Cuộc khủng hoảng không chỉ bắt nguồn từ Mỹ, mà còn chỉ ra các giới hạn và sự nguỵ biện của mô hình tăng trưởng kinh tế mà Mỹ đứng đầu.
Tháng 6/2010, trên website tổ chức Chatham House đã cho đăng tải bài nghiên cứu có tựa đề “Vai trò của Mỹ trong trật tự kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng” của Paola Subacci, Trưởng ban Kinh tế Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Anh về Các vấn đề Quốc tế. Bài viết có một số nội dung quan trọng được dư luận quốc tế quan tâm.
Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới
Khủng hoảng kinh tế và tài chính giai đoạn 2007-2009 làm lộ các nhược điểm của toàn cầu hoá không hạn chế, các khoảng cách và sự bất cập trong điều hành thị trường toàn cầu, sự căng thẳng bên trong giữa các thị trường tài chính toàn cầu và các quốc gia có chủ quyền. Làm nảy sinh nhiều câu hỏi xung quanh mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Mỹ được đánh giá là nằm ở điểm mấu chốt của tất cả các xu hướng khác biệt trên. Cuộc khủng hoảng không chỉ bắt nguồn từ Mỹ, mà còn chỉ ra các giới hạn và sự nguỵ biện của mô hình tăng trưởng kinh tế mà Mỹ đứng đầu. Nỗ lực khống chế và từng bước giải quyết khủng hoảng đã tạo nên một gánh nặng đối với các nền tài chính công vốn đã căng thẳng của Mỹ, củng cố cho các bình luận về sự suy giảm tương đối của Mỹ và sự mất dần vị thế siêu cường kinh tế.
Đối với giới trung lưu của Mỹ, các cam kết quốc tế của Mỹ - từ sự can thiệp vào Afghanistan đến sự thúc đẩy mở cửa thị trường - thường được coi là một gánh nặng làm lệch hướng các nguồn tài nguyên ra khỏi các ưu tiên nội địa. Trong bối cảnh sự phục hồi ở Mỹ dường như yếu hơn so với các nền kinh tế đang trỗi dậy, với một số lượng thất nghiệp lớn và rất ít việc làm được tạo ra, sức ép về việc có các chính sách kinh tế tập trung hơn vào nội địa đang gia tăng.
Đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của thế giới trong nhiều thập kỷ, các sức ép đòi hỏi cần ưu tiên cho nhu cầu nội địa hơn so với các quan ngại quốc tế hiện hữu ở mọi quốc gia. Trong số các quốc gia này, Mỹ là nước có vị trí thuận lợi nhất trong việc xác định sự đối lập, sự căng thẳng bên trong, giữa các thị trường toàn cầu và các lợi ích quốc gia.
Còn đối với châu Âu, các quốc gia này đang mắc kẹt trong một trật tự siêu quốc gia mà vẫn chưa chịu từ bỏ sự chủ quyền bất hiệu quả, tạo điều kiện hình thành các thể chế siêu quốc gia với cấu trúc thông suốt và hiệu quả.
|
Trang web với bài nghiên cứu |
Về vai trò của Mỹ đối với trật tự kinh tế quốc tế sau khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật nhu cầu đối với các quy định trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các cường quốc mới trở thành một thách thức đối với việc Mỹ tự động đóng vai trò lãnh đạo trong hoạch định các quy định này, đơn giản vì quy mô tuyệt đối của nền kinh tế Mỹ và sự thống trị của đồng USD trong nền thương mại và đầu tư quốc tế. Thay vào đó, cuộc khủng hoảng đã làm nảy sinh câu hỏi về cách thức cân bằng quyền lực và sự lãnh đạo trong các vấn đề kinh tế quốc tế sẽ được hình thành trong những năm tiếp theo.
Có nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng đã phá vỡ đáng kể mức độ khả tín và sự kính trọng đối với mô hình Mỹ, đặt dấu hỏi đối với chủ nghĩa tự do mới, sự tăng trưởng toàn cầu do Mỹ đứng đầu và những vấn đề liên quan đến vai trò thống trị của đồng USD. Cuộc khủng hoảng cũng làm xói mòn uy tín mặc định của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo, trong khi chính mô hình tăng trưởng và học thuyết tân tự do của Mỹ đang có quá nhiều khiếm khuyết.
