Vãn hồi hòa bình cho Nam Sudan - con đường còn lắm gian nan

Thứ sáu, 06/11/2015 10:35

(ĐCSVN) - Chính phủ Nam Sudan và các lực lượng nổi dậy đã ký kết một thoả thuận về an ninh chuyển tiếp. Đây được coi là một giai đoạn quan trọng trong thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt gần hai năm xung đột tại quốc gia này.

 Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: UPI)


Thoả thuận an ninh chuyển tiếp

Ngày 3/11, Chính phủ Nam Sudan và nhóm vũ trang đối lập Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan (SPLM/SPLA-IO) cùng các thủ lĩnh SPLM từng bị bắt giữ đã ký kết một thoả thuận về an ninh chuyển tiếp, đạt được sau cuộc họp kéo dài 14 ngày tại thủ đô Addis Ababa của nước láng giềng Ethiopia.

Theo thỏa thuận, tổng cộng 4.830 binh sĩ sẽ được triển khai tại nội đô Juba, bao gồm 3.420 quân chính phủ và 1.410 quân nổi dậy. Lực lượng này sẽ bao gồm các đơn vị lính gác hỗn hợp, quân cảnh và các đơn vị an ninh quốc gia. Ngoài ra, chính phủ và phe nổi dậy cũng đã nhất trí triển khai các đơn vị cảnh sát chung tại Juba gồm 3.000 nhân viên chia đều hai bên, cùng với 800 sĩ quan an ninh tại 3 thành phố Bentiu , Malakal và Bor.

Thỏa thuận nhằm ấn định các khu vực quân sự quan trọng trong thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 8, trong đó một điều khoản chủ chốt là phi quân sự hóa thành phố Juba do chính phủ nắm giữ để cho phép thủ lĩnh nổi dậy Riek Machar cùng các thuộc hạ trở lại.

Lễ ký kết được tiến hành dưới sự chứng kiến của đại diện Cơ quan phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD), cựu Tổng thống Botswana kiêm Chủ tịch Uỷ ban Đánh giá và giám sát chung thoả thuận hoà bình Nam Sudan Festus Mogae.

Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Michael Makuei tuyên bố: "Đây là ngày đặc biệt đối với người dân Nam Sudan, là ngày chúng ta sẽ thực hiện thoả thuận hoà bình". Ông Makuei cũng khẳng định cam kết của chính phủ trong việc thực thi thoả thuận.

Dự kiến, Tướng Taban Deng, trưởng đoàn đàm phán của SPLM, sẽ tới thủ đô Juba của Nam Sudan trong tháng này để thực thi thoả thuận. Đại diện nhóm thủ lĩnh SPLM từng bị bắt giữ John Luk Jok nhấn mạnh, việc ký kết thoả thuận trên là một động thái mang tính lịch sử và là cột mốc quan trọng hướng tới việc triển khai thoả thuận hoà bình.

Trong khi đó, trưởng ban hoà giải của IGAD Seyoum Mesfin bày tỏ chúc mừng các nhà lãnh đạo và người dân Nam Sudan về thoả thuận trên, tin tưởng rằng đến giữa tháng này, các bên sẽ bắt đầu một lộ trình vững chắc hướng tới việc thực thi thoả thuận tại Juba.

Quốc gia bất ổn

Tách khỏi Sudan sau nhiều thập kỷ chiến tranh, năm 2011, Nam Sudan đã chính thức trở thành quốc gia thứ 193 trên thế giới. Với dân số khoảng 12 triệu người, Nam Sudan có khá nhiều sắc tộc nhưng hiếm khi hòa thuận với nhau. Khi trở thành quốc gia độc lập, chính quyền mới còn non trẻ ở Nam Sudan đã ngay lập tức vấp phải nhiều khó khăn cũng như lời chỉ trích vì để tình trạng kinh tế yếu kém.

Nam Sudan bắt đầu rơi vào bất ổn kể từ khi Tổng thống Salva Kiir quyết định giải tán Nội các, cách chức Phó Tổng thống Riek Machar hồi tháng 7-2013 do ông này công khai chỉ trích chính phủ và bị cáo buộc cầm đầu âm mưu đảo chính. Điều này đã trở thành nguyên nhân châm ngòi cho một sự rạn nứt chính trị và quân đội ở Nam Sudan.

Mâu thuẫn bắt đầu âm ỉ từ đó và bùng phát thành bạo lực lớn vào cuối năm 2013 giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Chỉ tính riêng vụ xung đột vào tháng 12-2013 đã khiến ít nhất 500 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải đi sơ tán.

Tháng 4-2014, các tay súng nổi dậy tại Nam Sudan đã thảm sát hàng trăm dân thường trong các vụ thanh trừng sắc tộc ở thị trấn dầu mỏ Bentiu, thủ phủ của bang Unity. Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) sau đó đã phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây và được tăng cường lên 12.500 binh sỹ. Nhưng đáng quan ngại là các lực lượng liên minh với Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan (SPLA) thuộc phe đối lập đã không ngần ngại mà còn bắt giữ và tấn công vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, cho đến nay, các cuộc tấn công giữa hai bên cùng những vụ xung đột sắc tộc đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, khiến 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và khoảng 8 triệu người đang phải sống trong đói khát và bệnh tật. Khoảng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng và cần được tiếp nhận chăm sóc y tế, đẩy đất nước đến bờ vực thiếu đói tồi tệ nhất châu Phi kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Nghiêm trọng hơn, xung đột vũ trang còn ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất dầu mỏ vốn là “xương sống” của nền kinh tế Nam Sudan, với sản lượng sụt giảm gần 30%. Nam Sudan hiện đang sản xuất khoảng 175.000 thùng dầu mỗi ngày (vào thời điểm trước khi xung đột nổ ra là 245.000 thùng dầu mỗi ngày). Giao tranh đã đe dọa cắt đứt nguồn mạch kinh tế quan trọng vốn chiếm tới gần 99% ngân sách của chính phủ Nam Sudan. Trong khi đó, nhiều cơ sở hạ tầng cũng đã bị phá hủy nghiêm trọng sau các cuộc giao tranh.

Mặc dù đã ký thỏa thuận hòa bình ngày 27-8 vừa qua với sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải khu vực châu Phi và thế giới, song các vụ đụng độ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Tình trạng này buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả cấm vận nếu các bên tại Nam Sudan không tuân thủ triệt để thỏa thuận hòa bình đã ký kết.

Chính vì vậy, bên cạnh hy vọng việc ký kết thoả thuận an ninh chuyển tiếp sẽ mở ra triển vọng hòa bình và ổn định cho quốc gia non trẻ này, dư luận thế giới cũng chưa hết lo ngại về con đường lập lại hòa bình còn nhiều gian nan tại Nam Sudan./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực