Vì sao LHQ không đồng thuận về vấn đề Syria?

Thứ năm, 23/02/2012 17:55

Dư luận quốc tế đang lo ngại về sự suy giảm vị thế của Hội đồng Bảo an LHQ đối với việc bảo đảm an ninh khu vực.

Cho đến nay Nga và Trung Quốc là hai nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ đã phủ quyết các nghị quyết của LHQ về Syria gồm: Nghị quyết cảnh báo sẽ hành động nếu lãnh đạo Syria không chấm dứt các cuộc trấn áp với những người biểu tình (15/10/2011); Nghị quyết lên án tình hình bạo lực tại Syria (4/2/2012); Nghị quyết lên án tình trạng đàn áp tại Syria, ủng hộ các nỗ lực của Liên đoàn Arab (AL) nhằm đảm bảo một sự chuyển giao dân chủ tại Damascus (17/2/2012).

Các nước phương Tây đã phê phán việc Nga và Trung Quốc phủ quyết các nghị quyết nói trên. Còn Nga và Trung Quốc thì cho rằng, các nghị quyết này không phản ánh đúng sự thật và không công bằng. Vì thế, dư luận quốc tế quan ngại về sự chia rẽ trong tổ chức lớn nhất hành tinh, đối với bảo đảm an ninh khu vực.

Hội đồng Bảo an đang chia rẽ về vấn đề Syria
(Ảnh: Tân Hoa xã)

Thiếu sự thật và không công bằng

Theo thống kê của LHQ, cho đến nay khoảng hơn 6.000 người đã thiệt mạng trong vòng 11 tháng qua tại Syria. Tuy nhiên, việc tìm ra ai là thủ phạm là điều không dễ. Mỹ và phương Tây thì một mực đổ trách nhiệm cho chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Nga và Trung Quốc thì cho rằng phe đối lập cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng với tội ác mà họ gây ra khi núp dưới chiêu bài phong trào phản kháng của người dân.

Nghị quyết ngày 17/2/2012 có nội dung tương tự bản dự thảo đã bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 4/2/2012, trong đó “lên án tình trạng đàn áp tại Syria, ủng hộ các nỗ lực của AL nhằm đảm bảo một sự chuyển giao dân chủ tại Damascus...”. Nghị quyết cũng kêu gọi các cơ quan hữu quan của LHQ hỗ trợ AL nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó có việc chỉ định một đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria.

Đặc phái viên Nga tại LHQ ông Churkin nói: “Dự thảo nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu lần này không phản ánh đầy đủ tình trạng thực các vấn đề ở Syria và đã phát đi tín hiệu không cân xứng tới các bên ở Syria”.

Theo ông Churkin, dự thảo nghị quyết do phương Tây bảo trợ chỉ tập trung lên án chính phủ Syria, còn phe đối lập không được đề cập tới. Hàng loạt yêu cầu đã được đưa ra với nhà cầm quyền, trong khi không có đòi hỏi nào tới phe đối lập.

Moscow và Bắc Kinh đang lo ngại sự lặp lại một “kịch bản” Libya - nơi quân đội NATO được sự hỗ trợ của LHQ và phe đối lập có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an đã lật đổ chế độ của ông Muammar Gaddafi, nhưng đến nay tình hình ổn định vẫn không được vãn hồi.

Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari đã phủ nhận những thông tin cho rằng chính phủ gây ra các vụ bạo lực đẫm máu này, đồng thời cáo buộc giới truyền thông quốc tế đưa thông tin sai sự thật về tình hình Syria.

Ông đồng thời kêu gọi đưa ra một nghị quyết khách quan của LHQ, theo đó có thể “thực sự giúp” chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Syria. Ông Jaafari nhấn mạnh: “Một người hiểu biết sẽ không tin rằng chính phủ Syria có thể tiến hành một vụ thảm sát trong một ngày mà Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp để thảo luận về tình hình tại đây. Liệu có một chính phủ nào lại muốn đặt mình vào hoàn cảnh như vậy?”.

Sự phản ứng có dụng ý

Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cáo buộc Trung Quốc và Nga phá hoại những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt bạo lực tại Syria.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một thông báo rằng ông Assad “không có quyền lãnh đạo Syria và đã mất đi mọi tính hợp pháp với người dân và cộng đồng quốc tế”. Tổng thống Mỹ gọi đây là “cuộc tấn công ghê tởm chống lại người dân ở Homs”.

Các nước phương Tây cho rằng, việc Hội đồng Bảo an LHQ không thông qua một nghị quyết về Syria là “điều đáng tiếc”, trong khi Nga vẫn khẳng định thay đổi cơ chế chính trị hiện nay tại Syria không phải là một lựa chọn thông minh.

Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud cho biết: “Thật đáng buồn và lo ngại khi có 2 phiếu phủ quyết về dự thảo nghị quyết về Syria. Dự thảo này được sự ủng hộ hầu hết các thành viên khác trong HĐBA. Đây là một ngày buồn cho HĐBA, người dân Syria cũng như cho tất cả những người ủng hộ dân chủ”.

Tại Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói trong một tuyên bố rằng ông “cực lực lên án” việc phủ quyết.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Nghị quyết ngày 4/2 và 17/2 được thông qua với sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an LHQ thì nguy cơ tái diễn kịch bản Libya là khó tránh.

Vị thế LHQ liệu có bị suy giảm?

Nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ ngày 17/2 tuy được thông qua nhưng không có tính ràng buộc, chỉ mang tính hình thức, vì Nga và Trung Quốc là hai nước là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ đã phủ quyết, ngoài ra còn có các nước khác bỏ phiếu chống như: Cuba, Iran, Venezuela và CHDCND Triều Tiên.

Phản ứng ngay sau khi nghị quyết trên được thông qua, Đại sứ Syria tại LHQ, ông Bashar Ja'afari, tuyên bố, nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ chỉ khiến tình trạng bạo lực tại Trung Đông thêm gia tăng và khuyến khích các nhóm vũ trang hành động chống lại nhà nước và dân thường.

Trong khi đó, Đặc phái viên Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin cho biết, Nga bỏ phiếu chống vì nghị quyết này không đáp ứng được những tiêu chí cơ bản để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syra. Bản chất của vấn đề là tất cả các bên ở Syria phải cùng nhau chấm dứt mọi hành động bạo lực, và điều này chỉ có thể do chính người Syria giải quyết thông qua tiến trình chính trị.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Dân cũng một lần nữa nhắc lại rằng Trung Quốc phản đối mọi hành động can thiệp quân sự hoặc thay đổi chế độ tại Syria. Mọi động thái của cộng đồng quốc tế và của LHQ về vấn đề Syria phải góp phần làm giảm căng thẳng, tạo điều kiện cho đối thoại chính trị và giải quyết các bất đồng.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Lý Bảo Đông cũng nói: “Việc thúc đẩy tiến hành cuộc bỏ phiếu trong lúc các bên vẫn chia rẽ nghiêm trọng về vấn đề này sẽ không giúp duy trì được sự thống nhất và uy quyền của Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như không giúp giải quyết vấn đề này”.

Vì thế, sự lo ngại của dư luận quốc tế về sự suy giảm vị thế của Hội đồng Bảo an LHQ với việc bảo đảm an ninh khu vực là có cơ sở./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực