Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây không chỉ là vụ phóng vệ tinh đơn thuần, mà là sự phô diễn sức mạnh về công nghệ tên lửa tầm xa.
Phản ứng trước việc Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa, Mỹ vừa đưa ra lời cảnh báo, nước này sẽ không trợ cấp lương thực, trong khi một số nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cũng đe dọa áp đặt các lệnh cấm vận.
Trung Quốc và Nga cũng đã bày tỏ sự lo ngại về việc Triều Tiên có kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa trong tháng 4 tới. Tuy nhiên, Triều Tiên lập luận rằng, hoạt động phóng vệ tinh là một phần của chương trình không gian hòa bình, nằm ngoài nghĩa vụ giải trừ vũ khí.
|
Triều Tiên phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy vào tháng 4/2009 (Ảnh:AFP) |
Vào thời điểm hiện tại, câu hỏi “Vì sao Triều Tiên chọn thời điểm phóng vệ tinh vào tháng 4 năm nay” được dư luận quốc tế quan tâm.
Đáp trả các cuộc diễn tập của Mỹ và Hàn Quốc
Bất chấp phản ứng của phía Triều Tiên, ngày 15/3, cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài 2 giờ, với sự tham gia của khoảng 100 binh sỹ Hàn Quốc và 200 binh sỹ Mỹ. Pháo tự hành K-55 và M-109 Paladin được sử dụng. Bên cạnh mục tiêu nâng cao khả năng phối hợp hoạt động giữa lực lượng quân sự Hàn-Mỹ, cuộc diễn tập nhằm kiểm tra thiết bị quân sự, trao đổi quan điểm quân sự giữa binh sỹ hai nước.
Theo giải thích của Mỹ và Hàn Quốc, đây là một phần trong cuộc tập trận thường niên “Đại bàng non” giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc, kéo dài từ 1/3 - 30/4, với 200.000 binh sỹ Hàn Quốc và 11.000 binh sỹ Mỹ sẽ tham gia.
Trước đó, từ 27/2 - 9/3, quân đội Hàn Quốc và Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính mang tên “Giải pháp then chốt”.
Hàn Quốc còn cho hay, cuộc tập trận sắp diễn ra vào 25/3 này sẽ có sự tham gia của các tàu chiến, máy bay chiến đấu và các đơn vị thủy quân lục chiến. Đây là hoạt động quân sự nhằm kỷ niệm hai năm ngày tàu chiến Cheonan của nước này bị ngư lôi đánh chìm, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
Cuộc diễn tập sẽ cho thấy “sự sẵn sàng trừng phạt của Hàn Quốc đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên”, một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết như vậy.
Thời gian gần đây, Triều Tiên cũng liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần vùng biển tranh chấp, cũng như tăng cường số lượng các tên lửa phòng không bảo vệ thủ đô.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế, việc phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa lần này vừa nằm trong chương trình nghiên cứu không gian và cũng là để đáp trả những hoạt động diễn tập của Mỹ và Hàn Quốc bất chấp sự phản ứng của Triều Tiên.
Củng cố vị thế của nhà lãnh đạo mới
Phát ngôn viên Ủy ban Công nghệ Không gian Triều Tiên cho hay, lần phóng vệ tinh của Triều Tiên có thể sẽ diễn ra vào ngày 12 - 16/4, từ một địa điểm ở bờ biển phía Tây Nam Triều Tiên. Triều Tiên khẳng định sẽ tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về phóng vệ tinh vì mục đích nghiên cứu khoa học và đã lựa chọn được quỹ đạo để tránh va chạm với các nước láng giềng.
Một người dân Bình Nhưỡng nói: “Sự kiện lớn này cho thấy sức mạnh của quốc gia chúng tôi. Chúng tôi có thể nói rằng Triều Tiên tự hào sánh ngang với những nước phát triển”.
Quyết định này của Bình Nhưỡng cũng được xem là một cách củng cố quyền lực của Đại tướng trẻ tuổi Kim Jong Un sau khi cha ông qua đời. Những ngày qua, truyền hình quốc gia Triều Tiên đã phát đi hình ảnh cho thấy, Đại tướng Kim Jong Un từng giám sát quá trình phóng tên lửa năm 2009.
