Vấn đề tài nguyên nước trên thế giới
Thứ sáu, 16/03/2012 20:46 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Từ ngày 12-17.3.2012, tại thành phố Mác-xây, CH Pháp đã diễn ra Diễn đàn nước thế giới với chủ đề “Góp phần vào sự hợp tác và hòa bình để quản lý tối ưu các lưu vực sông xuyên biên giới” với sự tham dự của gần 20.000 đại diện tổ chức đến từ 140 quốc gia trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang dẫn đầu tham dự Diễn đàn.
Đây là Diễn đàn lần thứ 6 do Tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) về Văn hóa, Khoa học và Giáo dục (UNESCO) và Hệ thống quốc tế các Tổ chức lưu vực sông (Réseau international des organismes de bassin - RIOB) phối hợp tổ chức. Diễn đàn là cuộc gặp trên quy mô lớn các nước thành viên tổ chức RIOB và các nước quan sát viên, nhằm thảo luận, trao đổi để tìm ra các giải pháp tốt nhất đối với vấn đề phát triển, cải thiện sự quản lý tối ưu lưu vực 276 dòng sông, hàng trăm hồ xuyên biên giới khác, đồng thời tăng cường sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Các báo cáo tại Diễn đàn tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: (1) Tăng cường các chính sách và thực thi các nguyên tắc pháp luật quốc tế, khu vực và địa phương hiện nay về nước trong cộng đồng quốc tế; (2) Ký các văn bản mới để nâng cao chất lượng quản lý nước trên mặt đất và nước ngầm; (3 ) Phát triển và cải thiện các cơ chế hợp tác quốc tế; (4) Tạo lập cơ chế tài chính bền vững cho các tổ chức xuyên biên giới; (5) Tăng cường đào tạo cán bộ quản lý và các nhà hoạch định chính sách; (6) Soạn thảo các văn bản hợp tác kết nghĩa giữa các tổ chức có lưu vực sông, ngòi, hồ ao; (7) phát triển chia sẻ thông tin và dữ liệu trong lĩnh vực này.
Theo giới chuyên gia, được tổ chức hàng năm, nhưng chưa năm nào nhu cầu giải quyết nước sạch lại trở nên bức thiết tại Diễn đàn nước thế giới như hiện nay. Báo cáo mới công bố của Quỹ Nhi đồng LHQ cho biết, thế giới có 2,5 tỉ người đang thiếu nước sạch, chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu. Đây là một con số đáng báo động vì 2 năm trước con số này mới chỉ là 1 tỷ người. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu về nước vào năm 2050 sẽ tăng lên 55%. Đại hội đồng LHQ từng công nhận việc tiếp cận với nước sạch và sống vệ sinh là một quyền của con người. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt trên toàn cầu vẫn đang cản trở những nỗ lực cải thiện tình hình cung cấp nước sạch ở ngay cả những thành phố lớn.
Theo giáo sư Hô-e-xtra của Hà Lan, nước ngọt là nguồn tài nguyên hiếm hoi. Trong khi nhu cầu đang tăng thì nguồn cung lại hạn chế. Trên thực tế, 97% nguồn nước dự trữ là nước biển, 2% còn lại là băng ở Nam cực và Bắc cực. Do đó, nhân loại chỉ còn 1% lượng nước sử dụng được. Cũng theo giáo sư này, rất nhiều nơi trên thế giới đang xảy ra tình trạng cạn kiệt nước, sông ngòi khô cạn và mực nước ngầm đang thấp dần. Nhu cầu về nước ngày càng tăng trở thành nguyên nhân gây căng thẳng, xung đột về quyền sở hữu nước giữa các quốc gia. Các số liệu thống kê cho thấy, cứ 7 quốc gia thì có một quốc gia phụ thuộc 50% nguồn nước bên ngoài biên giới./.