(ĐCSVN) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, mặc dù kinh tế châu Á tăng trưởng mạnh mẽ trong 20 năm qua, nhưng khu vực này lại không cung cấp đầy đủ công ăn việc làm và đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng khiến giới hoạch định chính sách các quốc gia này không thể không quan tâm.
Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1990-2008, châu Á đã để mức tăng trưởng trung bình trên 6,4%/năm, trong khi con số này của khối OECD (tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế gồm những nền kinh tế phát triển nhất thế giới) chỉ là 1,8%. Sự tăng trưởng này đã đem lại hiệu quả tích cực cho châu Á: số người có việc làm tăng lên và 150 triệu người thoát nghèo. Tuy nhiên, các chuyên gia ADB lại nhận định, những lợi ích do tăng trưởng đem lại không được phân bổ đồng đều trên toàn khu vực.
Theo các chuyên gia này, tỷ lệ nghèo đói ở mức cao và chất lượng lao động vẫn còn là vấn đề chưa được giải quyết của châu Á. Khoảng 40% dân số châu lục này sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập chỉ 2 USD/ngày. Hầu hết các công ăn việc làm được tạo ra ở châu Á là trong ngành sản xuất với mức lương thấp. Nhiều công nhân làm việc trong những khu vực phi chính thức, điều kiện lao động kém và không được ký hợp đồng, không được hưởng lương hưu, lương thôi việc và bảo hiểm y tế. ADB cho biết, tại các nước đang phát triển ở châu Á, tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức ở mức rất cao, gần gấp đôi so với Mỹ La-tinh. Theo một báo cáo gần đây của OECD, tính trung bình châu Á - Thái Bình Dương chỉ chi khoảng 5,2% GDP cho bảo trợ xã hội, chỉ bằng 1/4 ở các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, khoảng cách về thu nhập ở khu vực này cao hơn mức trung bình của OECD, trong đó ở Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a là lớn nhất.
Giới phân tích nhận định, có nhiều động thái cho thấy Chính phủ một số nước châu Á đang chú trọng tới vấn đề an sinh xã hội của người dân. Ở Ma-lai-xi-a, nơi các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức rộng rãi trong năm nay, Nội các đã lần đầu tiên phê chuẩn quy định toàn quốc về mức lương tối thiểu. Chính phủ Xin-ga-po cũng vừa công bố sẽ dành ngân sách cho một chương trình hỗ trợ người nghèo, giảm thuế cho hộ có thu nhập thấp; tăng các khoản chi chăm sóc y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ công bố các khoản chi ngân sách nhiều hơn cho các chương trình phúc lợi xã hội.
Theo IMF, điều châu Á thực sự cần là đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, y tế và tăng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hưu trí. Những chính sách này không chỉ giảm sự mất cân đối về thu nhập, mà cũng có lợi cho nền kinh tế, bởi chính sách an sinh xã hội mờ nhạt sẽ khiến người tiêu dùng tiết kiệm hơn là chi tiêu trong khi tiêu dùng nội địa không mạnh đã khiến một số quốc gia phải phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư phục vụ tăng trưởng. Trong bối cảnh chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng hiện nay, đã đến lúc châu Á cần suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề an sinh xã hội, vì đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững và lâu dài của toàn châu lục./.