Vấn đề Triều Tiên: Đàm phán hòa bình - cách tiếp cận cần được ưu tiên

Thứ hai, 18/09/2017 15:30
(ĐCSVN) - Vụ thử bom H vào ngày 3/9 và vụ thử tên lửa tầm trung hôm 15/9 của Triều Tiên đã khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đồng thuận trừng phạt Triều Tiên theo Nghị quyết mới nhất ngày 11/9. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa nói lên điều gì về sự đồng thuận trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Nguồn: BBC)

 

Trừng phạt và áp lực quân sự

Cho đến nay đã có 4 Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với cấp độ ngày càng nặng nề hơn, nhưng Bình Nhưỡng vẫn không lùi bước. Mới đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn nhấn mạnh “sự cần thiết phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt và phong tỏa, với các nỗ lực toàn quốc trong bối cảnh đã gần đạt được giai đoạn cuối”.

Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền tại Mỹ, ông đã có những động thái quân sự mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên, với việc đưa đội tàu sân bay hạt nhân, 2 máy bay ném bom B-1B Lancer và tiến hành các cuộc tập trận chung (Mỹ - Hàn - Nhật); triển khai Hệ thống THAAD tại Hàn Quốc…

Mới đây, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley lại khẳng định, Washington sẽ hành động đơn phương nếu Triều Tiên không dừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun phát biểu tại Seoul rằng, cuộc tập trận Hàn–Mỹ nhằm làm nhụt chí sự khiêu khích từ Triều Tiên. Còn Triều Tiên lại lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động thị uy mới của Mỹ và đồng minh; rằng, “sự khiêu khích quân sự bất cẩn đang đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới gần hơn bờ vực chiến tranh”.

Đại sứ Nga và Trung Quốc tại Liên hợp quốc lại nhắc đến điều khoản “4 không” là: Không thay đổi chế độ chính trị, không lật đổ ban lãnh đạo, không thúc đẩy thống nhất hai miền và không triển khai quân đội phía Bắc vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn nói: “Trung Quốc không cho phép xung đột hay chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên”. Tuyên bố này là tín hiệu cho thấy Moscow và Bắc Kinh đã đặt giới hạn cho các nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đàm phán trực tiếp và cùng xuống thang

Được biết, ngay trong quá trình tranh cử, ông Trump đã từng đề cập đến khả năng đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời tác động để Trung Quốc can thiệp. Ông Trump còn tuyên bố sẽ sử dụng “đòn bẩy kinh tế của Mỹ” để giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên. 

Triều Tiên khẳng định, không bao giờ ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, trừ khi Mỹ chấm dứt chính sách thù địch nhằm vào nước này. Mục tiêu cuối cùng của Bình Nhưỡng là thiết lập một trạng thái cân bằng về thực lực với Mỹ.

Ông Kim nói: “Chúng ta nên tỏ rõ cho những kẻ ở nước lớn thấy cách mà nhà nước chúng ta đạt được mục tiêu hoàn thành lực lượng hạt nhân của mình bất chấp sự phong tỏa và các biện pháp trừng phạt không giới hạn của chúng”.

Trong khi ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đủ khả năng lắp đầu đạn nhiệt hạch cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thì Mỹ lại nhận định, nước này chưa làm chủ được những công nghệ cho phép tên lửa bắn trúng mục tiêu ở Bắc Mỹ. Giới chuyên gia dự đoán ông Kim Jong-un sẽ chờ tới khi làm chủ hoàn toàn vũ khí hủy diệt rồi mới đàm phán để giành lợi thế.

Đàm phán hòa bình - cách tiếp cận cần được ưu tiên

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố thay đổi cách tiếp cận, sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu như các điều kiện cho phép, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói: “Hiển nhiên, đó là cách chúng tôi muốn để giải quyết vấn đề này” lâu dài.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov nói: “Sức ép quân sự của Mỹ chống Triều Tiên chỉ gây ra các bước trả đũa từ phía Triều Tiên. Từ khi ông Trump lên cầm quyền, Triều Tiên đã bắn tên lửa tới 10 lần. Cả Nga và Trung Quốc đều chia sẻ quan điểm rằng, chỉ có giải pháp chính trị và ngoại giao với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngay từ năm 2013, ông Gause chuyên gia phân tích đã từng nói rằng: “nhà lãnh đạo Triều Tiên không thể thoái lui từ chiến lược hiện tại vì như vậy, đặc biệt là trước áp lực của thế giới, sẽ làm suy yếu tính hợp pháp và sự lãnh đạo của mình”.

Rằng, Bình Nhưỡng luôn quan tâm tới mục tiêu là Triều Tiên được công nhận như một cường quốc hạt nhân và trở thành quốc gia hạt nhân đã là mục tiêu bất di bất dịch của Triều Tiên nhằm khẳng định vị thế của mình với Hàn Quốc và Đông Bắc Á. Giờ đây sau khi gần đạt mục tiêu, thì Triều Tiên lại nêu ra tham vọng là cân bằng thực lực với nước Mỹ.

Ông George Lopez, cựu chuyên gia tư vấn trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định, Mỹ cần tìm kiếm tiếng nói chung với Nga và Trung Quốc, ngoài việc bỏ phiếu cấm vận Triều Tiên. Theo đó, Washington nên tìm kiếm giải pháp an ninh thông qua con đường ngoại giao, đáp ứng được một số điều kiện mà Bình Nhưỡng và các nước láng giềng đưa ra.

Ông Lopez nói: “Chúng ta từng làm được điều đó với những cường quốc có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân. Chúng ta chắc chắn sẽ làm được với đất nước có chưa tới 20 quả bom hạt nhân”.

Trung Quốc và Nga cho rằng, Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu chưa có cam kết bảo đảm an ninh, nhưng cũng không muốn nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thêm hành động khiêu khích gây bất ổn khu vực.

Như vậy, với những động thái mới của cả Triều Tiên, Mỹ và đồng minh, giới phân tích cho rằng, hai bên vẫn sẽ chỉ dừng lại ở sự răn đe lẫn nhau mà thôi. Vì thế, cho dù cách tiếp cận nào của Mỹ cũng sẽ gặp phải mục tiêu không thay đổi của Bình Nhưỡng./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực