Xung quanh bản Nghị quyết áp đặt “vùng cấm bay” tại Libya của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Thứ bảy, 19/03/2011 09:49

(ĐCSVN) - Sáng 18/3 (giờ Việt Nam) (tức ngày 17/3 theo giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libya cũng như thực hiện mọi biện pháp cần thiết, ngoại trừ việc đóng quân trên mặt đất nhằm bảo vệ thường dân tại quốc gia Bắc Phi này khỏi nguy cơ bị tấn công.

 

 Các thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong phiên họp hôm
17/3 đã nhất trí thông qua lệnh áp đặt vùng cấm bay tại Libya
 (Ảnh: Xinhua)


Theo đó, bản nghị quyết trên đã được thông qua với 10 phiếu ủng hộ và 5 phiếu trắng. Hiến chương Liên hợp quốc quy định, quá trình thông qua bản nghị quyết yêu cầu 9 phiếu ủng hộ từ phía 15 nước thành viên hội đồng bảo an Liên hợp quốc và không có phiếu chống từ phía 5 nước thành viên thường trực gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ.

Hai nước thành viên thường trực, nắm giữ quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gồm Trung Quốc và Nga cùng 3 nước thành viên không thường trực là Brazil, Đức và Ấn độ đã bỏ phiếu trắng đối với bản nghị quyết dự thảo do Pháp, Li-băng, Anh và Mỹ đệ trình lên Hội đồng bản an Liên hợp quốc (Li-băng hiện giữ vai trò là 1 trong 10 nước thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc). Trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice đã lên tiếng hoan nghênh bản nghị quyết trên, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc làm này cho thấy Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã đáp lại lời cầu cứu của nhân dân Libya, thì các nước thành viên khác gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Brazil lại đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của việc áp đặt các biện pháp quân sự đối với Libya.

Theo đó, bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “quyết định thiết lập lệnh cấm bay trên không phận Libya nhằm bảo vệ thường dân”. Tuy nhiên, bản nghị quyết trên cũng loại trừ khả năng hình thành một “lực lượng chiếm đóng” tại Libya.

Bản nghị quyết trên cũng yêu cầu “hình thành ngay lập tức một lệnh ngừng bắn và chấm dứt hoàn toàn bạo lực cũng như mọi vụ tấn công hay lạm dụng nhằm chống lại dân thường”.

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cho phép các nước thành viên Liên hợp quốc “thực hiện mọi biện pháp cần thiết” nhằm bảo vệ dân thường và những người sống tập trung tại các khu vực có nhiều nguy cơ bị tấn công-gồm cả thành phố Benghazi-một thành phố chủ chốt phía đông hiện đang bị lực lượng nổi dậy chiếm đóng.

Bên cạnh đó, bản nghị quyết trên cũng yêu cầu các nước thành viên cần thông báo ngay lập tức cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc về những biện pháp mà họ sẽ áp dụng, đồng thời, những biện pháp này cần được báo cáo nhanh chóng lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Bản nghị quyết viết: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thừa nhận vai trò quan trọng của Liên đoàn các nước Ả rập về các vấn đề liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực. Qua đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi mọi nước thành viên cần hành động dựa trên tư cách quốc gia cũng như dựa trên cơ sở thỏa thuận trong khu vực nhằm cung cấp hỗ trợ, gồm cả việc cho phép thực hiện lệnh bay trên không phận của mình (để tiến hành do thám) trong trường hợp cần thiết, vì những mục tiêu nhằm hoàn thiện bản nghị quyết này của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cũng trong bản nghị quyết trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một lần nữa, lên tiếng kêu gọi trách nhiệm từ phía các nhà lãnh đạo tại Libya nhằm bảo vệ dân thường tại quốc gia Bắc Phi này. Đồng thời nhấn mạnh “các bên xung đột vũ trang tại Libya cần tuân thủ những trách nhiệm cơ bản nhằm thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ dân thường”. Qua đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng thể hiện sự quyết tâm cao độ nhằm đảm bảo sự an toàn của dân thường, đồng thời khẳng định sẽ nhanh chóng thực hiện công việc hỗ trợ nhân đạo cũng như đảm bảo sự an toàn của các cá nhân thực hiện nhiệm vụ nhân đạo tại Libya.

Một khía cạnh khác được đề cập đến trong bản nghị quyết mà Liên hợp quốc vừa thông qua đối với tình hình tại Libya đó là việc tiếp tục thắt chặt các lệnh cấm vận đối với quốc gia Bắc Phi này, gồm cả về vũ khí và phong tỏa tài sản dựa trên sở sở của bản nghị quyết 1970 vừa được thông qua hồi tháng trước. Theo đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định lệnh phong tỏa tài sản được đề cập đến trong nghị quyết 1970 sẽ được áp dụng đối với mọi quỹ, các tài sản tài chính cùng các nguồn kinh tế khác trên lãnh thổ Libya-vốn được sở hữu hay kiểm soát, một cách trực tiếp hay gián tiếp bởi Chính quyền Libya. Cụ thể, các tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương Libya hay công ty dầu khí quốc gia Libya cũng sẽ bị đóng băng theo như quy định của nghị quyết này.

Bên cạnh đó, bản nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng khẳng định, những tài sản bị đóng băng theo như quy định trong các nghị quyết tương tự từ phía Liên hợp quốc “sẽ được khôi phục trong thời gian sớm nhất có thể nhằm và vì phục vụ lợi ích cho người dân Libya”.

Trong bản nghị quyết vừa được thông qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng lên án những hành vi bạo lực, vi phạm nhân quyền hàng loạt và có hệ thống tại Libya, qua đó, kêu gọi Chính quyền nước sở tại cần tuân thủ nghiêm túc những cam kết của mình đối với luật nhân quyền quốc tế.

Về phần mình, không lâu sau khi bản nghị quyết trên được thông qua, Bộ Quốc phòng Libya đã ra một bản thông cáo, trong đó cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ phía nước ngoài.

Tuy nhiên, sau đó, phát biểu trước báo giới hôm 18/3, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaim khẳng định, quốc gia Bắc Phi này sẽ đưa ra phản ứng tích cực trước bản nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thiết lập vùng cấm bay tai Libya.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaim (Ảnh: Xinhua)


Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Libya nhấn mạnh: Libya sẽ bảo vệ thường dân sinh sống tại đất nước mình và đảm bảo nguồn cung lương thực cũng như thuốc men. Bên cạnh đó, ông Kaim cũng cho biết, Libya hoan nghênh những điều khoản trong bản nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề bảo vệ dân thường cũng như chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Libya. Cũng trong lời phát biểu của mình, ông Kaim còn lên tiếng kêu gọi các quốc gia khác không cung cấp vũ khí cho các lực lượng nổi dậy ở Libya, đồng thời ví đây là một hành động nhằm đưa người dân Libya lâm vào tình cảnh “nồi da nấu thịt”.

Phản ứng trước lời kêu gọi hình thành một lệnh ngừng bắn khẩn cấp tại Libya, ngừng mọi hành vi tấn công vào dân thường cũng như tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo cho nhân dân Libya, ông Kaim cho biết: “Chính phủ Libya sẵn sàng thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức với các lực lượng nổi dậy, tuy nhiên điều này cần đến sự thống nhất quan điểm về một số “chi tiết kỹ thuật””. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Libya cũng khẳng định, Libya cần đối thoại với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay các quan sát viên Liên hợp quốc về các chi tiết trên. Cũng theo quan điểm của ông Kaim thì lực lượng vũ trang Libya không hề có ý định tấn công dân thường và sẽ không thực hiện thêm bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm chống lại các lực lượng nổi dậy. Tuyên bố trên được ông Kaim đưa ra trong bối cảnh trước đó, hôm 17/3, Tổng thống Libya Muammar Gaddafi tuyên bố rằng lực lượng của ông sẽ không “dung thứ” cho bất kỳ một phần tử chống đối nào, đồng thời nhấn mạnh rằng, những ai bỏ vũ khí xuống sẽ được hưởng khoan hồng khi lực lượng của chính phủ tiến tới thành phố Benghazi./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực