Ukraine - tương lai khó đoán

Thứ sáu, 04/07/2014 21:09

(ĐCSVN) - Mới đây, ngày 27/6/2014, tại Brusselles (Bỉ) đã diễn ra Lễ ký kết Hiệp định liên kết giữa Ukraine, Gruzia, Moldova với EU. Cả ba nước Ukraine, Gruzia, Moldova đều có chung biên giới với Nga. “Ước mơ” của Ukraine đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong cuộc chọn lựa này, tương lai của Ukraine vẫn khó đoán định.

Trả giá cho “ước mơ”

Sau khi ký Hiệp định liên kết với EU, Tổng thống Ukraine Petro Pokoshenko cho biết: “Trong tháng qua, Ukraine đã phải trả cái giá cao nhất để biến giấc mơ châu Âu của mình trở thành hiện thực, điều đó xứng đáng bằng việc ký kết Hiệp định này và trở thành một phần của EU”.

Cái giá cao nhất mà ông Petro Pokoshenko đề cập đến có thể kể ra là: Crimea đã trở về với Nga kéo theo 10 tỷ USD tài nguyên, chưa kể đến số tiền cho Nga thuê căn cứ Hải quân tại đây bị mất đi; trong khi tại hai tỉnh miền Đông là Lughans và Donesst, lực lượng chống chính phủ đã không chịu hạ súng theo lệnh của chính quyền Kiev và cuộc chiến sẽ tiếp tục.

Một trong những lý do khiến cựu Tổng thống Ukraine Yanukovich buộc phải từ chối ký kết thỏa thuận liên kết với EU hồi năm ngoái là vì, theo tính toán, Ukraine sẽ mất 500 tỷ USD trong quan hệ thương mại với Nga và để thực hiện những điều kiện của EU, nước này lại phải tốn thêm 104 tỷ USD nữa. Vì EU và IMF đòi hỏi Ukraine phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cải cách kinh tế, tăng giá khí đốt, cắt giảm chế độ trợ cấp, cố định lương tối thiểu, chống tham nhũng, nhân quyền...

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (giữa) bắt tay với Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải)
trong lễ ký thỏa thuận liên kết. (Nguồn: Reuters)
 


Tuy nhiên, trong dài hạn, “giấc mơ” của Kiev cũng không dễ thành hiện thực, bởi khi đặt chân vào thị trường EU, hàng hóa của Ukraine sẽ phải tuân thủ hàng loạt các yêu cầu về chất lượng, khác hẳn với những yêu cầu khi vào thị trường Nga. Và để đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính bậc nhất thế giới này, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải có một sự đầu tư không hề nhỏ từ cung cách sản xuất cho đến dây chuyền công nghệ.

Trong bối cảnh Ukraine đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng, việc đổi mới công nghệ sản xuất không thể một sớm một chiều. Đây là thách thức khó bề vượt qua.

Ngay sau ngày Ukraine ký Hiệp ước liên kết với EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định: Hiệp ước Liên kết Ukraine - EU “áp đặt người dân phải chọn giữa châu Âu với Nga” và “chia cắt sâu sắc xã hội Ukraine”. Trong khi Ukraine hiện đang tham gia thỏa thuận tự do thương mại với Nga và một số nước khác thuộc SNG.

Moscow quan ngại, hàng hóa của EU sau Hiệp ước liên kết này sẽ xâm nhập thị trường Nga qua đường Ukraine. Vì thế, Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định, sẽ đưa ra biện pháp cần thiết để bảo vệ nền kinh tế ngay khi “có dấu hiệu bất lợi”.

Sự ưu ái của EU dành cho Ukraine, Moscow không thể bỏ qua, khi họ khẳng định sẽ cắt nguồn cung cho bất kỳ tập đoàn năng lượng hay quốc gia nào bán dầu khí mua của Nga cho Ukraine, khiến các nhà ngoại giao châu Âu lo ngại Nga có thể có những hành động trừng phạt nhằm vào Ukraine, Moldova...

Tương lai khó đoán định

Tuy chưa phải là thành viên EU, nhưng với quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với 28 nước thành viên của khối này, Ukraine hy vọng sẽ được tiếp cận không hạn chế thị trường giàu có với 500 triệu người tiêu dùng.

Các nhà xuất khẩu của Ukraine sẽ tiết kiệm được khoảng 500 triệu euro/năm, bởi họ sẽ không phải trả thuế hải quan. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu Ukraine sang EU dự kiến sẽ tăng 1 tỷ euro/năm nhờ việc gia tăng doanh số bán các mặt hàng dệt may, kim loại và thực phẩm.

Trong ngắn hạn, Ukraine phải chấp nhận thua thiệt, nhưng Kiev vẫn sẵn sàng đón nhận Hiệp ước Liên kết để tính kế lâu dài và hy vọng trong trung và dài hạn, Ukraine sẽ là một quốc gia ổn định và thống nhất, đáp ứng được các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của EU. Giờ đây, phương Tây đã yên tâm hơn về đường lối của Tổng thống Petro Pokoshenko, khiến cả Mỹ, Nga, EU đều nhận thấy.

Đây được cho là một “bước tiến” mới giúp Ukraine xích lại gần EU hơn. Sản phẩm hàng hóa của Ukraine sẽ sớm được bán vào thị trường EU thay vì vào thị trường truyền thống là Nga như trước đây.

Vấn đề khu vực miền Đông đang bạo loạn có nền kinh tế mạnh hơn hẳn những khu vực khác, sự phụ thuộc vào Nga cũng ngày càng gia tăng. Kiev đã đặt nhiều kỳ vọng về lâu dài, trọng tâm kinh tế sẽ chuyển về phía Tây và thoát khỏi vòng ảnh hưởng từ Nga.

Với EU, việc có thêm Ukraine, một thị trường rộng lớn đang thiếu sản phẩm, đây là cơ hội để hàng hóa giá rẻ từ EU xâm nhập vào Ukraine, chưa kể đến những hành động chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết… và Ukraine sẽ trở thành kho chứa và cũng có thể là một “bãi rác” của EU.

Trong khi nền kinh tế chưa vực dậy được, thì việc xuất hiện cuộc “xâm lăng” kinh tế từ hàng hóa EU chỉ làm các doanh nghiệp trong nước thêm điêu đứng. Riêng góc độ kinh tế, Ukraine có thể sẽ mất nhiều hơn được.

Mặt khác, Ukraine vẫn hy vọng Mỹ và EU sẽ mở hầu bao về “những khoản tiền mà họ đã hứa”. Còn khí đốt, tuy Ukraine tuyên bố được dự trữ đến tháng 3 năm sau, nhưng nguy cơ “mùa đông băng giá” đang cận kề, khiến chính quyền Kiev khó bề xoay sở.

Theo giới phân tích, EU cũng chưa hẳn là nơi Kiev có thể đặt trọn niềm tin? EU đang bị suy yếu do nợ công ngày càng chồng chất. Chính trị có nguy cơ phân hóa do phái cực hữu đang thắng thế trong các cuộc bầu cử vào Nghị viện EC vừa qua. Nước Đức giàu có, nhưng lại phụ thuộc Nga tới hơn 30% về năng lượng khí đốt, thì liệu họ có đủ nhiệt tình giúp Ukraine không? Nước Pháp là quốc gia không có chính kiến rõ ràng, chỉ phụ thuộc vào Mỹ. Nước Anh cũng đang ở thế “chân trong, chân ngoài”. Còn Mỹ, tuy nắm vai trò lãnh đạo khu vực, nhưng “lực bất tòng tâm”. Họ chỉ “nói nhiều hơn làm”. Ukraine khó khăn là thế, mà Washington chỉ chi ra có 1 tỷ USD đã nói lên điều đó.

Có thể nói rằng, với một Hiệp ước liên kết, trong bối cảnh Ukraine đang bộn bề công việc như hiện nay, khiến sự “sen kẹt” giữa hai chiến lược “Đông tiến” và “Chim ưng hai đầu” của Ukraine càng trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, giới phân tích dự báo: Ngả theo phương Tây, tương lai của Ukraine vẫn khó bề đoán định./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực