(ĐCSVN) - Trong khi kinh tế Nga dựa nhiều vào xuất khẩu năng lượng, Trung Quốc lại phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn năng lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, hợp tác năng lượng là mắt xích chủ đạo gắn kết quan hệ Nga - Trung.
Năm ngoái, Tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã đồng ý về nguyên tắc một hợp đồng cung cấp khí thông qua đường ống có tên Altai vào năm 2015. Tuy nhiên, đàm phán bị đình trệ vì hai bên không thể thống nhất được về giá khí đốt. Có một thực tế là, các khách hàng châu Âu của Gazprom mua khí đốt theo các hợp đồng dài hạn thường trả tiền nhiều hơn so với giao dịch tương tự trên thị trường tự do. Trong khi đó, Trung Quốc, nước đang mua khí đốt qua các đường ống từ Tuốc-mê-ni-xtan và Ca-dắc-xtan lại muốn một mức giá thấp hơn nhiều. Trong chuyến thăm Nga hồi giữa năm vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo hai nước còn thảo luận xây dựng nhà máy lọc dầu ở thành phố cảng Thiên Tân phía Bắc Trung Quốc trị giá 5 tỷ USD và khoảng 500 trạm phân phối xăng dầu tại Trung Quốc. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước còn ký Hiệp định hợp tác về khí đốt. Theo đó, Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo hai tuyến. Tuyến một đi từ cơ sở khí đốt của Nga ở Tây Xi-bê-ri; tuyến hai đi từ Đông Xi-bê-ri, Viễn Đông và thềm lục địa đảo Xa-kha-lin sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất đồng về giá vẫn là bài toán khó khăn trong hợp tác năng lượng Nga - Trung. Để có được lợi ích cân bằng cho cả hai phía trong những thoả thuận này là điều hết sức khó khăn. Bắc Kinh phàn nàn rằng, mình phải “gánh” quá nhiều trách nhiệm vốn đường ống dẫn dầu của Mát-xcơ-va và yêu cầu điều chỉnh khung giá. Trung Quốc cũng ám chỉ rằng, nếu Nga không chấp nhận những thay đổi về giá trong các thoả thuận về đường ống dẫn và khí gas, việc hợp tác năng lượng giữa hai nước sẽ khó diễn ra thuận lợi như kế hoạch ban đầu.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Nga sẽ trở thành một trong ba nhà cung cấp dầu nhiều nhất cho Trung Quốc, giúp Bắc Kinh bớt lệ thuộc vào dầu nhập khẩu không ổn định từ Trung Đông và Bắc Phi qua Eo biển Ma-lắc-ca và Xin-ga-po. Trung Quốc nhập khẩu hơn 55% lượng dầu tiêu thụ, trong đó 80% là do các nước Trung Đông và châu Phi cung cấp. Đường ống dẫn khí gas từ Nga được xem là có vai trò chiến lược đối với Trung Quốc. Hai đường ống dẫn khí gas nói trên sẽ trung chuyển ít nhất 68 tỷ m3 khí/năm của Nga sang Trung Quốc, đáp ứng khoảng 2/3 tổng lượng khí tiêu thụ của Trung quốc trong năm 2010.
Để giảm phụ thuộc vào việc sử dụng than (gây ô nhiễm môi trường), Trung Quốc có kế hoạch nâng tỷ lệ sử dụng khí gas sạch lên 10% vào năm 2020 so với mức 4% hiện nay. Ngoài hợp tác với Nga, Trung Quốc đã phát triển tuyến đường dẫn khí khác từ Tuốc-mê-ni-xtan ở Trung Á. Theo đánh giá gần đây của Clinne & Associates, một công ty tư vấn dầu khí quốc tế, Tuốc-mê-ni-xtan là nước có lượng khí gas dự trữ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nga.
Từ khi khánh thành năm 2009, tuyến đường ống dài 7.000 km này, từ Tuốc-mê-ni-xtan qua Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan tới Trung Quốc đã chứng tỏ là một nguồn cung đáng tin cậy đối với Bắc Kinh. Tháng trước, Trung Quốc và Tuốc-mê-ni-xtan đã nhất trí tăng gấp đôi công suất của đường ống này, lên 60 tỷ m3 khí/năm vào năm 2015. Thêm nữa, Bắc Kinh còn ký một hợp đồng với Ca-dắc-xtan để tăng gấp đôi lượng khí gas vận chuyển qua đường ống này sang Trung Quốc, lên 25 tỷ m3 vào tháng 12.2015. Trước đó, tháng 6.2010, Bắc Kinh cũng đã ký thoả thuận với U-dơ-bê-ki-xtan. Theo đó, U-dơ-bê-ki-xtan sẽ cung cấp 10 tỷ m3 khí gas cho Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chiến lược can dự vào nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó, châu Phi và Mỹ La tinh cũng được giới lãnh đạo Bắc Kinh hết sức quan tâm để đa dạng hoá nguồn cung năng lượng cho nước này.
Trong “ván cờ” khí đốt, Trung Quốc tìm mọi cách để đa dạng nguồn cung và hạ giá sản phẩm mua từ Nga. Bắc Kinh cho rằng, việc giá dầu và khí đốt giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ buộc Mát-xcơ-va phải điều chỉnh giá để bảo vệ các thoả thuận năng lượng lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên, về phần mình, Nga lại nhận định, nhu cầu tiêu thụ khí gas của thế giới sẽ gia tăng khi Chính phủ nhiều nước tìm cách cắt giảm sử dụng than và xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân sau sự cố vừa qua tại Nhật Bản.
Nga không muốn mất đi thị trường Trung Quốc - một thị trường mới nổi đầy tiềm năng, trong khi Trung Quốc cũng không muốn bỏ lỡ nguồn cung “dồi dào” từ Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, việc tìm lời giải cho bài toán giá cả sẽ không hề đơn giản trong bối cảnh hiện nay.