Cuộc chiến ở Li-bi đang đi vào giai đoạn bước ngoặt khi phe đối lập chiếm được đại bản doanh của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi ở thủ đô Tri-pô-li. Lợi thế này sẽ tạo đà để phe đối lập thành lập một chính phủ mới ở đất nước Bắc Phi này. Đây cũng là thời khắc mà NATO chờ đợi đã lâu khi lực lượng này đã ngấm sự mệt mỏi cả về tiền bạc lẫn chính trị trong chiến dịch quân sự hỗ trợ phe đối lập lật đổ chế độ của ông Ca-đa-phi.
Tuy nhiên, những diễn biến ở Li-bi đang cho thấy tình hình sẽ không dễ dàng và chưa hết thách thức cho phe đối lập và cả những nước tham gia sứ mệnh quân sự ở Li-bi. Chiến thắng của phe đối lập chưa trọn vẹn vì vẫn chưa bắt được ông Ca-đa-phi hay buộc ông phải ra đi. Ông Ca-đa-phi mặc dù bị dồn ép vào tình thế tưởng chừng không có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận ra đi, nhưng đến nay nhà lãnh đạo này vẫn đang ẩn náu an toàn ở một nơi nào đó và tuyên bố “kháng chiến” đến cùng. Nhà lãnh đạo Ca-đa-phi tuy đã mất đi khá nhiều lực lượng ủng hộ, nhưng vẫn còn những nhóm vũ trang trung thành chiến đấu tới cùng bảo vệ ông. Và như vậy, tình hình Li-bi chưa có gì bảo đảm sẽ trở nên yên ổn hơn khi phe đối lập làm chủ Tri-pô-li.
Còn trong trường hợp chế độ của ông Ca-đa-phi hoàn toàn sụp đổ, người ta cũng lo ngại ở Li-bi sẽ tái diễn kịch bản giống như ở I-rắc khi chế độ Xát-đam Hút-xen bị lật đổ trước đây. Khi đó, những người ủng hộ ông Xát-đam Hút-xen cùng các thành viên đảng Baath của ông bị thanh lọc hàng loạt, tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm. Hậu quả là I-rắc chìm trong hỗn loạn và bạo lực nhiều năm trời.
Tình hình Li-bi tuy không hoàn toàn giống với I-rắc và ban lãnh đạo Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của phe đối lập rất ý thức việc tránh lặp lại trường hợp I-rắc thời hậu Xát-đam Hút-xen, nhưng một tương lai đầy thách thức thời “hậu Ca-đa-phi” ở Li-bi là không thể phủ nhận. Sẽ không dễ cho bất kỳ ai điều hành đất nước Li-bi bởi nền kinh tế trì trệ, cơ sở hạ tầng và các ngành dịch vụ công cộng bị tàn phá và các nhóm có vũ trang tự do tung hoành. NTC muốn một tiến trình chuyển giao chính trị êm ả và trong sạch với việc lập ra một chính quyền hợp hiến, tổ chức bầu cử do LHQ giám sát… Nhưng ở một quốc gia đầy rẫy vấn đề phe phái và sắc tộc như Li-bi, việc bầu ra một chính phủ mới sẽ là một trở ngại không dễ vượt qua.
Trong bối cảnh đó, ở Li-bi chưa thấy có gương mặt nào đủ khả năng lấp khoảng trống quyền lực của ông Ca-đa-phi để cầm trịch và đoàn kết người dân Li-bi. NTC sẽ là lực lượng chịu trách nhiệm chính trong tiến trình thành lập chính phủ mới ở Li-bi nhưng chỉ là tập hợp các cựu bộ trưởng "quay đầu" và những nhân vật đối lập có các quan điểm chính trị khác nhau. Chưa kể một số nhóm chống chính phủ ở các khu vực khác của Li-bi không muốn hợp tác với NTC. Vì vậy, sự chia rẽ ở Li-bi giữa các thế lực đối lập, thậm chí tranh giành quyền lực thời kỳ “hậu Ca-đa-phi” là điều dễ xảy ra
Không loại trừ khả năng các nước phương Tây sẽ can thiệp để ổn định tình hình Li-bi sau khi kết thúc sứ mệnh quân sự tại quốc gia này, bởi những toan tính lợi ích đã được họ đặt lên bàn cân từ trước khi quyết định tham gia cuộc chiến. Li-bi có trở thành “miếng bánh ngon” bị xâu xé hay không? Câu trả lời đã có ngay sau khi có những dấu hiệu cuộc chiến Li-bi đi tới hồi kết. Ngay sau khi có tin phe đối lập giành thắng lợi ở Tri-pô-li và đang chuẩn bị cho việc thành lập chính phủ, các đại gia dầu mỏ của những nước tham chiến đã tuyên bố sẽ tiếp tục các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ tại Li-bi.
Cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã cho thấy, mọi sự can thiệp từ bên ngoài chỉ dẫn đến kết cục ảm đạm cho tất cả các bên. Muốn tránh điều tương tự, tương lai của Li-bi phải do chính người dân Li-bi định đoạt.