Về sự bùng phát của thị trường an ninh mạng
Thứ bảy, 17/03/2012 08:44 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Theo giới chuyên gia, các vụ tấn công tin học, gián điệp tin học hay việc phát triển các vi-rút tin học có độ hủy diệt cao khiến ngành an ninh mạng đang trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền quốc phòng của nhiều nước trên thế giới, trước hết là Mỹ.
Về mặt kinh tế, thị trường an ninh mạng được đánh giá là đang phát triển với tốc độ cao. Theo một số cơ quan thẩm định, thị trường an ninh mạng có giá trị ước tính khoảng 50 tỷ USD/năm, với mức tăng trưởng 10%năm, nghĩa là nhanh hơn gấp hai lần so với tốc độ của các ngành công nghệ tin học.
Riêng trong lĩnh vực quốc phòng, từ khoảng một năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã gia tăng một cách đáng kể việc mua lại các công ty tin học để tăng cường năng lực an ninh mạng.
Theo nhiều chuyên gia, các cuộc tấn công tin học ngày càng tinh vi và mở rộng sang nhiều mục tiêu như đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ hay thậm chí phá hủy các máy móc trang thiết bị. Năm 2010, các thủ phạm giấu mặt sử dụng loại vi-rút có tên Stuxnet đã tấn công vào các lò ly tâm thuộc chương trình hạt nhân của I-ran. Cuộc tấn công này đã tạo ra một tiền lệ mới cho sử dụng vũ khí tin học chống lại một quốc gia. Trong thời gian gần đây, Mỹ đã bắt giữ nhiều thành viên của các mạng lưới tin tặc. Ngày 6.3.2012, Bộ tư pháp Mỹ thông báo sẽ truy tố 5 thành viên của nhóm tin tặc mang tên Anonymous (kẻ nặc danh) cùng các nhóm có liên quan như Lulzsec, Internet Feds và Antisec. Theo công tố viên liên bang phụ trách vụ án, có tới gần 1 triệu người là nạn nhân của nhóm 5 bị cáo này. Bên cạnh tấn công vào các trang mạng của Chính phủ các nước, các công ty lớn và các phương tiện truyền thông, 5 người kể trên còn thực hiện các vụ đánh cắp thông tin trên mạng, đặc biệt là các thẻ thanh toán ngân hàng. Trước đó, vào cuối tháng 2.2012, Cảnh sát hình sự quốc tế In-tơ-pôn cũng thông báo đã bắt giữ 25 tin tặc tình nghi thuộc nhóm Anonymous, sau các cuộc tấn công nhằm vào các trang Web của Chính phủ nhiều nước Nam Mỹ và Tây Ban Nha.
Theo một số nhà quan sát, để phản đối các vụ bắt giữ trên, Anonymous có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công trả đũa, tương tự như vụ tấn công vào nhiều trang mạng của Chính phủ Mỹ, làm tê liệt các trang Web của Cục điều tra liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ trong nhiều tiếng đồng hồ vào tháng 1.2012, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ ra lệnh đóng cửa trang mạng Megaupload, bị cáo buộc đã xâm phạm tác quyền (quyền tác giả) rất nghiêm trọng. Ngày 7.3.2012, nhiều trang mạng của Va-ti-căng và các phương tiện truyền thông thuộc Va-ti-căng đã bị tấn công vào buổi chiều. Các tin tặc thuộc nhóm Anonymus đã đứng ra nhận trách nhiệm và khẳng định họ hành động như vậy là để chống lại Giáo hội La Mã, chứ không nhằm vào Đạo Thiên Chúa hay các tín đồ công giáo trên thế giới. Nhóm Anonymous cũng đã từng tấn công vào hệ thống mạng của nhiều ngân hàng, các cơ sở này đã từ chối tiếp nhận các khoản tiền dành tặng cho Wikileaks, khi trang mạng này công bố hàng chục nghìn thông tin mật liên quan đến ngành ngoại giao Mỹ năm 2010./.