(ĐCSVN) - Từ khi ông B.Obama thắng cử và trở thành Tổng thống Mỹ đến nay, sự quan tâm và đầu tư vào nghiên cứu chiến lược khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã tăng lên rõ rệt. Sản phẩm đối ngoại gây ấn tượng nhất là Chiến lược “Ngoại giao bố trí tiền duyên”.
|
Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton và Thủ tướng Nhật Nato Kan trong cuộc gặp ngày 17/4 .(Ảnh: New York Times) |
Theo Ngoại trưởng Mỹ, bà H. Clinton thì “ngoại giao bố trí tiền duyên” có nội hàm là: Lập trường cơ bản, bố trí nguồn lực và khung tiếp xúc của chiến lược ngoại giao châu Á-Thái Bình Dương mới của Mỹ. Vậy thực chất, Chiến lược ngoại giao mới này của Mỹ ở khu vực phát triển năng động nhất này của thế giới như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một số điểm căn bản sau:
Phân tuyến với đối thủ cạnh tranh tiềm tàng
“Bố trí tiền duyên” là sử dụng thuật ngữ quân sự, với hàm ý chủ yếu khống chế và uy hiếp tiền duyên, còn về “ngoại giao bố trí tiền duyên” tức là phân loại quốc gia nào là quốc gia cần khống chế, lôi kéo, tranh thủ, đề phòng, cô lập và gây sức ép áp đảo. Nền tảng “ngoại giao bố trí tiền duyên” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là tiếp tục củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh ở châu Á của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan và Philippines. Trong đó, đồng minh Mỹ - Nhật vẫn giữ “vị trí trung tâm” trong khuôn khổ tiếp xúc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ; đồng minh quân sự Mỹ - Hàn được coi là then chốt nhằm duy trì an ninh và ổn định của khu vực; đồng minh quân sự Mỹ -Thái, Mỹ - Philippines, Mỹ - Úc là các điểm đỡ quan trọng để Mỹ quay lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tất cả các quốc gia này đều là mắt xích hoặc điểm đỡ có thể khống chế trong cục diện “ngoại giao bố trí tiền duyên” của Mỹ.
Điểm nhấn của chính sách “ngoại giao bố trí tiền duyên” là ở các nước quan hệ đối tác vừa mới tham gia, mục đích là lôi kéo càng nhiều quốc gia, chủ yếu như: Indonesia, Việt Nam, Singapore, Malaysia và New Zealand.
Thách thức lớn nhất của “ngoại giao bố trí tiền duyên” là tìm sự ủng hộ của Ấn Độ. Ấn Độ là nước dân chủ mới nổi lớn nhất thế giới, không mâu thuẫn lợi ích cơ bản và xung đột quan điểm giá trị với Mỹ, song lại có ảnh hưởng rất lớn đối với châu Á và thế giới. Vì thế, Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành bại trong chính sách “ngoại giao bố trí tiền duyên” của Mỹ. Quan điểm của Mỹ là cổ vũ Ấn Độ và các nước Đông Á tích cực tiếp xúc và hội nhập, phát huy vai trò gần giống như đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước này cũng chính là đối tượng Mỹ cần tranh thủ.
Trung Quốc là đại biểu quan trọng nhất, sự tiếp tục nổi lên của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến xu hướng tương lai của thế giới, mà còn là một thách thức vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ, thể chế chính trị và hình thái ý thức hệ của hai nước Trung - Mỹ không giống nhau, tuy trên vấn đề toàn cầu và khu vực hai nước có lợi ích chung, nhưng cũng có những bất đồng rất lớn. Hơn nữa, cùng với sự phát triển liên tục của Trung Quốc, sự phát triển quan hệ giữa hai nước gặp phải sự ngăn chặn và gây nhiễu của “tư duy vụn vặt” và “tư duy ngăn chặn”, vì thế, bà Clinton cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ phức tạp nhưng có ảnh hưởng quan trọng. Khả năng quan hệ hai nước rơi vào cạnh tranh chiến lược là rất lớn.
Như vậy, có thể thấy trong sắp xếp quan hệ đối tác của Mỹ, Trung Quốc chỉ là một đối tác cộng tác, chung công việc nhưng không có tính xác định về chiến lược, không chắc chắn về chiến thuật và có thể khái quát, miêu tả bằng hai ý “đối tác công năng không xác định” và “cạnh tranh chiến lược tiềm tàng”. Do đó, đây là “đối tượng đặc thù” vừa cần tiếp xúc, vừa cần phải đề phòng. Việc tiếp xúc với các các nước gọi là “khác thường” như: Triều Tiên, Myanmar đang là đối tượng cô lập và cấm vận lại chỉ có vai trò bổ trợ, ăn theo.
Can dự tích cực
“Ngoại giao bố trí tiền duyên” ngoài việc ngăn chặn và uy hiếp ra, nó còn có công năng trực tiếp là tạo điều kiện thuận lợi cho can dự quân sự và ngoại giao của Mỹ. Về cơ bản, sự can dự trực tiếp của Mỹ chủ yếu được thực hiện thông qua ba phương thức cân bằng:
Một là, lấy đồng minh là chính, trực tiếp can dự vào các tranh chấp, cọ sát, khủng hoảng của các nước trong khu vực;
Hai là, thông qua vai trò nước trung gian, lợi dụng mâu thuẫn, cọ sát, bất đồng giữa các nước để sắm vai người hoà giải có lợi;
Ba là, tạo ra vấn đề, mở rộng mâu thuẫn, khiêu khích, ly gián các nước.
Một loạt các động thái của Mỹ từ năm 2010 đến nay trong các vấn đề khu vực như: vụ tàu Cheon-an của Hàn Quốc (26.3.2010), vụ va chạm tàu cá Trung-Nhật ở khu vực đảo Điều Ngư,... cho thấy sự “khôn ngoan” của Mỹ trong vai trò trung gian giải quyết các vấn đề. Đặc biệt, khi có nguy cơ xung đột Trung - Nhật xảy ra, với tư cách người trung lập, Mỹ thực hiện việc kiểm soát xung đột và quản lý được nguy cơ, từ đó có thể đạt được mục đích dẫn dắt hướng đi chung của quan hệ tam giác Trung – Mỹ - Nhật.
Lấy cạnh tranh làm chính
Chính quyền Tổng thống B.Obama cho rằng, từ “sự kiện 11.9” đến nay, do tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời theo đuổi 2 cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Irắc và gần đây ở Libya nên trong kinh doanh toàn cầu, Mỹ đã coi nhẹ châu Á. Trong khi đó, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ mở rộng ảnh hưởng, đồng thời muốn đẩy toàn bộ thế lực của Mỹ ra khỏi khu vực, nhằm xác định trật tự châu Á do Trung Quốc chủ đạo. Vì thế, Mỹ tuyên bố quay lại châu Á, và ngay từ khi mới bắt đầu đã hướng tới mục tiêu giành quyền chủ đạo trong các công việc của khu vực.
Ngoại trưởng Clinton nói: Xét về lịch sử, về khả năng và danh dự, Mỹ có vị trí đặc biệt để phát huy tác dụng chủ đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước hết, trong công việc an ninh, đồng thời với việc tăng cường quan hệ với các nước đồng minh châu Á, Mỹ tiếp tục mở rộng bố trí quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương, với trọng điểm là các “chuỗi đảo”. Ba tàu ngầm hạt nhân lớp hiện đại của Mỹ đã được đưa vào căn cứ quân sự thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mục đích là thể hiện quyết tâm duy trì ưu thế quân sự tuyệt đối và quyền chủ đạo về an ninh tại khu vực này của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh: “Mỹ nhất định sẽ có được một ghế trên bàn đàm phán của bất cứ cuộc thảo luận an ninh, các hội nghị kinh tế chính trị lớn nào có liên quan đến lợi ích của Mỹ”.
Mỹ còn cho rằng, tiến trình nhất thể hoá châu Á-Thái Bình Dương bằng phương thức “10+X”, đặc biệt là cơ chế nhất thể hoá mậu dịch trong khuôn khổ “10+3” có xu hướng gạt Mỹ ra ngoài. Vì thế, chính quyền B.Obama ra sức thúc đẩy “kế hoạch quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương mẫu mực (TPP)” làm đối trọng và Mỹ sẽ tìm cách nắm được quyền chủ đạo tiến trình nhất thể hoá châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ còn chủ trương tái lập ngoại giao giá trị quan và ngoại giao dân chủ, đẩy “cạnh tranh mô hình” lên phía trước trong cuộc cạnh tranh khu vực. Cuối cùng, bà Clinton cho rằng, “sức thuyết phục” của giá trị Mỹ là "nguồn tài sản quý báu nhất vượt qua sức mạnh quân sự và quy mô kinh tế", "Mỹ tin tưởng sâu sắc rằng, một số giá trị Mỹ sẽ có tính phổ biến toàn cầu, được nhân dân thế giới và châu Á-Thái Bình Dương tiếp nhận", rằng "là điều kiện nội tại của ổn định đất nước, của hoà bình và phồn vinh"!?
Như vậy, để trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung tâm phát triển năng động của thế giới trong thế kỷ XXI, Mỹ đã dày công xây dựng và đưa ra chiến lược đối ngoại mới gọi là “Ngoại giao bố trí tiền duyên”. Các nhà nghiên cứu và bình luận quốc tế cho rằng, sản phẩm đối ngoại nêu trên là sự điều chỉnh quan trọng trong tư duy chiến lược đối ngoại đối với khu vực. Tuy nhiên, tham vọng lãnh đạo và duy trì vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ tại khu vực và trên thế giới vẫn không thay đổi. Vì thế, hiệu quả của chiến lược “Ngoại giao bố trí tiền duyên” của Mỹ vẫn còn đang ở phía trước./.