Ở khía cạnh địa chính trị, khủng hoảng tài chính, một cuộc suy thoái mở rộng tiềm ẩn và khoản nợ liên bang Mỹ được coi là những chất xúc tác có thể dẫn đến kết thúc quyền bá chủ của nền kinh tế Mỹ và dẫn đến một sự dịch chuyển trong trật tự chính trị thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một hình ảnh thu nhỏ của sự dịch chuyển này. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc và tiềm năng mở rộng đáng kể của các nền kinh tế thị trường đang trỗi dậy trong những thập kỷ tiếp theo, xuất phát từ dân số lớn và sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới, dường như là những chỉ dấu cho sự hình thành một trật tự kinh tế mới, đa cực hơn. G20 thay thế G8 là một minh chứng.
Hiện tại, Mỹ đang phải đối mặt với hai thách thức: (1) Sự kiên trì tìm kiếm vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu của Mỹ có thể làm nảy sinh các căng thẳng ở cấp quốc tế nếu các quốc gia khác không nhận thức được thực tế này; và (2) ở trong nội địa, mong muốn của chính quyền Obama trong duy trì vị trí lãnh đạo nền kinh tế quốc tế có thể cũng làm nảy sinh các căng thẳng nếu các cam kết quốc tế của Mỹ được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cạnh trạnh hoặc xung đột với các ưu tiên nội địa.
Vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu
Quan điểm của giới học giả Anh có thiên hướng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu, bất chấp cuộc khủng hoảng và sự suy yếu của vị thế có liên quan của Mỹ.
Để lý giải cho nhận định này, các học giả đã đưa ra 5 nhân tố, cụ thể:
(1) Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tín dụng, Mỹ vẫn sẽ thể hiện một khả năng phục hồi mạnh mẽ. Để đi đến quan điểm lạc quan này, căn cứ quan trọng nhất mà giới phân tích dựa vào là Mỹ có một lực lượng lao động có khả năng linh hoạt và đổi mới.
(2) Một nhân tố khác giúp cho Mỹ phục hồi lại tốc độ tăng trưởng thời kỳ tiền khủng hoảng là khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ngắn hạn, sức thu hút của thị trường Mỹ có thể bị che khuất do các mối quan ngại về các rủi ro kinh tế đang diễn ra, và tính thanh khoản chậm do vị thế con nợ và các yếu điểm của nền kinh tế nội địa Mỹ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn Mỹ nhằm kiếm lợi nhuận từ một thị trường tài chính phát triển cao, thanh khoản tốt và có các thể chế chính trị và luật định mạnh.
(3) Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế linh hoạt và có các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực cần thiết để vượt qua các khó khăn hiện nay. Mỹ là nơi thu hút và mở cửa đối với di trú; là quốc gia có các học viện hàng đầu về nâng cao kiến thức, và sở hữu một xã hội và nền kinh tế có tính hệ thống nhất trên thế giới. Hơn nữa, đồng USD vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo hệ thống tiền tệ quốc tế. Đồng Euro chưa thể có được vai trò toàn cầu, và vì vậy, sẽ không thể trở thành một thách thức đối với sự thống trị của đồng USD, trong khi các đồng tiền khác đều chưa phải là sự lựa chọn quốc tế.
(4) Là một bá chủ về tiền tệ toàn cầu, Mỹ sẽ tiếp tục lưu hành khoản nợ của mình bằng chính đồng USD, và vì vậy, được hưởng một khả năng linh hoạt mạnh mẽ trong đáp ứng các khoản nợ nước ngoài bằng chính đồng USD của Mỹ. Hiện tại, các quốc gia thặng dư có thể quyết định dừng bảo hộ khoản nợ của Mỹ, tái định giá đồng tiền của họ, và giảm dự trữ đồng USD. Tuy nhiên, khả năng này rất thấp, xuất phát từ ảnh hưởng của tổn thất về vốn đối với các quốc gia đang dự trữ đồng USD.
(5) Mặc dù đang có dư luận về việc “tách riêng”, nhưng Mỹ vẫn là động lực của sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Sau những năm có tăng trưởng cao, các nền kinh tế thị trường đang trỗi dậy chắc chắn là “tự lập” hơn so với trước, và tương đối cách ly khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chinh, một phần vì các khu vực tài chính của họ vẫn còn tương đối nhỏ và không gắn kết với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia này vẫn phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế phát triển.
Như vậy, theo đánh giá của các học giả Anh thì Mỹ vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đối với các vấn đề kinh tế quốc tế, bất chấp các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với Mỹ. Thách thức lớn nhất của Mỹ trong khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới là tìm ra giải pháp nhằm hài hoà đòi hỏi của dân Mỹ về việc ưu tiên giải quyết các vấn đề nội địa, đồng thời vẫn chứng tỏ được vai trò lãnh đạo ở phương diện quốc tế./.