Vai trò chiến lược của Trung Á đối với Mỹ.
Thứ sáu, 20/01/2012 21:24 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Giới phân tích nhận định, các nước láng giềng của Nga ở Trung Á gồm Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan đã trở thành thành tố quan trọng chiến lược đối với Mỹ, trong bối cảnh Oa-sinh-tơn đang tìm kiếm các con đường khác để vận chuyển hàng hoá đến Áp-ga-ni-xtan, sau sự sa sút trong quan hệ với Pa-ki-xtan.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã công bố một bản báo cáo về quá cảnh hàng hoá tới Áp-ga-ni-xtan thông qua Trung Á. Bản báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt về chính trị và chiến lược của Ca-dắc-xtan,. Cư-rơ-gư-xtan xuất và U-dơ-bê-ki-xtan trong các chiến dịch quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan. Theo các số liệu thống kê, 40% lượng hàng hoá trong năm 2011 được vận chuyển đến Áp-ga-ni-xtan thông qua U-dơ-bê-ki-xtan, 60% còn lại được cung cấp thông qua Pa-ki-tan. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, I-xla-ma-bát đã 2 lần chặn đường quá cảnh của Mỹ. Lần gần đây nhất là trong tháng 11.2011, sau cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào lực lượng biên phòng Pa-ki-xtan. mặc dù bản báo cáo cho rằng, mối quan hệ Mỹ - Pa-ki-xtan vẫn ở mức bình thường nhưng Thượng viện Mỹ không muốn phụ thuộc vào I-xla-ma-bát và nỗ lực tìm kiếm các sự lựa chọn khác để thay thế.
Trước động thái này của Mỹ, Giám đốc Trung tâm thông tin Trung Á từ Mát-xcơ-va Ki-xlốp bình luận, Nga sẽ không có sự phản đối nào miễn là sự hợp tác giữa Mỹ với các quốc giửa Mỹ với các quốc gia Trung Á phục vụ cho mục đích nhân đạo. Nga là nước đầu tiên chấp nhận cho Mỹ - NATO sử dụng lãnh thổ của mình, bao gồm cả đường bộ và đường không để vận chuyển hàng hóa đến Áp-ga-ni-xtan và theo chiều ngược lại khi quá trình rút quân bắt đầu. Sẽ không có lý do nào làm nảy sinh xung đột nếu Mỹ và NATO không có ý định thiết lập một cơ sở quân sự mớì ở U-dơ-bê-ki-xtan, Tát-gi-ki-xtan hoặc Cư-rơ-gư-xtan. Tuy nhiên theo chuyên gia Gro-din thuộc Viện các quốc gia độc lập (SNG), khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.
Tháng 9.2011, Quốc hội Mỹ đã quyết định dỡ bỏ lệnh hạn chế (được đặt ra từ năm 2004) về cung cấp trang thiết bị quân sự cho U-dơ-bê-ki-xtan và đề nghị cung cấp cho Ta-sken các loại vũ khí dư thừa, không cần thiết cho chiến dịch ở Áp-ga-ni-xtan. Động tác hợp lô gích tiếp theo sẽ là mở căn cứ quân sự, rồi sau đó chính thức tuyên bố khu vực này thuộc vùng lợi ích của Mỹ. Theo quy luật, tiếp sau đó sẽ là hàng loạt vấn đề đối với dân tộc và các quốc gia trong lĩnh vực được coi là “lợi ích của Mỹ”, trong khi Mỹ luôn có quan điểm riêng buộc các quốc gia trong “khu vực lợi ích” của mình phải tuân theo mà không quan tâm đến ý kiến riêng của họ. Các chế độ của các quốc gia Trung Á không “vững chắc” so với các nước Trung Đông. Một sự can thiệp từ bên ngoài sẽ đe doạ làm lung lay tình hình bất ổn ở các quốc gia Trung Á và có thể dẫn đến nhiều cuộc xung đột, cả nội bộ và bên ngoài.
Báo cáo của Thượng viện Mỹ đề xuất dành hỗ trợ kinh tế đối với các quốc gia Trung Á như một biện pháp để chống lại sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, hai cường quốc lớn trong khu vực. Vì vậy Nga, Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (vốn có lợi ích chính trị và kinh tế trực tiếp ở Trung Á) không thích thú gì với điều này. Ông Gro-din cho biết, tất cả các quốc gia có lợi ích ở Trung Á đều không hoan nghênh sự hiện diện cuả Mỹ ở khu vực và sẽ ngăn cản bước đi này bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Đối với Nga, quan hệ với các nước Trung Á không chỉ là vấn đề kinh tế hay chính trị, các dân tộc sinh sống ở Nga, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-tan, Tát-gi-ki-xtan hoặc U-dơ-bê-ki-xtan, đều gắn bó với nhau bởi cùng chung số phận lịch sử lâu đời. Vì vậy, Nga không thể làm ngơ trước những gì đang xảy ra ngay tại cửa ngõ biên giới của mình./.