Về cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng ở Yemen

Thứ năm, 31/05/2012 16:07

(ĐCSVN) – Theo các tổ chức nhân đạo quốc tế, gần một nửa dân số Yemen đang phải gánh chịu thảm cảnh suy dinh dưỡng. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị chưa đi đến hồi kết thì người dân quốc gia châu Phi này lại tiếp tục phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực cũng không kém phần nghiêm trọng.

 

Gần một nửa dân số Yemen đang phải chịu thảm cảnh suy dinh dưỡng (Ảnh: AFP)

Đánh giá vừa được các tổ chức Oxfam, CARE và Save the Children đưa ra mới đây cho thấy gần một nửa dân số của Yemen (44%) hiện không được ăn đủ để duy trì sự sống. Các tổ chức nhân đạo quốc tế đánh giá, có 10 triệu người, trong tổng số 22 triệu dân của quốc gia này hiện phải chịu cảnh suy dinh dưỡng, trong số đó có tới 5 triệu người cần “cứu trợ khẩn cấp”.

Trong một quốc gia có tới 48% dân số thuộc độ tuổi dưới 15 thì cứ 3 trẻ em lại có 1 em bị “suy dinh dưỡng nghiêm trọng”. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Yemen, hơn 267.000 trẻ em có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng trầm trọng. Khoảng 5,5 triệu người Yemen đã “rơi vào cảnh nợ nần” để có tiền nuôi sống gia đình của họ.

Ông Jerry Farrell, Giám đốc tổ chức Save the Children tại Yemen cho biết: “Nếu không triển khai cứu trợ khẩn cấp, Yemen sẽ chìm sâu trong một cuộc khủng hoảng lương thực với tỷ lệ thảm họa khá cao”.

Các tổ chức nhân đạo cũng bày tỏ mong muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh “Những người bạn của Yemen”, dự kiến diễn ra tại Riyad (Ả rập Saudi) để kêu gọi các nhà lãnh đạo “tăng cường cố gắng” hỗ trợ cho người dân Yemen và giúp họ tránh dược cuộc khủng hoảng nhân đạo “thảm khốc”.

Một nghịch cảnh đang diễn ra hằng ngày tại quốc gia này. Mặc dù thực phẩm luôn có sẵn trong chợ tại các địa phương của Yemen song người dân vẫn luôn luôn trong tình trạng thiếu thốn thức ăn trầm trọng. Nguyên nhân được lý giải là do giá của chúng quá cao và do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nên một nửa người dân Yemen không có đủ tiền để tự nuôi sống mình.

“Các gia đình Yemen đã cạn kiệt tất cả các nguồn lực để sống sót sau khủng hoảng”, bà Penny Lawrence, Giám đốc quốc gia của Oxfam cho biết. “Các bà mẹ phải đưa con rời khỏi trường học, đi ăn xin trên đường phố để có thể tồn tại qua ngày”, bà Penny Lawrence nhấn mạnh thêm.

Trong lúc những hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang hàng ngày hàng giờ làm cạn kiệt nguồn sống của người dân Yemen thì cuộc khủng hoảng chính trị lan rộng trên khắp quốc gia này và các cuộc xung đột xảy ra tại miền Bắc và Nam lại càng làm cho tình hình trở nên phức tạp. Cuộc sống của người dân không những thiếu thốn mà còn bất ổn định. Gần 500.000 người hiện phải sống tị nạn tại Yemen, trong số đó có tới 95.000 người đã phải sống trong cảnh bấp bênh từ hai tháng vừa qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Oxfam rung hồi chuông cảnh báo tình trạng này tại Yemen. Ngày 14/12 năm trước, tổ chức này đã lên tiếng báo động về thảm cảnh của nhiều người dân Yemen phải “sống không có thức ăn trong vòng 3 ngày” và nhiều gia đình chỉ sống bằng “nước chè và bánh mỳ”. Ba tháng sau đó, ngày 14/3, Oxfam một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi cần có “một hành động hỗ trợ khẩn cấp” cho Yemen.

Vào tháng 12/2011, Liên hợp quốc đã nỗ lực vận động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho Yemen. Tuy nhiên, lời kêu gọi ủng hộ 447 triệu USD của Liên hợp quốc để giúp quốc gia này ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực hiện mới chỉ nhận được 43%.

Khó có thể kể hết những khó khăn mà người dân Yemen đã, đang và sẽ phải đối mặt. Liên tiếp phải hứng chịu những cuộc khủng hoảng, cuộc sống của người dân nước này đang dần đi đến bờ vực thảm họa nếu như không nhận được sự trợ giúp từ phía cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề, việc tự khắc phục khó khăn, vực dậy cuộc sống xem ra là một viễn cảnh “xa xỉ” đối với người dân Yemen.
 
Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn ảnh hưởng đối với hầu hết mọi quốc gia trên thế giới song thiết nghĩ, nếu có thiện chí hỗ trợ thì chia sẻ lời kêu gọi 447 triệu USD do Liên hợp quốc đưa ra cũng là một việc làm không quá khó khăn đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển.

Hy vọng, trong tương lai không xa, không chỉ Yemen mà nhiều quốc gia đang và kém phát triển trên thế giới sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế để các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ sẽ được phổ biến rộng rãi trên khắp hành tinh./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực