(ĐCSVN) - Từ đầu năm nay, truyền thông phương Tây, nhất là Mỹ rất quan tâm đến những thông tin về máy bay chiến đấu tàng hình Tiêm-20 (J-20), tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D (DF-21D) và tàu sân bay “Shi Lang” của Trung Quốc (TQ). Các chuyên gia quân sự cho rằng, phát triển vũ khí hiện đại mới và sự gia tăng nhanh chóng về thực lực quân sự của TQ đã khiến Mỹ thực sự lo ngại.
|
Máy bay chiến đấu J20 của Trung Quốc (Ảnh: wareye.com) |
J-20 và DF-21D - khắc tinh của tàu sân bay Mỹ
Tư lệnh Không quân TQ Hà Vi Vinh đã tuyên bố, loạt máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của TQ chuẩn bị bước vào giai đoạn bay thử và sẽ đưa vào sử dụng trong 8 đến 10 năm tới. Cuối tháng 12/2010, trên nhiều mạng thông tin quân sự của TQ xuất hiện các bức ảnh về một loại máy bay chiến đấu kiểu mới của TQ và được xác định là máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Bề ngoài, J-20 giống máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ, mục đích thiết kế là tránh radar và hệ thống giám sát khác. Kích thước khá lớn, bảo đảm tác chiến tầm xa và mang theo vũ khí hạng nặng.
Ngày 11/01/2011, tại Sân bay Thành Đô, TQ tiến hành bay thử nghiệm J-20 lần đầu, đến 13 giờ 11 phút cùng ngày hạ cánh thành công. Cả quá trình bay thử nghiệm lần đầu được thực hiện dưới sự bay cùng của máy bay huấn luyện chiến đấu Tiêm-10S (J-10S), thời gian bay khoảng 18 phút. Vài ngày sau, trong cuộc gặp BTQP Mỹ, Robert Gates (nay đã nghỉ hưu) sang thăm TQ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã xác nhận: lần đầu TQ đã tiến hành bay thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Bình luận viên của Đài Truyền hình Trung ương TQ, Diệp Hải Lâm khẳng định, hiện máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư (J-20) và bất cứ trang bị quân sự hiện đại nào cũng đều không phải là thứ hàng xa xỉ đối với TQ. Không chỉ J-20, TQ còn có cả tên lửa chống hạm được coi là “khắc tinh của tàu sân bay” DF-21D và tàu sân bay “Shi Lang” trong năm 2011 sẽ đưa vào sử dụng. Thời gian sớm hơn rất nhiều so với dự tính trước đây.
Tư lệnh Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ Admiral Robert Willard thừa nhận, TQ đã bắt đầu phát triển và bố trí tên lửa đạn đạo kiểu mới DF-21D, có khả năng đánh chìm tàu sân bay của Mỹ. Admiral Robert Willard nêu rõ, sau khi thử nghiệm liên tiếp, hiện DF-21D đã được bố trí ở khu vực ven biển phía Đông TQ và đã có được khả năng tác chiến ban đầu.
Quyền kiểm soát biển của Mỹ bị thách thức
Tờ “Nhật báo phố Uôn” nêu rõ, J-20 của TQ đã cho thấy sự phát triển vượt bậc về trang bị vũ khí và sức mạnh quân sự của TQ. Sự kiện này chứng tỏ địa vị bá chủ về nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đầu tàng hình của Mỹ đang bị thách thức. Hơn thế, hệ thống vũ khí của J-20 đã nâng cao năng lực của TQ ngăn chặn Mỹ can thiệp vào xung đột tại Eo biển Đài Loan, đồng thời cũng đưa ra thách thức đối với quyền kiểm soát trên biển của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Về tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, TQ bố trí tên lửa DF-21D ở khu vực ven biển phía Đông TQ sẽ đưa quan hệ Trung-Mỹ bước vào một cục diện mới, làm thay đổi mạnh mẽ thế cân bằng lực lượng quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Quan chức Lầu Năm Góc coi DF-21D là “kẻ thay đổi quy tắc trò chơi”, bởi vì DF-21D là sát thủ cực mạnh đối với tàu sân bay của Mỹ.
