Vụ 11/9: Gần một thập kỷ, vẫn chưa hết giật mình...

Chủ nhật, 12/09/2010 09:43

(ĐCSVN) – Gần một thập kỷ đã trôi qua, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến vụ khủng bố 11/9, người ta vẫn không khỏi giật mình. Giật mình vì con số gần 3000 sinh mạng bị cướp đi. Giật mình tính chất táo bạo và liều lĩnh của những kẻ đã gây ra vụ việc. Và giật mình khi nghĩ đến hệ lụy của nó, một cuộc chiến mang tên “chống khủng bố” của cường quốc vốn được coi là hùng mạnh nhất thế giới cho đến nay vẫn chưa có hồi kết...

 
 Mặc dù đã 9 năm trôi qua, nhưng vụ khủng bố 11/9 vẫn là
nỗi ám ảnh của người dân Mỹ. Ảnh: xinhua/ Reuters

Vụ khủng bố 11/9 đã kéo Mỹ vào hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu kèm theo những khoản tiền khổng lồ. Hơn 40 nước trên thế giới đã bị cuốn vào cuộc chiến do chính quyền Bush phát động năm 2001. Số người chết trong cuộc chiến tranh mang tên chống khủng bố ấy có lẽ đã cao hơn nhiều số người thiệt mạng vì vụ khủng bố năm 2001.

Về lý thuyết, cuộc chiến tại Iraq đã khép lại sau ngày 31-8 vừa qua, khi những người lính cuối cùng của lực lượng chiến đấu Mỹ rời khỏi lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này. Thế nhưng, trên thực tế, có lẽ cuộc chiến tại Iraq còn lâu mới có hồi kết thực sự bởi lực lượng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện tại đây. Iraq còn lâu mới có đủ khả năng đảm bảo an ninh cho chính mình. Bất ổn chính trị và nội chiến là những nguy cơ hiện hữu đối với mảnh đất này. Những đau thương mà không chỉ người dân Afghanistan và Iraq mà cả người dân Mỹ phải trải qua đều minh chứng một chân lý: Chiến tranh không bao giờ là giải pháp hòa bình.

Nước Mỹ sau 9 năm xảy ra vụ khủng bố “ghê gớm” nhất trong lịch sử, mọi hoạt động được giám sát kĩ càng, tinh thần cảnh giác được đặt lên cao độ. Trong khi đó, ngày 10/9/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi lòng khoan dung tín ngưỡng, nhắc nhở người dân Mỹ rằng phần lớn cộng đồng Hồi giáo là những người yêu chuộng hòa bình. Ông nhấn mạnh rằng mỗi người dân Mỹ phải nhớ rằng kẻ thù của nước Mỹ là mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và các tổ chức cực đoan, chứ không phải là thế giới Hồi giáo. Theo ông, mỗi người Mỹ không thể để bị kích động và chia rẽ do sự sợ hãi.

Lý lẽ của ông Obama càng có cơ sở hơn sau khi một mục sư ở bang Florida (Mỹ) công bố kế hoạch đốt nhiều cuốn kinh Koran của người Hồi giáo trong ngày 11/9, ngày tưởng niệm các cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ năm 2001. Trước dự định này, dư luận thế giới đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc. Bởi những hành động đáng lên án như vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ không thể bị đáp lại bằng những hành động mang tính thù hận. Nó chẳng khác nào "một kiểu tuyên chiến với thế giới Hồi giáo”.

Như vậy, có thể thấy, bên cạnh mục tiêu thể hiện qua các cuộc chiến với “bên ngoài”, nước Mỹ cũng cần rất thận trọng với các động thái ở “bên trong”. Bởi những diễn biến trong bản thân nước Mỹ (tiêu biểu như sự kiện định đốt kinh Koran nói trên) rất có thể sẽ châm ngòi cho những mâu thuẫn, những cuộc chiến mới trong tương lai..../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực