“Vùng cấm bay” ở Li-bi được thiết lập như thế nào?

Thứ năm, 24/03/2011 15:42
 
Bản đồ “vùng cấm bay” ở Li-bi. Ảnh: Globalsecurity.org
Hiện nay, việc triển khai “vùng cấm bay” theo Nghị quyết của HĐBA LHQ tại Li-bi đang gây nhiều chú ý của dư luận thế giới trong bối cảnh các nước oanh kích một số mục tiêu Li-bi. Vậy “vùng cấm bay” là gì và “vùng cấm bay” ở Li-bi được triển khai ra sao?

Vùng cấm bay là gì?

“Vùng cấm bay” là một khu vực không cho phép các máy bay, hay phương tiện bay có người lái hay không có người lái bay vào khu vực đó. Đây thực chất là một khu vực phi quân sự trên bầu trời. “Vùng cấm bay” phải được kiểm soát bởi lực lượng giám sát và lực lượng này giành quyền bắn hạ bất kỳ máy bay nào bay vào khu vực này. Thiết lập “vùng cấm bay” là biện pháp thường được sử dụng để ngăn chặn các cuộc không kích vào một khu vực nào đó cần được bảo vệ, như các khu dân cư, các khu vực nhạy cảm, các cơ sở hạ tầng quan trọng… của một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Thông thường, vùng cấm bay được thiết lập là sự chuẩn bị bước đầu cho một cuộc can thiệp quân sự vào một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó.

“Vùng cấm bay” thường chỉ được thiết lập bởi các quốc gia hay tổ chức quốc tế có tiếng nói chính trị và sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới như: Mỹ, NATO, HĐBA LHQ. Các vùng cấm bay trước đó đều được thiết lập bởi Mỹ và NATO. “Vùng cấm bay” đầu tiên được thiết lập trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi Mỹ, Anh, Pháp cùng với Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập 2 vùng cấm bay ở miền Bắc và miền Nam I-rắc. Sau đó đầu năm 2003, Mỹ tiếp tục thiết lập một vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ I-rắc, nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công I-rắc. Năm 1999, NATO đã áp đặt một “vùng cấm bay” trên không phận Cô-xô-vô, nhằm khởi động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Xéc-bi-a. Tuy nhiên, “vùng cấm bay” này được áp đặt mà không có sự ủy quyền của LHQ.

Hiện có nhiều nước đã thiết lập “vùng cấm bay” để bảo vệ các cơ sở hạ tầng chính trị, quân sự và lịch sử quan trọng, tuy nhiên các nước này không công khai thừa nhận và vẫn giữ bí mật về việc này. Đó là khu vực đền Taj Mahal của Ấn Độ, thành cổ Machu Picchu (Pê-ru), cung điện Boowsc-kinh-ham (Anh), Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev (I-xra-en), Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Thế giới Walt Disney (Mỹ).

“Vùng cấm bay” ở Li-bi “ngốn” tiền tỷ

“Vùng cấm bay” do HĐBA LHQ áp đặt tại Li-bi được tuyên bố là nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của quân chính phủ nhằm vào lực lượng chống chính phủ. Theo Nghị quyết của HĐBA LHQ, “vùng cấm bay” có hiệu lực trên khắp đất nước Li-bi nhưng không xác định rõ nước nào sẽ tham gia thực thi nghị quyết này, hay nó sẽ được thực hiện ra sao và ai sẽ là đứng ra đảm trách. Có các giả thiết khác nhau về phạm vi áp đặt “vùng cấm bay” ở Li-bi, như chỉ áp đặt ở khu vực phía Bắc bao gồm Tri-pô-li và căn cứ Ben-ga-di của lực lượng chống chính phủ, hoặc chỉ ở khu vực ven biển và cuối cùng là toàn lãnh thổ Li-bi. Tuy nhiên, trên thực tế các nước đang áp đặt vùng cấm bay trên khắp đất nước Li-bi.

Theo dự thảo báo cáo kinh phí để áp đặt và duy trì “vùng cấm bay” trên toàn Li-bi do Trung tâm Chiến lược và Ngân sách của Mỹ vừa đưa ra, thì cần từ 100 đến 300 triệu USD/tuần, tùy thuộc vào khả năng kháng cự của phòng không Li-bi. Không quân Li-bi được cho là có lực lượng lớn nhất ở Bắc Phi nhưng đã suy giảm đáng kể từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, trong đó chủ yếu là các máy bay ném bom lạc hậu. Nếu lâu hơn trong vòng 6 tháng thì sẽ cần tới 3,1 tỷ USD đến 8,8 tỷ USD, tương đương kinh phí áp đặt “vùng cấm bay” tại miền Bắc và Nam I-rắc năm 1991. Trong đợt không kích đầu tiên vào Li-bi, lực lượng quốc tế đã bắn tổng cộng 112 quả tên lửa Tomahawk, tiêu tốn một khoản kinh phí lên tới 84,6 triệu USD, chưa kể các khoản kinh phí dành cho các loại vũ khí khác như tên lửa không đối đất, bom các loại, nhiên liệu cho máy bay và nhiều khoản kinh phí liên quan khác nữa. Ngoài ra, chưa tính đến thiệt hại về tài sản và sinh mạng có thể xảy ra do trúng phải hỏa lực phòng không của Li-bi. Như vậy, kinh phí dành cho việc áp đặt và duy trì “vùng cấm bay” tại Li-bi là rất lớn. Hiện tại, lực lượng phòng không Li-bi chưa có hành động gì đáp trả sau các cuộc oanh kích từ bên ngoài, tuy nhiên, nếu lực lượng này gia tăng sức mạnh kháng cự, kinh phí để áp đặt và duy trì vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Li-bi sẽ vượt xa hơn nhiều so với dự tính của Trung tâm Chiến lược và Ngân sách của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết từng nói rằng để thiết lập “vùng cấm bay” trước hết cần phá hủy hệ thống ra-đa và khả năng tên lửa phòng không của Li-bi cũng như vô hiệu hóa các máy bay và đường băng. Nhưng sau đó các nước áp đặt “vùng cấm bay” sẽ tập trung ngăn chặn lực lượng bộ binh của quân chính phủ Li-bi vì sau khi hệ thống phòng không bị vô hiệu hóa, quân chính phủ Li-bi sẽ phải dựa vào lực lượng này để tiến hành các hành động quân sự.

Để làm nhiệm vụ giám sát liên tục “vùng cấm bay” trong 24 giờ/ngày, lực lượng quốc tế đã thiết lập các cơ sở không quân và tàu chở dầu ở khu vực xung quanh nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát và tiếp nhiên liệu. Tùy thuộc vào khả năng, lực lượng này có thể đề nghị hỗ trợ thêm từ các đối tác.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực