Vấn đề hoà bình Trung Đông: Thất bại về mặt ngoại giao của Mỹ và Israel

Thứ ba, 27/09/2011 17:22

Việc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon lá đơn xin gia nhập LHQ với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ dành cho Palestine,  bất chấp sự ngăn cản của Mỹ và Israel, đánh dấu thất bại về mặt ngoại giao của Mỹ và Israel trong việc giải quyết vấn đề hoà bình Trung Đông.

 

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ðại hội đồng LHQ, ngày 23-9.
Ảnh: AP      

Các nhà phân tích cho rằng, cho dù kết quả cuối cùng như thế nào đi nữa thì ít ra, Palestine cũng đã giành được một thắng lợi lớn về mặt ngoại giao trong suốt 20 năm qua, kể từ tiến trình hoà bình Trung Đông chính thức được khởi động năm 1991.

Bất đắc dĩ

Động thái trên của ông Abbas cho thấy sự bất lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế trong việc làm ông Abbas chùn bước. Theo kế hoạch, chiều 26-9 (theo giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bắt đầu thảo luận về việc Palestine xin được công nhận là thành viên chính thức của LHQ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin nước ngoài thì quá trình này có thể sẽ kéo dài trong vài tuần.

Theo các nhà phân tích quốc tế, việc Palestine đệ đơn xin gia nhập LHQ lần này là điều bất đắc dĩ, bởi những lý do sau:

Trước hết, việc Israel kiên quyết không dừng việc xây khu định cư Do Thái tại vùng đất chiếm đóng của người Palestine làm cho tình hình Trung Đông ngày càng căng thẳng. Tổng thống Abbas khẳng định chính sách xây dựng các khu định cư của Israel sẽ "hủy hoại những cơ hội" đạt được giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột giữa hai bên. Theo ông Abbas, chính sách nói trên của Israel không chỉ đe dọa cấu trúc của Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA), mà thậm chí còn chấm dứt sự tồn tại của chính quyền này.

Thứ hai, Palestine muốn thông qua việc xin công nhận là thành viên đầy đủ của LHQ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước áp lực lực của Mỹ và Israel. Mặc dù Palestine biết rằng khó có thể giành được ngay tư cách thành viên đầy đủ của LHQ, nhưng việc xin gia nhập LHQ giúp cho Palestine thực hiện mong muốn quốc tế hoá vấn đề tranh chấp giữa nước này với Israel, kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận đường biên giới từ năm 1967. 

Trong diễn văn tại Đại hội đồng LHQ ngày 23-9, ông Abbas nhấn mạnh: “Đã đến lúc nhân dân Palestine được sống tự do độc lập trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, như mọi dân tộc trên thế giới”.

Ngoài ra, nếu được hưởng quy chế quốc gia đầy đủ thì Palestine sẽ có thêm cơ hội để tham gia nhiều tổ chức quốc tế khác, nơi mà Mỹ không có quyền phủ quyết như tại HĐBA LHQ để ngăn cản các hoạt động ngoại giao của Palestine. Hơn nữa, với tư cách là quốc gia độc lập, Palestine có quyền kiện các quan chức chính phủ và tướng lĩnh Israel lên Toà án Hình sự quốc tế (ICC) trong trường hợp họ phạm tội ác chiến tranh.

Chính sách Trung Đông của Obama bị phê phán

Nhiều tháng qua, Mỹ luôn muốn thuyết phục Palestine từ bỏ ý định gia nhập LHQ. Tổng thống Mỹ B.Obama nhiều lần khẳng định trên diễn đàn LHQ cũng như trong cuộc gặp giữa Tổng thống Palestine Abbas và Thủ tướng Israel rằng người Palestine vẫn phải có “quốc gia riêng”, nhưng quốc gia này phải được xây dựng trên cơ sở đàm phán hoà bình với Israel.

Ông Obama thừa nhận rằng người Palestine đã phải đợi quá lâu trong việc được LHQ công nhận là quốc gia độc lập thật sự. Tuy nhiên, ông cũng không đưa ra một phương án nào mới cho tiến trình hoà hình Trung Đông.

Dư luận thế giới cho rằng, Tổng thống Obama đang muốn tranh thủ tình hình thuận lợi cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2012 tới. Tổng thống Obama không muốn cuộc đàm phán hoà bình tại Trung Đông thất bại, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng hình tượng của ông trước thềm cuộc bầu cử đang tới gần. Hơn nữa, trong năm bầu cử (2012), ông Obama muốn dành nhiều thời gian giải quyết các vấn đề trong nước, như phục hồi kinh tế, tăng số việc làm...

Đánh giá về chính sách của Mỹ trong vấn đề này, nhà sử học Rashid Khalidi thuộc Đại học Columbia tại New York (Mỹ) cho rằng, ông Obama luôn đề cao tự do của người dân tại Nam Sudan, Côte d’Ivoire, Tunisia, Ai Cập và Libya, nhưng lại từ chối tự do cho người Palestine. Điều đó càng chứng tỏ chính sách của Mỹ “đã và đang là chướng ngại to lớn cho hòa bình nói chung, mà cụ thể là tại Trung Đông ”.

Còn ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà, Thống đốc bang Texas, ông Rick Perry phê phán chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama; cho rằng chính sách này “ấn trĩ, ngạo mạn, không rõ ràng và nguy hiểm” đẩy đồng minh Israel vào thế nguy hiểm.

Trong khi đó, nhóm “Bộ tứ”, gồm: LHQ, Mỹ, Nga, Liên hiệp châu Âu (EU), đã kêu gọi Palestine và Israel nối lại các cuộc thương lượng hòa bình trong vòng một tháng tới và cam kết đạt được một thỏa thuận vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, đề xuất đó đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Raid al-Maki phản đối. Ông al-Maki chỉ trích kế hoạch nói trên là không đầy đủ vì không bao gồm yêu cầu đòi Israel ngưng việc xây dựng khu định cư. 

Tổng thống Palestine M.Abbas tuyên bố sẵn sàng quay trở lại cuộc đàm phán với Israel với điều kiện Tel Aviv đình chỉ hoàn toàn chính sách xây dựng các khu định cư Do Thái.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực