(ĐCSVN) - Đông Nam Á là khu vực có nhiều tuyến đường biển và eo biển quan trọng, trong đó có Eo biển Malacca - một trong những đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, với hơn 60.000 tàu buôn trung chuyển mỗi năm, nhiều cảng biển sôi động nhất thế giới; các tàu thủy, tàu đánh cá, tàu chở khách và tàu du lịch cũng thường xuyên đi qua các vùng biển này. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó, vấn đề an ninh hàng hải được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nạn cướp biển gia tăng
Mối đe dọa đầu tiên đối với an ninh hàng hải Đông Nam Á là nạn cướp biển. Từ cuối những năm 1980, Đông Nam Á đã trở thành một trong những điểm nóng về cướp biển trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Trung tâm chia sẻ thông tin theo Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP), từ tháng 1 đến tháng 9/2011, đã có 99 vụ cướp biển trong khu vực Đông Nam Á so với tổng số 121 vụ ở châu Á.
|
Vấn đề an ninh hàng hải được các quốc gia Đông Nam Á hết sức quan tâm (Ảnh minh họa: IT) |
Trong số 99 vụ được báo cáo, có 87 vụ được thực hiện và 12 vụ bị ngăn chặn. Số liệu trong cùng kỳ năm 2010 là tổng số 93, thực hiện 74, bị ngăn chặn 19. Trong khi đó, tổng số vụ cướp biển trong cùng kỳ năm 2007, 2008, 2009 lần lượt là 57, 51 và 53. Những vụ tấn công này thường nhằm vào cướp bóc tài sản có giá trị và trả lại tàu cho nạn nhân, chủ yếu thực hiện đối với các tàu kéo xà lan. Tuy nhiên, các tàu đại dương cỡ lớn cũng là mục tiêu của các vụ cướp biển như: Vào 7/4/2010, tàu MV Therasa Libra trọng tải 17.000 tấn đã bị cướp khi đang chạy và tàu MV Star Ypsilon bị cướp vào ngày 9/4/2010. Không chỉ cướp bóc, cướp biển còn giết người và giam giữ tàu hàng để đòi tiền chuộc; chỉ riêng trong năm 2011, đã có 17 người bị giết và nhiều thủy thủ và ngư dân trên tàu đã bị đánh đập dã man.
Gần đây, vẫn có một số mối quan ngại rằng, các cuộc tấn công của cướp biển đang ngày càng gia tăng ở khu vực phía nam của Biển Đông, xung quanh quần đảo Riau, nơi mà các tàu thuyền thường thả neo để chờ nhập cảng Xinh-ga-po, xung quanh đảo Mangkai và Đảo Anambas.
Các nhóm ly khai và khủng bố cũng trực tiếp hoặc gián tiếp đe dọa an ninh hàng hải tại Đông Nam Á. Các vụ xung đột vũ trang như tại vùng Nam Thái Lan hiện nay cản trở sự phát triển kinh tế, từ đó có thể làm gia tăng tỷ lệ phạm tội và làm tăng các vụ cướp biển. Mối đe dọa tội phạm và khủng bố càng trở nên lớn đến mức các công ty bảo hiểm quốc tế phải liệt Eo biển Malacca vào danh sách các khu vực nguy hiểm.
Các yếu tố nổi cộm
Sự yếu kém trong quản lý của các quốc gia ven biển thể hiện ở các mặt như: Sự yếu kém của tuần tra cảnh sát, quản lý nhà nước và sự thiếu thốn trang thiết bị quản lý cần thiết. Tất cả những điều này làm suy yếu khả năng của các chính phủ trong việc kiểm soát các vụ việc ngoài khơi xa. Trong lịch sử, các chính phủ, vốn không thể quản lý hữu hiệu đối với các khu vực thành thị và nông thôn ngoài thủ đô, càng không có khả năng kiểm soát các vụ việc ngoài biển, dẫn đến tình trạng khu vực biển trở thành nơi không chịu quản lý, các hoạt động tội phạm diễn ra ngang nhiên.
Điều kiện kinh tế - xã hội nghèo đói thường là nguyên nhân và cũng là hậu quả của sự quản lý yếu kém của chính phủ. Người dân ở các vùng ven biển, do đối mặt với những khó khăn về kinh tế, đã dựa vào các hoạt động tội phạm trên biển để gia tăng thu nhập. Những ngư dân, vốn phải đối mặt với tương lai kinh tế tối tăm, có tàu thuyền và kỹ năng hàng hải cần thiết đã tham gia vào các hoạt động cướp biển.
Các yếu tố về công nghệ và địa lý cũng làm gia tăng cơ hội cho hoạt động cướp biển trong những năm gần đây. Các phần tử tội phạm trên biển ngày nay - đặc biệt là thành viên của các nhóm tội phạm có tổ chức - dễ dàng có thể mua được các tàu có tốc độ cao, thiết bị định vị vệ tinh, điện thoại di động và Internet, cũng như mua vũ khí tự động và vũ khí hạng nặng, đặc biệt là sau vụ khủng bố 11/9 khi vũ khí hủy diệt hàng loạt của các tổ chức khủng bố có thể được vận chuyển bất hợp pháp bằng đường biển qua khu vực này. Đồng thời, các điều kiện về địa lý như: các tuyến đường thủy hẹp, các đảo và các cửa sông nhỏ là điều kiện lý tưởng cho cướp biển lợi dụng hoạt động.
Cần có các giải pháp hữu hiệu
Tăng cường phối hợp giữa các quốc gia trong khu vực:
Do đặc điểm địa lý, nhiều vấn đề an ninh tại Đông Nam Á đã trở thành những vấn nạn xuyên quốc gia, với các nhóm tội phạm, ly khai và khủng bố di chuyển và hoạt động vượt ra ngoài ranh giới giữa các nước. Sự hợp tác giữa các chính phủ và cơ quan hành pháp tại Đông Nam Á để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển có vai trò cực kỳ quan trọng.
Các hiệp định song phương và đa phương nhằm tăng cường an ninh hàng hải đã được thảo luận và triển khai tại Đông Nam Á từ năm 1992. Tháng 10/2003, ASEAN cam kết tăng cường hợp tác nhằm xây dựng một "cộng đồng an ninh" đấu tranh với cướp biển, khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác trong khu vực. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các hiệp định đa phương đã được triển khai, trong đó có Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào các tàu tại Châu Á (ReCAAP). Đây là sáng kiến của Nhật Bản nhằm thành lập một trung tâm chia sẻ thông tin liên quan đến cướp biển, tăng cường hợp tác giữa quốc gia gồm: các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh, Ấn Độ và Sri Lanka. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 13 quốc gia ký thông qua hiệp định này.
Một loạt các hiệp định song phương đã được ký kết giữa Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a nhằm tiến hành tập trận chung trên biển và phối hợp tuần tra hàng hải tại eo Malacca. Mặc dù đã có được những thành công ban đầu nhưng việc tuần tra trên biển và trên không chỉ giảm được phần nào các hoạt động tội phạm tại Malacca.
Tận dụng sự hỗ trợ của các quốc gia ngoài khu vực:
Các nước ngoài như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ cũng bày tỏ mối quan tâm tham gia đảm bảo an ninh cho eo Malacca và các tuyến đường biển quan trọng khác trong khu vực. Các nước ASEAN cũng đã cho ra đời diễn đàn khu vực (ARF) bàn về an ninh, đến nay, đã quy tụ sự tham gia của 27 nước, trong đó có cả Mỹ, Nga, Trung Quốc…
Các nước ngoài Đông Nam Á có thể chia sẻ ý tưởng và xây dựng hiểu biết thông qua các diễn đàn đa phương như: (1) Hội nghị an ninh châu Á Shangri-La hàng năm tại Xinh-ga-po đã được Bộ trưởng quốc phòng của nhiều nước tham dự đã thể hiện vai trò trong việc giúp các nước chia sẻ quan điểm và xây dựng lòng tin. (2) Các nước này có thể hỗ trợ cho các sáng kiến nội bộ của khu vực. Sự hỗ trợ dành cho các sáng kiến sẵn có như ReCAAP có thể cải thiện tình hình an ninh cho khu vực. (3) Các cường quốc bên ngoài khu vực có thể hỗ trợ thông qua các tổ chức quốc tế. Các khuôn khổ quốc tế mới được thành lập thông qua Liên hợp quốc và Tổ chức Hàng hải Quốc tế sẽ là cách thức hiệu quả nhất để thực thi những thông lệ mới tại khu vực.
Xóa nguồn gốc của tội phạm:
Một trong những căn nguyên của tội phạm trên biển là điều kiện kinh tế - xã hội nghèo đói ở khu vực ven biển, đặc biệt ở những cộng đồng duyên hải như: Sumatra, đảo Riau và miền Nam Phi-li-pin. Những thành tựu kinh tế của In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin chỉ mới dừng lại ở cấp độ vĩ mô chứ chưa tới được cấp độ vi mô, đặc biệt là chưa mang lại hiệu quả đối với các làng chài vùng duyên hải. Phải mất hàng thập kỷ nữa để có thể giải quyết triệt để tình trạng nghèo đói ở các làng chài ở In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin. Tuy vậy, những dự án giảm nghèo được thực hiện ở các cộng đồng ven biển cũng có thể giúp giảm bớt vấn đề cướp biển và tội phạm trên biển.
Phát triển kinh tế là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để giải quyết vấn đề tội phạm trên biển ở Đông Nam Á. Một điều kiện khác là phải cải thiện khả năng quản lý nhà nước, đặc biệt đối với lực lượng vũ trang và các cơ quan hành pháp của In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin.
Giải quyết tranh chấp ở Đông Nam Á cũng sẽ mang lại tác động quan trọng đối với tình hình tội phạm trên biển. Các nước liên quan đến xung đột đã tiến hành ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, và đang hướng tới ký kết một bộ Quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC). Thực tế cho thấy, chỉ giải quyết bằng hòa bình các tranh chấp mới đảm bảo được một môi trường ổn định để cùng phát triển.
Như vậy, với vị thế địa chiến lược quan trọng, việc đảm bảo an ninh hàng hải tại Đông Nam Á ngày càng trở nên bức thiết nhằm bảo vệ lợi ích phát triển của các quốc gia trong và ngoài khu vực. An ninh hàng hải ở Đông Nam Á mà điểm nổi bật là Biển Đông là một bộ phận quan trọng trong an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xử lý tốt các vấn đề an ninh hàng hải sẽ góp phần then chốt vào việc đảm bảo một trường an ninh khu vực hòa bình ổn định và phát triển thịnh vượng.
Tăng cường hoạt động có hiệu quả của các lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam có vai trò rất quan trọng góp phần bảo đảm an ninh hàng hải khu vực Đông Nam Á ./.