Triều Tiên cho rằng, chương trình hạt nhân và tên lửa là cần thiết để tự bảo vệ trước sự đe dọa của Mỹ. Vì Mỹ có 28.000 binh sĩ đóng quân ở Hàn Quốc và rất nhiều binh sĩ cũng như tàu chiến hạt nhân trong khu vực. Các nhà khoa học dự đoán rằng, Triều Tiên sẽ nỗ lực phát triển một thiết bị đủ nhỏ để gắn vào tên lửa với tầm xa vươn tới Mỹ.
Triều Tiên hiện sở hữu một trong những lực lượng quân đội hùng hậu nhất thế giới. Nước này cũng sở hữu một chương trình hạt nhân khá mạnh và một kho tên lửa đáng kể, gồm những tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Được biết, tên lửa tầm trung của Triều Tiên có thể huỷ diệt những mục tiêu ở cách xa 3.000km. Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa tầm xa Taepodong-2 có tầm bắn ước tính lên tới hơn 6.000km.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn coi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Mỹ, Hàn Quốc và một số nước khác tố cáo công nghệ tên lửa của Triều Tiên được lợi dụng vào mục đích khiêu chiến và lên án đây là vụ thử nghiệm tên lửa quân sự trá hình và như vây là vi phạm lệnh cấm từ LHQ.
Kế hoạch phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng vừa công bố sẽ diễn ra sau đúng 3 năm kể từ vụ phóng thử hồi 2009. Người ta tiên đoán rằng, 3 năm với thời gian đủ để Triều Tiên có một bước tiến mới trong chế tạo tên lửa tầm xa và được cho là đe dọa cả nước Mỹ.
Phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế
Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên công bố kế hoạch, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thông báo Mỹ “lo ngại sâu sắc” về thỏa thuận đổi hạt nhân lấy lương thực đạt được cách đây hai tuần.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tin rằng, thông báo phóng vệ tinh của Triều Tiên là một động thái mang đầy tính khiêu khích. Bà Hillary kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế trong đó có các nghị quyết của HĐBA cấm nước này phóng tên lửa đạn đạo. Washington đe dọa sẽ ngừng ngay kế hoạch cấp viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng theo thỏa thuận mà hai nước vừa đạt được hồi tháng trước.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, việc phóng tên lửa/vệ tinh sẽ là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên”, là vi phạm nghị quyết của HĐBA - LHQ.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura kêu gọi, Triều Tiên hủy bỏ các kế hoạch phóng tên lửa, và nói rằng bất cứ cuộc phóng nào cũng là sự vi phạm các luật lệ quốc tế và gây nguy hại cho sự ổn định của khu vực.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc ông Lưu Vi Dân bày tỏ hy vọng “các bên liên quan thực hiện vai trò tích cực của mình để bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực”.
Từ Moscow, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết, tuyên bố về kế hoạch phóng tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên “gây lo ngại sâu sắc” và đề nghị Bình Nhưỡng cân nhắc lại.
Trong tuyên bố, Nga yêu cầu ban lãnh đạo Triều Tiên tránh đối đầu với cộng đồng quốc tế, thông qua việc kiềm chế các hành động làm tăng sự căng thẳng trong khu vực và gây trở lại cho việc nối lại cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Mark Lyall Grant, cũng tuyên bố việc phóng tên lửa mang theo vệ tinh là vi phạm lệnh cấm của LHQ.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã yêu cầu Triều Tiên xem xét lại quyết định này, sao cho phù hợp với cam kết gần đây về hạn chế các vụ phóng tên lửa tầm xa.
Như vậy, vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa sắp tới của Triều Tiên nếu được thực hiện chắc chắn sẽ gây ra một cơn sóng gió mới trong quan hệ giữa nước này với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, đây không chỉ là vụ phóng vệ tinh đơn thuần, mà là sự phô diễn sức mạnh của Bình Nhưỡng về công nghệ tên lửa tầm xa của nước này, đúng thời điểm khá nhạy cảm khiến một số nước lớn khó có thể có những phản ứng mạnh, trực tiếp gây nguy hại cho an ninh của Triều Tiên./.