Tương lai trắc trở của thỏa thuận liên kết Liên minh châu Âu - Ukraine
Thứ tư, 29/06/2016 21:10 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ngày 28/6, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những bảo đảm mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giải tỏa những quan ngại của Amsterdam xung quanh Hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine, nếu không Hà Lan sẽ buộc phải cản trở việc thông qua thỏa thuận này.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. (Ảnh: REUTERS/Mohamed Azakir)
Hiện Hà Lan là nước duy nhất trong khối EU chưa phê chuẩn thỏa thuận nhằm tăng cường các mối quan hệ thương mại, an ninh và chính trị với EU. Điều này đã được thể hiện trong kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại Hà Lan vào tháng 4/2016, với đa phần người dân nước này phản đối việc phê chuẩn Hiệp định liên kết EU - Ukraine.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga (tháng 3/2014) và trước những cáo buộc về vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chính quyền Kiev đã thông qua thỏa thuận liên kết với EU. Hiện thỏa thuận này đang từng bước được hoàn tất song vẫn đối mặt với tương lai đầy trắc trở sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 4 vừa qua đã khiến Hà Lan trở thành nước duy nhất trong khối 28 nước EU chưa phê chuẩn thỏa thuận – dự kiến sẽ phát huy đầy đủ hiệu lực vào ngày 1/1/2017 này. Bản thỏa thuận liên kết này – ngay sau khi phát huy hiệu lực sẽ làm giảm mức thuế suất đối với các mặt hàng trao đổi giữa EU và Ukraine cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị giữa hai bên.
Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 28/6, ông Rutte nêu rõ: “Những gì mà chúng tôi cần là một giải pháp mang tính ràng buộc về pháp lý, bảo đảm giải tỏa những quan ngại của chúng tôi và tháo gỡ những rào cản trong tiến trình thảo luận dẫn tới cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan…Cho tới giờ, tôi vẫn chưa biết hình thức bảm đảm chính thức sẽ là gì…Tuy nhiên, điều đó cũng có thể rằng chúng ta sẽ phải thay đổi nội dung của bản thỏa thuận, hoặc có thể chúng ta sẽ tìm được một giải pháp khác mà không cần thực hiện công việc này…Tôi không thể tuyên bố rằng…chúng tôi sẽ không đặt bút ký vào thỏa thuận…Chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra một giải pháp. Điều đó có thể rất khó khăn, cơ hội sẽ không nhiều song tôi nghĩ rằng chúng tôi nên thử”.
Theo nhận định của một số nhà phân tích, kết quả trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi diễn ra tại Hà Lan về tương lai phê chuẩn Hiệp định liên kết EU – Ukraine đã cho thấy một “sự bất mãn” trong chính sách điều hành của ông Rutte và phương hướng mà các nhà hoạch định chính sách ở Brussels đang theo đuổi. Hiện đang có ý kiến lo ngại rằng bản thỏa thuận liên kết giữa EU và Ukraine sẽ bị “chệch hướng” trong trường hợp Hà Lan từ chối phê chuẩn văn kiện này. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của EU mới đây đã tin tưởng rằng những cản trở xung quanh bản thỏa thuận liên kết EU – Ukraine có thể sẽ được tháo gỡ vào cuối năm 2016. Bất kỳ thay đổi nào trong nội dung bản thỏa thuận sẽ đòi hỏi toàn bộ các nước thành viên EU phải tiến hành phê chuẩn lại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiến trình phê chuẩn bản thỏa thuận liên kết EU - Ukraine sẽ buộc phải quay trở lại vạch xuất phát trong bối cảnh vấp phải ý kiến phải đối mạnh mẽ từ Nga – vốn cho rằng bản thỏa thuận được đưa ra nhằm buộc Ukraine đứng trước sự lựa chọn giữa quan hệ với phương Đông và phương Tây.
Dự kiến, Hà Lan sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội vào tháng 3/2017. Điều đó cũng có nghĩa rằng những thách thức mà Thủ tướng Hà Lan đang phải đối mặt sẽ tăng gấp đôi, giữa một bên là tìm kiếm một giải pháp phù hợp đối với cả người dân Hà Lan và các nước đối tác EU liên quan tới thỏa thuận liên kết EU-Ukraine, mặt khác là cải thiện số cử tri ủng hộ trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề chống nhập cư và từ phía đảng Tự do theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu do ông Geert Wilders lãnh đạo.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh với kết quả nghiêng về sự lựa chọn rút khỏi EU đã trở thành một mối đe dọa đối với trật tự của châu Âu sau Thế chiến thứ II và làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bất ổn chính trị tại Anh cũng như sự chao đảo của thị trường chứng khoán thế giới. Những yếu tố này lại càng đặt ông Rutte vào một trọng trách lớn lao hơn để giải đáp những lời kêu gọi từ phía người dân về các quan hệ tương lai của EU.
Sau phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels (Bỉ), đã có ý kiến đề xuất ông Rutte tuyên bố trước các nhà lãnh đạo khác của EU rằng bản thỏa thuận liên kết với Ukraine sẽ không “tạo tiền đề” để quốc gia Đông Âu này trở thành thành viên của khối. Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo Hà Lan sẽ đệ trình lên EU các đề xuất chi tiết hơn liên quan tới thỏa thuận liên kết EU – Ukraine khi các bên nhóm họp trở lại vào mùa Thu năm nay./.
Thu Lan (Theo WSJ, Reuters)