Tàu sân bay “Shi Lang” cũng sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2011, sớm hơn rất nhiều so với dự tính. Tờ “Tuần san thời đại” của Mỹ nêu rõ, sự quan tâm của Mỹ đối với sức mạnh quân sự của TQ đã chuyển từ “quan tâm đến bước đi hiện đại hóa quân sự” trước đây sang “quan tâm và lo ngại về thực lực quân sự”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates bày tỏ, kể từ khi ông nhậm chức (2007) đến nay, ông luôn dõi theo sự phát triển của tên lửa chống hạm của TQ. Thế nhưng, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của TQ thực sự khiến Chính phủ Mỹ kinh ngạc. Hiện nay, trên phương diện nghiên cứu chế tạo, TQ lại một lần nữa vượt qua những phán đoán trước đây của cơ quan tình báo Mỹ. Rõ ràng, Mỹ không thể biết được kỹ thuật tàng hình của TQ rốt cuộc đã đến mức độ nào.
Chủ nhiệm Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, Trung tướng David J. Dorsett thừa nhận: Mỹ có truyền thống đánh giá thấp hệ thống kỹ thuật vũ khí và năng lực chiến đấu ban đầu của TQ. Gần đây, có hai vụ phân tích sai lầm đó là: Phán đoán về J-20 và Đánh giá về tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D. Ngoài ra, những tiến bộ về kỹ thuật của TQ còn thể hiện ở phương diện động cơ và tên lửa tính năng cao. Những điều này đều cho thấy, kỹ thuật của TQ đã đạt đến giai đoạn mới tính năng cao thành thục, thậm chí có thể đã bố trí thực chiến.
Vẫn còn ý kiến khác nhau
Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt cho rằng, trình độ hiện đại hóa của quân đội TQ vẫn còn rất hạn chế, căn bản không thể gọi là quân đội hiện đại hóa. Ông thừa nhận giữa TQ và các nước phát triển, ít nhất cách nhau từ 20 đến 30 năm.
Tờ “Bưu điện Oasinhton” của Mỹ thì cho rằng, hiện nay, ngành quốc phòng của TQ chưa thể đáp ứng được nhu cầu của quân đội. TQ vẫn cần phải mua thêm vũ khí từ bên ngoài để bổ sung quân bị, tìm kiếm sự đồng hành với bước đi trỗi dậy.
Chủ biên nguyệt san “Bình luận Phòng vệ Hán Hòa” của Canada, Andrei Pinkov cho rằng, J-20 của TQ còn nhiều khiếm khuyết, trong đó lực đẩy của động cơ chưa đủ mạnh, không thể thực hiện bay với tốc độ siêu âm, mặt khác rada và kỹ thuật tàng hình của J-20 cũng chưa hoàn thiện. Do vậy, những tấm hình về J-20 chỉ là thể hiện “Chính sách răn đe mới của TQ” nhằm đáp lại ba tàu sân bay của Mỹ đã neo đậu ở phía Đông TQ. Máy bay J-20 và cả tàu sân bay “Shi Lang” của TQ ít nhất phải 5 năm sau mới trang bị được cho quân đội, do vậy phương Tây và Mỹ chưa cần phải quá lo ngại.
“Nhật báo phố Uôn”- Mỹ và Đài Truyền hình quốc tế - Pháp, cùng chung nhận định: TQ cố tình tiết lộ J-20 đã bước vào giai đoạn bay thử, mục đích là: Câu trả lời của TQ với Mỹ về minh bạch quân sự; TQ muốn tuyên bố với thế giới về tốc độ phát triển kỹ thuật quân sự nhanh hơn dự đoán của các chuyên gia Mỹ; đồng thời trấn an dư luận TQ trước việc Nga và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tàng hình.
Như vậy, sự phát triển vũ khí hiện đại, cũng như bước đi tăng cường thực lực quân sự của TQ đã nhanh hơn dự đoán của giới chuyên gia quân sự quốc tế. Đây là vấn đề mang tầm chiến lược sẽ có sự tác động đến việc quy hoạch chiến lược về mua sắm, phát triển trang bị vũ khí hiện đại của một số nước trên thế giới, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.