn đề thành lập chính phủ mới gồm những chính khách phi đảng phái để thay thế chính phủ hiện thời vẫn chưa thôi chấm dứt thì việc làm sao có thể bảo đảm được quyền tự do song không để xảy ra gian lận, tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và thuận lợi, thành lập một chính phủ mới đủ năng lực và có ý thức tôn trọng lộ trình hòa bình đã vạch ra lại là một thách thức không hề nhỏ. Thêm nữa, trong bối cảnh bạo lực vẫn không ngừng leo thang như hiện nay, Tunisia cũng sẽ phải nỗ lực rất lớn để bảo đảm an ninh cho các cuộc bầu cử cũng như không để tình trạng bất ổn xảy ra, làm ảnh hưởng đến chính trường.

Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế Tunisia đã tăng trưởng trở lại, nhưng chưa đủ để đẩy lùi nạn thất nghiệp. Tốc độ tăng trưởng dưới 3% vào năm 2013 không đủ để kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp vốn lên tới hơn 30% thanh niên được đào tạo. Để tập trung cao độ giải quyết những căng thẳng chính trị thì người dân Tunisia cũng như các nhà chức trách nước này cũng cần có một nền tảng kinh tế ổn định và tăng trưởng bền vững.

Không những thế, trong thời gian gần đây, tình trạng đình công và bất ổn tiếp tục gia tăng tại Tunisia bắt nguồn từ những bất mãn của người dân về tình trạng bế tắc chính trị, các thể chế nhà nước hoạt động yếu kém và những vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo gia tăng…

Mặc dù thực tế còn không ít khó khăn song cộng đồng quốc tế cũng bước đầu lạc quan về một tiến trình dân chủ mới tại Tunisia. Tuy nhiên, để có thể tìm được một lối thoát đích thực cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt nhiều tháng qua, đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất lớn không chỉ từ phía các nhà chức trách mà còn từ thiện chí và nỗ lực của toàn bộ người dân của quốc gia này./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực