(ĐCSVN) - Ngày 12/5, lễ kích hoạt lá chắn tên lửa châu Âu trị giá 800 triệu USD đã diễn ra tại căn cứ không quân cũ ở Deveselu (Romania) với sự tham gia của các quan chức Mỹ và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Giới chức Mỹ cho hay, hệ thống Aegis là lá chắn trên mặt đất để bảo vệ NATO khỏi các tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ Trung Đông. Ngay sau đó, giới chức quân sự Nga đã phản ứng quyết liệt, còn các nhà nghiên cứu và dư luận quốc tế lại có những ý kiến rất khác nhau.
Các tên lửa đánh chặn SM-2 đặt tại Ru-ma-ni, nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.
Ảnh: AFP.
Có hay không nhằm vào Nga?
Hệ thống NMD châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời Chiến tranh Lạnh với mục tiêu chính là nhằm chống Liên Xô. Ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại để phát triển dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush với mục tiêu được giải thích là để chống lại khả năng bị tấn công từ Iran và sau này đối với cả Triều Tiên.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía Nga. Moscow cho rằng, kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống “lá chắn tên lửa” ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước này.
Moscow cho rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania là vi phạm Hiệp ước thủ tiêu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được hai nước ký cách đây gần 30 năm.
Nga cũng tuyên bố việc Mỹ và NATO thực thi kế hoạch trên sẽ làm suy yếu an ninh của Nga và buộc Moscow phải áp dụng các biện pháp đáp trả để ngăn chặn mối đe dọa này.
Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga mới đây đã tuyên bố, quân đội Nga đang phát triển các tên lửa đạn đạo (ICBM) cực mạnh có khả năng “xuyên thủng” bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào mạnh nhất của Mỹ hiện nay.
Ghi điểm cho đảng Dân chủ
Trước đó, ngày 16/3/2013, chính phủ Mỹ cũng tuyên bố loại bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và có thể cả ở cả Romania trong 10 năm tới, với lý do là ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông Chuck Hagel vẫn khẳng định, các kế hoạch NMD châu Âu vẫn tiếp tục được thúc đẩy và cam kết của Mỹ đối với phòng thủ châu Âu “vẫn vững như bàn thạch”.
Được biết, Mỹ hiện nay đã có sẵn 30 giàn phóng tên lửa đạn đạo đánh chặn mặt đất đặt ở bờ biển bang California và bang Alaska tại bờ Tây. Trong đó có 26 thiết bị lắp đặt ở Fort Greely và 4 thiết bị ở căn cứ không quân Vandenberg.
Mỹ đã triển khai 550 đầu đạn trên 450 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trong vụ phóng thử hồi tháng 5-2008, tên lửa Minuteman III của Mỹ đã đạt tầm bắn 9.720 km.
Mỹ hiện có 2.700 đầu đạn hạt nhân tác chiến, bao gồm 2.200 đầu đạn chiến lược và 500 đầu đạn phi chiến lược. Ngoài ra, Mỹ còn có khoảng 2.500 đầu đạn hạt nhân dự trữ. Tổng số đầu đạn hạt nhân Mỹ sở hữu hiện nay đã lên tới khoảng 5.200.
Vì thế, giới phân tích cho rằng, động thái kích hoạt hệ thống Aegis vào thời điểm hiện nay còn xuất phát từ nhu cầu “dẫn điểm” cho đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang cận kề. Bởi vì yếu huyệt của đảng Dân chủ mà đảng Cộng hòa thường nhắm tới đó là việc ông Obama đã không đủ cứng rắn trong quan hệ với Nga, nhất là vấn đề Crimea.
Và kiên trì chiến lược Đông tiến...
Để giải thích cho động thái chiến lược, ngày 12/5, giới chức quốc phòng Mỹ và NATO đều cho rằng, đó là vũ khí chỉ để phòng thủ, nhằm đánh chặn tên lửa tầm gần và tầm trung đến từ Iran và Triều Tiên và nhấn mạnh không nhằm vào Nga.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank Rose giải thích: “Cả Mỹ và NATO đã nêu rõ rằng, hệ thống này không được thiết kế nhằm mục đích hay có khả năng làm tổn hại khả năng răn đe chiến lược của Nga”. Tuy nhiên, giới nghiên cứu lại có cách nhìn khác và cho rằng: Trong chiến lược quân sự mới của Mỹ tại châu Âu, Washington đã nhấn mạnh mối đe dọa đầu tiên bắt nguồn từ Nga vì “hành động quân sự ngày càng tăng của Moscow”.
Nghị sĩ Emelyanov của Nga đã chỉ ra rằng, “việc văn kiện có những ngôn từ như kiềm chế hành động xâm lược của Nga thực chất là sự mở rộng gây hấn của NATO về phía Đông. Hãy nhìn xem, trong 25 năm qua, từ biên giới nước Đức, NATO đã tiến sát tới các tỉnh Rostov, Belgorod và Voronezh của Nga. Đây mới là sự xâm lược thực tế”.
Trong 6 ưu tiên của Mỹ tại châu Âu thời gian 3-5 năm tới, trong đó có “ngăn chặn các hành động can thiệp quân sự của Nga tại châu Âu, vì các hành động can thiệp quân sự của Nga đối với một số quốc gia láng giềng đã vi phạm nhiều Hiệp ước an ninh và luật pháp quốc tế”.
Trong “Chiến lược An ninh quốc gia 2015”, Mỹ cũng xác định Nga là đối thủ cần phải ngăn chặn và làm suy yếu, trong đó có giải pháp “tăng cường sự hiện của lực lượng Mỹ và NATO gần biên giới Nga” và hoàn thiện NMD toàn cầu.
Trên thực tế, Mỹ đã điều thêm 3 máy bay ném bom chiến lược B-52 và hơn 200 lính phòng không tới Na Uy để tham gia cuộc tập trận “Cold Response” (Phản ứng lạnh) của NATO (27/2). Với tư duy, “chia sẻ trách nhiệm, hạn chế rủi ro,” Mỹ đã tuyên bố sẽ tăng gấp hơn 4 lần từ 689 triệu USD trong năm tài khoá 2016 lên tới 3,4 tỷ USD trong năm tài khoá 2017 cho châu Âu.
Ông Mikhail Ulyanov, người đứng đầu bộ phận chuyên trách về chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga nói: “Quyết định này có hại và sai lầm vì nó có khả năng đe dọa sự ổn định chiến lược”. “Tổng thống Putin cũng nhiều lần yêu cầu làm rõ hệ thống đó nhằm chống lại ai và sẽ chống lại ai”.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, việc cho kích hoạt hệ thống Aegis, là thể hiện quan điểm kiên trì chiến lược Đông tiến của Mỹ và NATO, mặc dù quan hệ Nga–Mỹ, Nga-NATO đã có những dấu hiệu được cải thiện như: Hợp tác trong vấn đề Syria, Iran, Ukraine, nhất là chống khủng bố IS.
Tuy nhiên, vì lợi ích thiết thân của đảng Dân chủ nên ông Obama đã ra lệnh cho Bộ quốc phòng Mỹ kích hoạt hệ thống Aegis vào thời điểm chuẩn bị cho cuộc đua nước rút giữa hai ứng viên Tổng thống./.