Xung quanh việc sử dụng quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc về tình hình Syria

Thứ sáu, 07/10/2011 10:40

(ĐCSVN)Dù đây là một vấn đề đã được thảo luận từ 3 tháng trước đó, song tại cuộc bỏ phiếu ngày 4/10, 15 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã không thể tìm được tiếng nói chung đối với dự thảo bản nghị quyết  về tình hình tại Syria, đặc biệt sau khi vấp phải sự phủ quyết từ phía Nga và Trung Quốc.

 

 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton yêu cầu Nga và Trung Quốc giải thích
 về quyết định của mình trước bản nghị quyết dự thảo về tình hình Syria
 (Ảnh: Ria Novosti)


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 5/10 đã yêu cầu Nga và Trung Quốc đưa ra lời giải thích về việc dùng quyền phủ quyết đối với bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tình hình tại Syria.

Phát biểu trước các phóng viên, bà Clinton cho rằng, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã bỏ qua trách nhiệm của mình trong cuộc bỏ phiếu ngày 4/10. Theo quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ, những nước phủ quyết bản dự thảo nghị quyết  về tình hình Syria cần đưa ra lời giải thích trước nhân dân Syria cũng như tới tất cả những ai đang chiến đấu vì “tự do và nhân quyền trên thế giới”. Bên cạnh đó, bà Clinton cũng kêu gọi, những nước đang tiếp tục chuyển vũ khí cho chính quyền của ông al Assad nhằm chống lại những người dân vô tội, thậm chí cả trẻ em cần xem xét lại một cách nghiêm túc về những việc họ đang làm.

Cũng trong ngày 5/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là “rất đáng thất vọng” bởi tính cứng rắn của bản nghị quyết này sẽ bị “suy yếu đáng kể” trong các quá trình đàm phán. “Bản nghị quyết mà chúng tôi ủng hộ trong phiên bỏ phiếu ngày 4/10 trên thực tế đã bị suy yếu hơn nhiều so với sự mong đợi của chúng tôi khi không đề cập tới các biện pháp trừng phạt…”, bà Nuland nói.

Cũng trong ngày 5/10, các nước châu Âu đã lên tiếng chỉ trích phản ứng của Nga và Trung Quốc trước bản nghị quyết dự thảo về tình hình Syria.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, Ankara và một số quốc gia khác cần phản ứng bằng việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên chính quyền Syria. Tuy trong lời phát biểu của mình, ông Erdogan không đề cập tới các biện pháp trừng phạt cụ thể mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt đối với Damascus song nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng, các biện pháp này sẽ nhằm vào giới lãnh đạo chứ không nhằm vào người dân Syria.

Về phần mình, một số nước khác gồm: Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch và Liên minh châu Âu (EU) cũng chia sẻ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và lên án hành động của Nga và Trung Quốc.

 

 Ông Martin Nesirky, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc
 (Ảnh:IT)


Trong khi đó, phát ngôn viên của Liên hợp quốc Martin Nesirky ngày 5/10 cũng cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lấy làm tiếc trước việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không thể đạt được tiếng nói chung về tình hình Syria, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên sẽ sớm thu hẹp được những quan điểm bất đồng và “tìm ra một con đường đồng thuận chung nhằm giải quyết những vấn đề tại Syria”. “Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, tình trạng bạo lực tại Syria là một điều không thể chấp nhận được. Theo quan điểm của người đứng đầu Liên hợp quốc thì chúng ta có nghĩa vụ ngăn chặn tình trạng tắm máu tái diễn tại quốc gia Trung Đông này cũng như giúp đỡ những người dân Syria thoát khỏi cuộc khủng hoảng nguy hiểm đang tiếp diễn”, ông Nesirky nhấn mạnh.

Trong khi phương Tây, đặc biệt là các quốc gia châu Âu cho rằng, hành động của Nga và Trung Quốc sẽ có tác động tiêu cực đối với tình hình tại Syria thì quyết định của Moscow và Bắc Kinh lại nhận được phản ứng tích cực từ phía các đại diện thuộc chính quyền Syria.

Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar al-Ja'afari đã bày tỏ sự hài lòng trước kết quả của phiên bỏ phiếu ngày 4/10 và phát biểu trước Hội đồng bản an Liên hợp quốc rằng, bản dự thảo nghị quyết trên, nếu được thông qua, sẽ trở thành một công cụ, mở đường cho sự can thiệp từ phía bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Syria.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 5/10, cố vấn của Tổng thống Syria, bà Buthaina Shabaan đã hoan nghênh quyết định của Nga và Trung Quốc khi cho rằng, hành động trên sẽ thúc đẩy cải cách và khôi phục trật tự cũng như ổn định tại Syria.

