(ĐCSVN) - Ngày 26/01/2012, phát biểu trên Đài phát thanh “Tiếng vọng Moscow”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố rằng: Do Mỹ vẫn xúc tiến kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới nên Moscow sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ đơn phương nào trong lĩnh vực này. Vì vậy, cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn “chưa có lời giải”.
|
Kế hoạch xây dựng NMD của Mỹ tại châu Âu từ lâu đã trở thành một chủ đề gai góc trong mối quan hệ giữa Moscow và Washington (Ảnh: IT) |
Về pháp lý và kỹ thuật
Giới nghiên cứu cho rằng, tuyên bố của Washington về NMD ở châu Âu không nhằm chống lại Nga là không thuyết phục, khi phía sau họ không có bất kỳ sự bảo đảm pháp lý nào. Khi phân tích các thông số cụ thể như: Đặc tính kỹ thuật của tên lửa đánh chặn (tốc độ, tầm hoạt động…); số lượng và vị trí địa lý để triển khai chúng; hệ thống radar được định hướng…cũng cho thấy điều đó.
Mỹ thừa nhận rằng, sau năm 2018, NMD của châu Âu mới có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo với bán kính lớn và khoảng năm 2020, các thành phần sẽ được hoàn thiện để có thể sử dụng chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Sau năm 2020, giai đoạn thứ 4 của chương trình mới tập trung vào tên lửa đánh chặn siêu tốc SM3 Block IIB, được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo với tầm bắn trung bình và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Điều đó càng khó khăn hơn khi thuyết phục Nga rằng, NMD châu Âu không nhằm chống lại Nga.
Mặt khác, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng, các hành động của họ không phải dựa trên đánh giá các mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của Mỹ, mà dựa vào đánh giá khả năng các quốc gia khác sẽ mang các mối đe dọa đến cho Mỹ.
Trong khi Nga là nước duy nhất sở hữu tiềm năng hạt nhân có khả năng để tiêu diệt các mục tiêu của Mỹ. Vì thế, sẽ không có cơ sở để tin rằng, việc xây dựng hệ thống NMD châu Âu cực kỳ tốn kém này lại không tính đến khả năng vô hiệu hóa tên lửa chiến lược của Nga.
Ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 02/02/2012, NATO tuyên bố sẽ đặt Trung tâm chỉ huy hệ thống NMD châu Âu tại Ramstein, một căn cứ của NATO ở Đức, cùng với những động thái của Mỹ tại Biển Đen trước đó cho thấy, Mỹ đã bắt đầu triển khai Giai đoạn một của chương trình “Tiếp cận thích ứng từng giai đoạn”. Động thái này của Mỹ nhằm buộc Nga phải giảm bớt lực lượng phía trước, tăng cường cho Hạm đội Biển Đen, tạo điều kiện cho Mỹ và NATO thực hiện “Mô hình Libya” tại Syria.
Thực chất của việc Mỹ triển khai hệ thống NMD tại châu Âu là nhằm chống lại Nga, chứ không phải chỉ chống Iran như Mỹ tuyên truyền.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga còn cho rằng, việc Lầu Năm góc bố trí một bộ phận của NMD gần biên giới Nga là nhằm vào lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này và sẽ phá vỡ tương quan lực lượng trên thế giới.
Khó tìm tiếng nói chung
Ông Sergey Ryabkov nhấn mạnh rằng: “Nếu kế hoạch của Mỹ được thực hiện, thì NMD châu Âu chỉ có thể đe dọa tên lửa Nga hiện nay vào năm 2020. Những gì Mỹ đang thiết lập chỉ có thể đánh chặn tên lửa chiến lược của chúng tôi trong 8 năm nữa, nhưng khi Nga nâng cấp vũ khí của mình thì lớp bảo vệ đó cũng khó mà chặn nổi”.
Ngày 29/11/2011, Nga đã kích hoạt Hệ thống cảnh báo tên lửa nhằm đáp trả việc Mỹ và châu Âu đã thông qua kế hoạch triển khai 24 tên lửa bắn chặn tại Romania cũng như kế hoạch lắp đặt hệ thống radar cực kỳ phức tạp tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan, mà không tính đến những phản ứng của Nga.
Cho đến nay, qua nhiều cuộc đàm phán, NATO - Nga chưa đạt được thỏa thuận nào về hệ thống NMD châu Âu, nhưng cũng nhất trí sẽ tiếp tục tìm kiếm thỏa hiệp về vấn đề này trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO tại Chicago (Mỹ) vào tháng 5/2012.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Nga không chấp nhận việc hệ thống phòng của NATO bao trùm một phần lãnh thổ của Nga. Bên cạnh đó, Nga và NATO còn bất đồng về vấn đề Gruzia gia nhập NATO và việc NATO lạm dụng nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tại Libya.
Ngày 27/12/2011, Nga đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa RS-18 mang theo một đầu đạn mới được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết: RS-18, phương Tây gọi là Stileto, được phóng từ sân bay vũ trụ Baiknonur của Kazakhstan đã bắn trúng mục tiêu trên bán đảo Kamchatka ở Thái Bình Dương.
Theo RIA Novosti, RS-18, được Bộ Quốc phòng Nga kéo dài thời gian sử dụng, hiện mang theo một đầu đạn mới được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây trong bối cảnh căng thẳng ngày một gia tăng về các kế hoạch triển khai một lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu.
Tên lửa RS-18 được trang bị phần đầu có thể chia tách với 6 đầu đạn, có tầm bắn tối đa 10.000 km. Theo con số được công bố, hiện lực lượng tên lửa chiến lược Nga được trang bị gần 160 tên lửa RS-18.
Ngày 18/1/2012, phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết năm 2011, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow hy vọng Washington sẽ lắng nghe và tính đến những lo ngại chính đáng của Nga liên quan đến vấn đề phòng thủ tên lửa.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, kế hoạch của Mỹ về bố trí hệ thống phòng NMD là một trong những vấn đề tồn tại chính đối với quan hệ Nga - Mỹ hiện nay. Cuộc đàm phán về NMD đã đi vào ngõ cụt, do Mỹ từ chối đưa ra bảo đảm pháp lý rằng, NMD không nhằm vào lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Moscow cũng hy vọng, cuộc bầu cử tổng thống mới tại Mỹ vào tháng 11 năm nay sẽ có lợi cho những nỗ lực chung nhằm tìm kiếm giải pháp thống nhất đối với các thách thức hiện nay.
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: Mỹ hiện có hai trung tâm NMD ở Alaska và California, còn Nga có một trung tâm tương tự ở Moscow. Việc Mỹ muốn có trung tâm NMD thứ ba tại châu Âu nhằm tạo ra hệ thống NMD toàn cầu, sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng đã định hình trên thế giới.
Trước đó, Ngoại trưởng Lavrov cũng từng lên tiếng cảnh báo rằng, Nga sẽ thực thi các biện pháp đáp trả nếu hệ thống rađa và tên lửa đánh chặn của Mỹ được bố trí xung quanh biên giới LB Nga.
Ông Ryabkov còn khẳng định rằng: Chỉ khi các bên có ý chí chính trị mới có được sự nhân nhượng trên cơ sở tính đến lợi ích của nhau. Trong bối cảnh này, khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao NATO - Nga tại Chicago (Mỹ) vào tháng 5 tới sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ và NATO.
Ông Ryabkov cho biết, hiện Nga, Mỹ và NATO đang xúc tiến đàm phán về vấn đề NMD châu Âu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đã đi vào ngõ cụt do Washington không đưa ra bằng chứng bảo đảm rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa mà nước này triển khai không nhằm vào các lực lượng quân sự chiến lược của Nga.
Vì thế, lời giải cho đàm phán Nga - Mỹ về hệ thống NMD châu Âu vẫn còn đang ở phía trước ./.