(ĐCSVN) - Sau Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Công ước LHQ về Luật biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia. Đây cũng được xem là bản hiến pháp về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển và đại dương.
|
Hải quân Nhân dân Việt Nam vững vàng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. (Ảnh biengioilanhtho.gov.vn) |
Kể từ khi ra đời đến nay, LHQ đã tổ chức 3 hội nghị quốc tế lớn và quan trọng bàn thảo về các vấn đề xung quanh Luật Biển. Trong đó, Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ 1 được tổ chức tại Geneva (Thụy Sỹ) vào năm 1958, đã thông qua 4 Công ước, cụ thể là Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp, Công ước về Hải phận quốc tế, Công ước về Nghề cá và Bảo tồn tài nguyên sống ở hải phận quốc tế và Công ước về Thềm lục địa. Tiếp đó, Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ 2 cũng được tổ chức tại Geneva vào năm 1960, với mục đích thống nhất về chiều rộng của lãnh hải. Tuy nhiên, do lập trường của các nhóm nước khác nhau nên Hội nghị đã không đạt được mục tiêu đề ra.
Tới Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ 3, chủ yếu được tổ chức tại New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sỹ), với hai giai đoạn khác nhau: Giai đoạn trù bị (1967-1973) và giai đoạn chính thức (1973-1982), đã thông qua Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Đây được xem là sự kiện đánh dấu thành công của Hội nghị lần này. Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật biển 1982), tên tiếng Anh là United Nations Convention on the Law of the Sea (hay thường được gọi tắt là UNCLOS 1982) là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 (12 tháng kể từ ngày quốc gia Guyana - quốc gia thứ 60 phê chuẩn Công ước ngày 16/11/1993) và đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX và là điều ước quốc tế phổ cập với 164 quốc gia thành viên, tính đến thời điểm hiện nay.
Bản hiến pháp quốc tế về biển và đại dương
Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 được coi là hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương.
Công ước đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.
Thêm vào đó, Công ước cũng quy định thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến hoạt động ở biển và đại dương như: Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước.
Đặc biệt, liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, Công ước Luật Biển năm 1982 đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương LHQ, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi các quốc gia phải tham gia cả gói (package deal), có nghĩa là việc phê chuẩn hoặc tham gia Công ước đòi hỏi quốc gia phải có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.
Sau 30 năm kể từ khi ra đời, không thể phủ nhận tầm quan trọng và vị trí pháp lý của Công ước Luật Biển 1982 trong đời sống luật pháp quốc tế. Tại Hội nghị lần thứ 22 các quốc gia thành viên của Công ước tổ chức tại New York hồi tháng 6 vừa qua, một lần nữa, Công ước được khẳng định là thành tựu của nhân loại bởi những quy định của nó là kết quả của sự hợp tác - đấu tranh - xây dựng nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, quan điểm luật pháp… khác nhau; là sự thoả hiệp giữa các quốc gia vì một nhận thức chung đối với tầm quan trọng sống còn của biển và đại dương đối với sự phát triển của nhân loại.
Gần đây nhất, sáng 10/12/2012 (ngày 11/12 - theo giờ Việt Nam), tại Trụ sở chính của LHQ ở New York, trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung về Đề mục Luật Biển và Đại dương, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 67 đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày mở ký Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Phát biểu trước 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ tại Lễ kỷ niệm, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Công ước, đồng thời kêu gọi những nỗ lực toàn cầu vận động tất cả các nước cam kết với Công ước vốn được xem là bản hiến pháp của đại dương. Ông Ban Ki-moon cho biết, trong những năm qua, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước và được xem là nền tảng pháp lý vững chắc cho trật tự, ổn định, khả năng dự báo và an ninh các đại dương. Công ước chi phối tất cả các khía cạnh của không gian đại dương, bao gồm việc phân định ranh giới lãnh hải, các quy định về môi trường, nghiên cứu khoa học, thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan các vấn đề về lãnh hải.
Tổng Thư ký nêu rõ: “Giống như hiến pháp, UNCLOS là nền tảng cho sự ổn định, an ninh và thịnh vượng – là công cụ chung cho mọi quy định, luật lệ trên biển”. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh, UNCLOS "góp phần vào hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như việc sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý".
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Rodney Charles cho rằng, UNCLOS đã trở thành một nhân tố quan trọng của khung pháp lý quốc tế. Theo ông, vì thiếu một khung pháp lý toàn cầu nên đã dẫn tới mối đe dọa xung đột hàng hải cũng như việc khai thác vô nguyên tắc tài nguyên đại dương. Vì vậy, các nước thành viên phải thừa nhận sự phổ quát toàn cầu của Công ước này là nhiệm vụ cấp bách.
Thực tế đã cho thấy, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 đã, đang và sẽ là cơ sở, nền tảng pháp lý quốc tế quan trọng, vững chắc về biển và đại dương.
Việt Nam và thiện chí tôn trọng các công ước quốc tế
Việt Nam là một trong số 107 quốc gia tham gia ký Công ước LHQ về Luật Biển 1982 ngay trong ngày văn bản này được mở. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước ta đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 của Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển 1982, nước CHXHCN Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.
Những vấn đề cơ bản được đưa vào nội dung Công ước:
- Quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;
- Chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy đại dương - di sản chung của loài người;
- Việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật;
- Vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển;
- Vấn đề giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển;
- Quy chế hoạt động của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước v.v… |
Từ khi trở thành thành viên của Công ước, nước ta đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo Công ước. Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương và thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực. Tại các diễn đàn liên quan, Nhà nước ta luôn khẳng định, trong hoạt động sử dụng biển, các quốc gia phải tuân thủ đúng các quy định trong Công ước, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước…
Tham gia Công ước LHQ về Luật Biển 1982, Việt Nam, quốc gia ven biển, được quốc tế thừa nhận có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Năm 2012 cũng đánh dấu 18 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Việt Nam đã và đang là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực thi các quy định của Công ước, vì một trật tự pháp lý công bằng trên biển, nhằm bảo đảm hòa bình ổn định lâu dài và hướng tới phát triển bền vững.
Trong Lễ kỷ niệm 30 năm ngày mở ký Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 được tổ chức tại New York, Đại sứ Lê Hoài Trung - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã nhấn mạnh, là quốc gia ven biển với đường bờ biển dài trên 3.260km, Việt Nam luôn tôn trọng mục tiêu và tôn chỉ của Công ước; đã, đang và sẽ tích cực vận dụng các quy định của Công ước trong các vấn đề trên biển, đồng thời, kêu gọi các quốc gia cùng thực hiện đầy đủ UNCLOS để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Việt Nam đã cho lưu hành báo cáo về việc “Việt Nam thực thi UNCLOS với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Công ước”. Báo cáo khẳng định, từ trước khi UNCLOS ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế để xây dựng các văn bản pháp quy về biển. Năm 1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước.
Đặc biệt, ngày 21/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Lần đầu tiên, Luật Biển Việt Nam đã quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam theo đúng nội dung của Công ước. Luật Biển Việt Nam là cơ sở quan trọng cho việc thống nhất quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta./.