Theo quan điểm của bà Shabaan, cách tiếp cận thông qua các biện pháp trừng phạt sẽ không chỉ làm tổn hại đến chính phủ các nước mà còn ảnh hưởng tới chính người dân tại các nước này và “các khái niệm trừng phạt” sẽ không mang một mục tiêu gì hơn ngoài việc khuyến khích chủ nghĩa khủng bố.

Liên tưởng tới chiến dịch quân sự do Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cầm đầu tại Libya và cuộc chiến do Mỹ phát động tại Iraq, bà Shabaan cho rằng, “các chiến dịch tại Libya và Iraq đã bộc lộ rõ, cách tiếp cận không mang tính chất xây dựng từ phương Tây”. Bên cạnh đó, bà Shabaan cũng chỉ ra một thực tế rằng, đã có hàng nghìn người dân Libya vô tội trở thành nạn nhân của chiến dịch quân sự do NATO cầm đầu tại Libya.

Theo lập luận của bà Shabaan, cuộc khủng hoảng tại Syria xuất phát từ nhiều phương diện, một trong số đó có liên quan tới những nguyện vọng hợp pháp của người dân Syria về các tiến trình cải cách chính trị - kinh tế - xã hội.

“Tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo tại Syria đã đáp lại những nguyện vọng hợp pháp của người dân Syria và bắt đầu đưa ra những biện pháp mới, gồm cả tiến hành đối thoại dân tộc và hình thành nên một Ủy ban chuyên trách viết lại các điều khoản trong hiến pháp. Đây vốn được xem là một yếu tố thúc đẩy các cuộc bầu cử quốc hội tự do và đa cấp tại Syria”, bà Shabaan nói.

 

 Tình trạng bất ổn tại Syria đang trở thành mối quan tâm của cộng
đồng thế giới (Ảnh: Reuters)


Cũng trong lời phát biểu của mình, cố vấn của Tổng thống al Assad cho rằng, hiện tiến trình đối thoại dân tộc tại Syria đang vấp phải một số lực cản trong bối cảnh các nước phương Tây đang xúi giục các phe đối lập tại Syria bất hợp tác trong tiến trình tham gia đối thoại với chính phủ. Bà Shabaan cho biết, chính phủ của Tổng thống al Assad đã liên hệ với tất cả các thành viên của phe đối lập tại Syria và không ngừng đề nghị họ tham gia vào tiến trình đối thoại bất chấp áp lực từ phía phương Tây.

Bên cạnh đó, bà Shabaan cũng thừa nhận, tình hình bất ổn tại Syria đã có những tác động không nhỏ tới người dân nước này và kêu gọi “phương Tây cần giúp đỡ Syria hoàn tất các tiến trình cải cách thay vì đưa ra các biện pháp trừng phạt chống Syria…bởi các biện pháp trừng phạt này trước nhất sẽ ảnh hưởng bất lợi cho chính người dân Syria”. “Họ không chỉ quan tâm tới người dân Syria mà còn quan tâm nhiều hơn tới tài nguyên dầu mỏ và khí đốt cùng những tham vọng kiểm soát khu vực”, bà Shabaan nhấn mạnh.

Theo quan điểm của bà Shabaan, sự tồn tại của các nhóm vũ trang với mục tiêu kích động một cuộc xung đột phe phái đang là “vấn đề nghiêm trọng hàng đầu mà hiện Syria đang phải đối mặt”. Bà Shabaan cho rằng, những kẻ “khủng bố vũ trang này” đang cố gắng theo đuổi mục tiêu tái hiện lại kịch bản tại Iraq và chính phủ Syria sẽ nỗ lực hết mình để dập tắt những mưu đồ này. “Thật đáng tiếc khi một số nước Ả rập và các nước phương Tây lại đang ủng hộ tài chính và cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang này…Và những hành động trên cũng đã tạo ra nhiều vấn đề lớn đối với Syria… Những gì chúng tôi cần hôm nay là cộng đồng thế giới cần sát cánh bên người dân Syria để chống lại chủ nghĩa khủng bố và chấm dứt tình trạng đổ máu tiếp diễn”, bà Shabaan nói./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực