Các nhà phân tích cho rằng, Libya thời hậu Gaddafi sẽ rất phức tạp vì ở NTC đang tồn tại nhiều lập trường khác nhau, kể cả sự có mặt của Al Qaeda.
Ngày 22/10, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) đã chính thức tuyên bố, Libya hoàn toàn giải phóng sau cái chết của Nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi.
Hãng tin Al Jazeera cho biết, NTC sẽ chuyển trụ sở từ Benghazi về Thủ đô Tripoli sau khi tuyên bố giải phóng. Họ sẽ bắt đầu bàn thảo về việc chuyển giao và thành lập Chính phủ lâm thời trong vòng 30 ngày.
Niềm vui lớn, nỗi lo không nhỏ
Cả thế giới thở phào nhẹ nhõm, khi cuộc chiến ở Libya do Mỹ và NATO phát động đã kết thúc. Lịch sử quốc gia Bắc Phi này đã chuyển sang trang mới. NTC đã công bố về cái chết của Muammar Gaddafi. Điều này đánh dấu sự kết thúc của một chương dài hơn 40 năm dưới quyền cai trị của chế độ của Gaddafi. Giờ đây người dân đã có cơ hội để quyết định vận mệnh của mình tại một đất nước Libya mới.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, cái chết của ông Gaddafi chưa thật sự đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở Libya.
Về cơ bản, toàn bộ những vấn đề đặt ra do cuộc can thiệp quân sự của NATO vào quốc gia Bắc Phi này vẫn chưa được giải quyết.
NTC không phải là một khối thống nhất. Họ bao gồm: Các lực lượng, các giáo phái khác nhau, người theo chủ nghĩa thế tục và cả những nhà hoạt động chính trị, xã hội với nhiều lợi ích khác nhau (bao gồm cả lực lượng Al Qaeda và lực lượng trung thành với chế độ cũ trà trộn vào). Đây sẽ là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến tương lai của Libya thời kỳ hậu Gaddafi.
Thách thức lớn nhất sẽ là làm sao để tạo được sự đoàn kết giữa các lực lượng, phe phái khác nhau cùng vì lợi ích của đất nước Libya và trước tiên và bảo vệ ngành dầu mỏ của nước này khỏi sự thao túng của nước ngoài.
NTC dự kiến, chính quyền chuyển tiếp sẽ được thành lập trong vòng 30 ngày. Một Hội đồng Dân tộc gồm 200 thành viên sẽ được bầu trong vòng 3 tháng và hội đồng này sẽ chỉ định Thủ tướng sau đó 1 tháng.
Hội đồng này có nhiệm vụ lập kế hoạch và giám sát việc soạn thảo một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội. Đây là việc khó đối với một lực lượng gồm nhiều thành phần và thiếu chuyên nghiệp như NTC.
Điều khó khăn nhất là định hướng tương lai của thể chế chính trị Libya mới và tiến trình chuyển tiếp dân chủ. Mô hình dân chủ nào sẽ được lựa chọn, áp lực của thể chế phương Tây là điều khó tránh, tuy nhiên nền dân chủ phương Tây cũng đang bị thử thách nghiêm trọng và cũng đang cần phải thay đổi.
Điều quan trọng nhất là sự tác động mạnh mẽ của các thế lực cả trong và ngoài nước với những lợi ích và toan tính chiến lược khác nhau. Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng bất ổn có thể còn kéo dài tại Libya và chính phủ tạm quyền của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian tới.
Những phản ứng trái chiều
Tổng thống Mỹ Obama đã có bài phát biểu ngay sau khi NTC thông báo ông Gaddafi đã chết.
Ông Obama nói: “Chúng ta có thể chắc chắn rằng, chế độ của chính quyền Gaddafi đã chấm dứt. Thành trì quan trọng cuối cùng của chế độ đó đã sụp đổ. Chính phủ mới đang đoàn kết với nhau để tiếp quản đất nước Libya”.
Thủ tướng Anh David Cameron: "Tôi tự hào về vai trò mà Anh đã đảm trách trong việc giúp họ đạt được điều đó. Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của những người Libya đã tham gia giải phóng đất nước họ. Chúng ta sẽ giúp họ, chúng ta sẽ hợp tác với họ".
|
Ai sẽ lên nắm giữ quyền lực tại Libya thời hậu Gaddafi |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cũng cho rằng: "Cái chết được đưa tin của Muammar Gaddafi đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ chuyên quyền. Ngày nay, Libya có thể lật một trang mới trong lịch sử nước này và nắm lấy một tương lai dân chủ mới".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du phát biểu: "Lịch sử Libya vừa sang trang mới". "Chúng tôi hy vọng rằng tiến trình chính trị bao gồm tất cả các bên sẽ được bắt đầu sớm nhất có thể được nhằm bảo đảm đoàn kết sắc tộc và dân tộc, khôi phục ổn định xã hội và nền kinh tế để người dân có cuộc sống hòa bình và hạnh phúc."
Tổng thống Nga, Ông Medvedev nói trong một cuộc họp báo tại Hà Lan: "Chúng tôi hy vọng ở Libya sẽ có hòa bình, và tất cả những ai sẽ lãnh đạo đất nước Libya, đại diện của các bộ lạc khác nhau, sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về hình thức quyền lực và Libya sẽ trở nên một quốc gia dân chủ hiện đại".
Còn hãng thông tấn Iran IRNA lại dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast: “Giờ đây không còn bất cứ tiền đề nào để nước ngoài can thiệp vào Libya. Điều quan trọng là tất cả các lực lượng nước ngoài phải lập tức rút khỏi Libya để nhân dân Libya tự định đoạt tương lai của mình”.
Tân Hoa Xã còn có bài cảnh báo thế giới "không nên vội ăn mừng" chế độ hậu Gaddafi. "Có nhiều lý do khiến chúng ta nên thận trọng, ít nhất là không quá lạc quan, về tương lai của đất nước Libya vì không ai có thể ảo tưởng về một giải pháp nhanh chóng và dễ dàng cho các khó khăn to lớn đang ở phía trước." Tân Hoa Xã còn nhắc lại bài học thời kỳ hậu Saddam Hussein ở Iraq "đã lún sâu vào tình trạng chia rẽ sắc tộc đẫm máu".
"Một yếu tố khác dẫn tới sự không rõ ràng về tương lai của Libya là sự tham gia của các nước ngoài, vốn có thể đang tìm cách thủ lợi ở nước Libya hậu Gaddafi."
Liệu có phức tạp hơn Iraq?
Những người dân Libya hiện nay có một trách nhiệm lớn lao trong công cuộc xây dựng một Libya khoan dung và dân chủ...
Việc tái thiết đất nước Libya thời hậu chiến cũng có tầm quan trọng và nhiều khó khăn không kém, trong khi hàng ngàn người Libya đã thiệt mạng và vô số cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong các cuộc xung đột đẫm máu kể từ khi NATO triển khai các hoạt động quân sự tại đây và quốc khố đã cạn kiệt.
Giới truyền thông cho biết, đã có một đoàn 4 quan chức cao cấp Mỹ đến Libya để gặp các nhà lãnh đạo mới thuộc NTC mà mục đích quan trọng nhất là để đánh giá chính xác tình hình an ninh Lybia thời hậu Gadhafi.
Theo các quan chức Mỹ, Gaddafi ra đi đã để lại một khoảng trống quyền lực vô cùng lớn, bởi đất nước này vốn còn một bộ phận dân chúng cũng như quan chức không nhỏ rất trung thành với ông và vị trí địa chính trị của Lybia sẽ là miền đất hứa cho Al-Qaeda triển khai lực lượng.
Gần đây các cơ quan tình báo và chống khủng bố Mỹ đã công bố một tài liệu mật đánh giá về sức mạnh, vai trò và hoạt động của các chiến binh cũng như các phe phái thời hậu Gaddafi.
Tài liệu sẽ cung cấp đánh giá về khả năng các chiến binh Hồi giáo sẽ phản ứng thế nào với chính quyền mới và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở đây sẽ hoạt động như thế nào.
“Vấn đề hiện nay là những kẻ khủng bố đã tìm được một vị trí vững chắc trong quân đội” thời hậu Gaddafi, một quan chức Mỹ khẳng định. “Đây là một vấn đề tiềm ẩn”, cộng đồng tình báo Mỹ “đang hết sức chú ý đến điều này”
Bruce Riedel, nguyên là một chuyên gia phân tích cao cấp của CIA, người trực triếp tư vấn cho Tổng thống Obama về các chính sách khu vực cho biết, ông đặc biệt lo ngại rằng các chiến binh Hồi giáo sẽ sử dụng Lybia là bàn đạp để truyền bá ảnh hưởng vào các nước xung quanh như: Algieria, bán đảo Sinai, Ai Cập và Gaza…
“Hiện nay đang có những mối bận tâm rất lớn rằng các nhóm thánh chiến đang xuất khẩu vũ khí và ý tưởng của mình sang phía đông và phía tây”.
Nhiệm vụ chủ yếu của tình báo Mỹ là phải xác định chính xác lực lượng ủng hộ ông Gadhafi và Al-Qaeda đã nắm giữ những vị trí nào trong chính quyền mới. Đây là một bài toán khó, bởi NTC vốn được xây dựng trên nền tảng một đội quân phức tạp, nhiều thành phần.
Chính phủ chuẩn bị được thành lập còn khó khăn hơn nữa do các quan chức từ thời Gadhafi cũng có mặt trong danh sách phân chia quyền lực. Việc xác định chính xác ai trong số này là khủng bố hoặc trung thành với Gaddafi có lẽ phải đợi đến khi hậu quả xảy ra mới biết được. Vì thế, câu trả lời tương lai nào cho Libya thời kỳ hậu Gaddafi vẫn còn đang ở phía trước./.