Về tương lai của Nhóm các nước mới nổi (BRICS)

Thứ bảy, 17/12/2011 01:44

(ĐCSVN) - Tác giả học thuyết “sức mạnh mềm”, Giáo sư Giô-xép Nai của Đại học Havớt (Mỹ) nhận định, sức mạnh của các quốc gia thành viên: Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ ngày càng gia tăng, nhưng BRICS sẽ vẫn chỉ là một khối liên kết lỏng lẻo vì có nhiều lợi ích khác nhau.

Các số liệu thông kê cho thấy, với GDP toàn khối đạt 8,7 nghìn tỷ USD trong năm 2010, BRICS chiếm 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ năm 2000 và 45% tăng trưởng kinh tế thế giới kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế 2008-2009. Theo nhận định của Hãng Goldman Sachs, các thành viên BRICS có thể chiếm 4 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2032. Ảnh hưởng ngày càng lớn của các nền kinh tế BRICS có thể nhận thấy trong sự vượt trội của họ với các vấn đề thương mại toàn cầu. Theo Standard Bank Group, thị phần thương mại trong khối này tăng từ 6,9% năm 1999 lên 14,2% năm 2008. Thương mại nội khối BRICS đã tăng 30%/năm kể từ năm 1999, hiện chiếm 8% thương mại toàn cầu. Gần đây, vị trí của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế BRICS đã dần bị thách thức bởi chính các thành viên của tổ chức này. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bra-xin, đồng thời, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nam Phi. Những số liệu khả quan này hứa hẹn một tương lai hết sức tốt đẹp với BRICS. Trả lời câu hỏi liệu mỗi nước BRICS có thể thách thức sự thống trị của Mỹ trên thế giới ? Giáo sư Giô-xép Nai cho rằng, đây là điều có thể.

Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh lợi ích quốc gia để phân tích những bất đồng nội khối, giới quan sát cho rằng, nhận định của Giáo sư Giô-xép Nai không phải không có căn cứ. Để minh chứng cho nhận định của mình, Giáo sư Giô-xép Nai giải thích: “Từng thành viên, Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin sẽ đóng vai trò rất quan trọng, nhưng Nga không thực sự thuộc về nhóm này. Nga là một quyền lực đang đi xuống chứ không phải đang lên. Khi chúng ta đi vào chi tiết, quyền lợi của các nước này thật khác nhau”. Theo ông, BRICS không chắc tạo thành liên minh chống Mỹ vì có những khác biệt sâu sắc về lợi ích giữa các nước trong nhóm như: Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ rất muốn có quan hệ tốt với Mỹ để cân bằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Khi bàn về tương lai của BRICS, Giáo sư Giô-xép Nai nhận định: “BRICS sẽ là một tổ chức có liên thông ngoại giao lỏng lẻo. Đôi khi họ thấy thuận tiện để gặp nhau, bàn về một quan điểm chung. Nhưng vấn đề là khi đã vượt qua được tầm mức đầu tiên, sẽ xuất hịên có những quyền lợi khác nhau giữa các nước BRICS. Bra-xin và Trung Quốc có lập trường khác nhau về giá trị của đồng NDT. Bra-xin không hài lòng với chính sách định giá thấp của Trung Quốc”. Sự trỗi dậy của BRICS chủ yếu mang tính kinh tế. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi làm thế nào các nước BRICS gia tăng “sức mạnh mềm”, Giáo sư Giô-xép-nai nhận định: “Vài nước trong đó cũng đã có sức mạnh mềm” và muốn tăng cường nó. Sức mạnh mềm của Bra-xin đến từ văn hóa và thành công. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố, nước này cần tăng cường sức mạnh mềm và Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD cho mục đích đó.

Về khả năng BRICS lấp đầy khoảng trống mà khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để lại, Giáo sư Giô-xép Nai cho rằng, bất kỳ điều gì xảy ra với đồng Ơ-rô, các nước BRICS chỉ có thể gia tăng ảnh hưởng trong một chừng mực nào đó. Ông nói: “Nếu đồng Ơ-rô sụp đổ, hiệu ứng đầu tiên của nó có lẽ là làm cho đồng USD mạnh lên, chứ không phải Nhân dân tệ (NDT) hay bất kỳ đồng tiền nào khác. Các nhà đầu tư sẽ đi tìm “vùng đất” an toàn, sẽ quay sang đồng USD chứ không dùng đồng tiền của các nước đang lên trong nhóm BRICS”.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực