Vì sao Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn trụ vững?

Chủ nhật, 08/04/2012 21:59

Chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và rút hết quân vào thời hạn chót 10/4  được xem là hành động bảo vệ quyền lực của Tổng thống Syria.  

Tuần trước, ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã có phát biểu gây “sốc” trên kênh truyền hình CNN rằng, kẻ thù chính trị hàng đầu của Mỹ hiện nay là Nga. Ngay lập tức, Nhà Trắng đã phản bác lại rằng, lực lượng khủng bố Al Qaeda ở nước ngoài mới thực sự là kẻ thù số 1 của Mỹ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào chính sách đối ngoại kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 thì sẽ thấy được đối thủ lớn nhất của Mỹ chính là họ. Mất mát trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở Syria là một ví dụ điển hình.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chuyến thăm thành phố Homs (Ảnh: Reuters)

Có thể nói, các thỏa thuận hòa bình, đàm phán mà Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab, ông Kofi Annan đưa ra đã không thể buộc Tổng thống Bashar al-Assad rời bỏ quyền lực.

Trong các phát biểu trước các nhà ngoại giao thế giới, Tổng thống Syria Bashar al-Assad luôn bày tỏ quan điểm muốn người dân đất nước mình được sống trong hòa bình. Hành động chấp thuận kế hoạch hòa bình và rút hết quân khỏi các thành phố vào thời hạn chót ngày 10/4, được coi là để giữ vững quyền lực của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria.

Đồng ý đàm phán và nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn và rút quân của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là bước đi cần thiết trong tình hình cuộc khủng hoảng tại nước này ngày càng trầm trọng. Tổng thống Bashar al-Assad đã nhận thức rõ rằng, nếu không chấp nhận thỏa thuận trong tình hình căng thẳng tại Syria hiện nay thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với chính quyền và đất nước ông.

Giả thiết được đưa ra là nếu ông Bashar al-Assad không chấp nhận thỏa thuận do Đặc phái viên chung Kofi Annan đưa ra và không nhận được sự ủng hộ của một số nước thì chính quyền của ông sẽ vẫn có thể kiểm soát được Syria. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ ngày càng tồi tệ hơn, số lượng dân thường thiệt mạng sẽ ngày càng nhiều hơn. Đất nước Syria sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng của những cuộc tấn công quân sự và chiến tranh sẽ kéo dài bởi những cuộc chiến của lực lượng nổi dậy…

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm qua tại Syria đã cướp đi mạng sống của hơn 8.000 người dân và khoảng 2.000 cảnh sát. Vì vậy, lùi một bước để giữ vững quyền lực, tránh tổn thất nặng nề hơn cho đất nước và người dân là lý do chính khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và rút hết quân khỏi các thành phố lớn vào thời hạn chót là ngày 10/4.

Chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Syria

Trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, chúng ta phải nhắc đến vị trí của Mỹ. Dư luận đặt câu hỏi là tại sao Mỹ chưa dám đưa quân đến Syria vào thời điểm căng thẳng hiện nay và chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Syria là gì?

Nhìn lại sự kiện nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ, chúng ta thấy rằng, số vụ ném bom mà Mỹ thực hiện tại Libya chỉ bằng 1/10 so với lực lượng liên quân NATO tấn công.

Sau Libya, Syria đang trở thành tâm điểm chú ý của Mỹ ở Trung Đông với mong muốn Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, vấn đề này khi đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã liên tục vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc.

Trong khi Syria được Nga và Trung Quốc bênh vực thì Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lại kêu gọi Mỹ có biện pháp can thiệp vào Syria. Điều này đã khiến cho Tổng thống Mỹ Barak Obama phải lưỡng lự, đặt trên bàn cân. Nếu tấn công Syria thì lợi ích của Mỹ tại đây phải là rất lớn và không thể phủ nhận.

Một lý do khác khiến Mỹ không nhảy vào cuộc chiến ở Syria là vì hiện nay, tình trạng thất nghiệp ở Mỹ vẫn đang là vấn đề bức xúc, nợ công rất cao và nước này đang phải đối mặt với hậu quả của hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan rất tốn kém cũng như cú sốc về giá dầu. Tất cả những điều đó cho thấy, Mỹ chưa thể đưa quân đến Syria.

Tuy nhiên, Liên đoàn Arab, NATO, Liên Hợp Quốc và nhiều nước khác vẫn đang trông đợi vai trò của Mỹ đối với việc giải quyết khủng hoảng tại Syria. Để giải quyết vấn đề này, các nhà ngoại giao Mỹ đang cố gắng hết sức nhằm tránh cuộc chiến tại Syria có thể ảnh hưởng tới thế giới như cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực