(ĐCSVN) – Các quốc gia Châu Á ngày 22/7 đã đưa ra hai quyết định nhằm xoa dịu những nỗi “trăn trở” của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương: một là thỏa thuận giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình; hai là thỏa thuận giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhằm nối lại các vòng đối thoại. Đây được xem là một bước khởi đầu vốn được Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trông đợi nhằm hướng tới tương lai “tái cơ cấu” tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
|
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Ảnh: AP) |
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASSEAN, diễn ra tại Bali (Indonesia), Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực đã đạt được một thỏa thuận dự thảo nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông một cách hòa bình. Trong khi đó, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng vừa đi đến thống nhất về việc nối lại các vòng đối thoại. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã bày tỏ thái độ hoan nghênh trước việc Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được thỏa thuận trên cũng như bày tỏ hy vọng một cách “cẩn trọng” rằng cuộc thảo luận giữa Seoul và Bình Nhưỡng sẽ phần nào, giúp tái khởi động các vòng đàm phán về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vốn đang lâm vào tình cảnh đình trệ.
Phát biểu tại cuộc họp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, bà Clinton nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao việc Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận sẽ hợp tác chặt chẽ để hoàn tất những nguyên tắc chỉ đạo cho tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)”.
Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì cũng bày tỏ tin tưởng, thỏa thuận trên sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông –đường hàng hải phục vụ cho nhu cầu qua lại của 1/3 lượng tàu thuyền trên thế giới. “Thỏa thuận này tất nhiên sẽ đưa ra những điều kiện phù hợp nhằm giải quyết và thu xếp một cách chính đáng những tranh chấp trên Biển Đông”, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định.
Thỏa thuận mới đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN được xem là một bước đột phá mới trong nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình trên Biển Đông bởi trên thực tế, từ lâu, Trung Quốc luôn tỏ ra “lưỡng lự” trong việc đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc để điều chỉnh các hành vi trên Biển Đông và giải quyết những tranh chấp tại vùng lãnh hải này thông qua con đường hòa bình, không bằng con đường đe dọa bạo lực.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ một mặt vừa bày tỏ mong muốn bản thỏa thuận này sẽ nhanh chóng được hoàn tất, mặt khác lại trông đợi “mọi việc sẽ còn tiến triển hơn”. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định bà sẽ nêu lên các ý tưởng của Mỹ để đảm bảo tính hiệu quả của bản thỏa thuận này trong bài diễn văn đọc tại Bali hôm 22/7. Phát biểu trước các phóng viên, một quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á, ông Kurt Campbell cũng chia sẻ: “Bản thỏa thuận trên đã phần nào xoa dịu bầu không khí căng thẳng và cải thiện tình hình. Tuy nhiên, đây chỉ là sự khởi đầu và chúng ta trông đợi những hành động tiếp theo giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Hãng tin Mỹ AP đánh giá, cuộc gặp giữa bà Clinton và ông Dương Khiết Trì đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc vẫn được kiểm soát tốt sau khi hồi tuần trước, Bắc Kinh vừa lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc gặp giữa ông Obama và Dalai Lama-nhà lãnh đạo tinh thần của Khu tự trị Tây Tạng (Tây Bắc Trung Quốc).
Tuy các vấn đề liên quan tới Tây Tạng trong cuộc thảo luận giữa bà Clinton và ông Dương Khiết Trì không được công khai trước báo giới, song AP đã dẫn lời một phát ngôn viên Trung Quốc cho biết, tại buổi tiếp xúc với bà Clinton, ông Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “Mỹ cần tôn trọng chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, gồm cả Tây Tạng”.
Ngoài chủ đề về Biển Đông, diễn biến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng là một vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham gia Hội nghị ASEAN lần này, đặc biệt là đại diện Mỹ và Trung Quốc – hai cường quốc vốn đóng vai trò không nhỏ trong nỗ lực nhằm hàn gắn cơ hội đối thoại liên Triều và các vòng đàm phán sáu bên nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nhạy cảm.
Ngày 22/7, CHDCND Triều Tiên cho biết, họ đã chỉ định đặc phái viên mới tham dự các vòng đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (với sự tham sự của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ). Không chỉ dừng lại ở đó, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng ngày đã nhất trí sẽ tổ chức một cuộc họp bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN vào ngày 22/7. Đây được xem là cuộc thảo luận công khai lần đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên trong vòng nhiều tháng trở lại đây. AP trích nhận định của một quan chức Mỹ giấu tên cho biết : “Washington hoan nghênh việc CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc cùng tiến hành đối thoại, tuy nhiên, sẽ cần đến thêm vài ngày nữa để có thể đưa ra nhận định về việc liệu sự “tái hợp” này có đủ sức nặng để đảm bảo rằng các bên sẽ quay trở lại vòng đàm phán”.
Bà Clinton đã ngỏ ý rằng, bà sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về “nguyện vọng của hai cường quốc về hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, trong lời phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mỹ không đề cập tới vấn đề liệu Mỹ sẽ đồng ý quay trở lại bàn đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hay không.
Đáp lại , Ngoại trưởng Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn rằng mọi diễn biến về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ quay trở về đúng hướng. “Chúng ta cần hợp tác…Tất cả những gì chúng ta có thể làm cùng nhau đó là thúc đẩy một bầu không khí và một cuộc đối thoại tốt đẹp hơn giữa các bên có liên quan cũng như cùng hợp tác nhằm tái khởi động vòng đàm phán sáu bên…Điều này sẽ phục vụ tốt nhất lợi ích vì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực”./.