Xung quanh vụ việc hãng thông tấn AP tố cáo chính quyền Mỹ vi phạm tự do báo chí

Thứ năm, 16/05/2013 14:42

(ĐCSVN) - Ngày 14/5, hãng thông tấn nổi tiếng thế giới AP đưa thông báo chỉ trích Bộ Tư pháp Mỹ đã bí mật ghi âm cuộc gọi của các phóng viên và biên tập viên hãng tin này trong hai tháng 4 và 5/2012, đồng thời gọi đây là một sự “xâm phạm nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ”.

Một vụ “xâm phạm nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ”

 

Các phóng viên AP đang tác nghiệp tại trung tâm báo chí Hạ viện Mỹ (Ảnh: AP)


Theo thông tin của AP, Bộ Tư pháp Mỹ đã “bí mật thu các cuộc điện thoại ở hơn 20 đường dây được phóng viên và văn phòng AP đăng ký, bao gồm cả điện thoại di động và cố định”.

Trong một bài viết đăng tải trên blog, phóng viên Erin Madigan White của tờ AP cho biết, vào ngày 10/5, ban lãnh đạo AP đã phát hiện ra việc các nhà chức trách Mỹ “bí mật thu thập thông tin qua điện thoại từ 20 đường dây diện thoại riêng biệt của một số nhà báo và lãnh đạo AP, gồm cả các thiết bị di động và điện thoại nhà”.

Một bản tin của AP cho biết, giới chức Mỹ “hình như” đã thu thập các liên lạc trên nhằm tiến hành điều tra vụ rò rỉ thông tin vào hồi tháng 5/2012, hãng AP có được bài viết về một vụ triệt phá âm mưu khủng bố.

Cụ thể, vào ngày 7/5/2012, bài báo của AP đã hé hộ chi tiết chiến dịch của CIA tại Yemen nhằm ngăn chặn âm mưu của Al-Qaeda vào mùa xuân năm 2012, theo đó, chúng dự kiến cho kích hoạt một quả bom trên chuyến bay tới Mỹ. Vụ việc này xảy ra vào đúng dịp kỷ niệm 1 năm ngày tên trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden bị tiêu diệt vào ngày 2/5/2011.

Theo nhận định của AP, đây là một thông tin “quan trọng và nghiêm trọng” trong bối cảnh trước đó, Nhà trắng đã từng tuyên bố với dư luận Mỹ rằng, “chưa có một thông tin đáng tin cậy nào cho thấy các tổ chức khủng bố, gồm cả Al-Qaeda, đang âm mưu tấn công nước Mỹ vào dịp tròn 1 năm tên Bin Laden bị tiêu diệt”.

Sự “giận dữ” của dư luận Mỹ...

 

 Chủ tịch AP Gary Pruitt cho rằng
 "đây là một vụ việc không thể biện minh" (Ảnh: Reuters)

Trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder ngày 13/5, Chủ tịch AP Gary Pruitt đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất nhằm phản đối điều mà ông cho là “một sự xâm phạm nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ”. Bức thư của ông Holder có đoạn viết: “Chúng tôi xem hành động này của Bộ Tư pháp là can thiệp nghiêm trọng đối với quyền thu thập và đưa tin của AP, vốn đã được quy định trong Hiến pháp… Không có một lời biện minh nào có thể bào chữa cho các hành vi thu thập thông tin qua đường điện thoại của hãng thông tấn AP và các phóng viên của AP”. Ông Pruitt cho biết, việc thu lén này “kéo dài đúng 2 tháng vào đầu năm 2012”, trong đó có điện thoại của tổng hành dinh của AP ở New York, các văn phòng đại diện của AP ở New York, Washington, Hartford, Connecticut và Hạ viện.

Theo thông tin từ ông Pruitt, Bộ Tư pháp Mỹ đã thực hiện công việc này mà không hề thông báo trước cho ban lãnh đạo AP cũng như các nhà báo của AP. Và thậm chí sau khi sự việc này diễn ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng không gửi bất kỳ thông báo nào tới cá nhân các nhà báo đã bị nghe lén điện thoại di động và điện thoại cố định tại nhà. “Chúng tôi xem đây là một hành vi can thiệp nghiêm trọng từ phía Bộ Tư pháp Mỹ đối với quyền thu thập và báo cáo thông tin của AP vốn đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ”, ông Pruitt nói. Qua đó, Chủ tịch AP cho biết, hãng thông tấn này đang cân nhắc tới “mọi phương án pháp lý”, đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ cần “ngay lập tức, trao trả những bản ghi âm điện thoại mà cơ quan này có được và hủy tất cả các bản sao ghi âm”.

Bà Laura Murphy, giới chức hàng đầu của Nghiệp đoàn Các quyền dân sự ở Washington, D.C., lên án hành vi giám sát báo chí, đồng thời thúc giục Bộ trưởng Tư pháp Holder giải thích điều gì đã bị tiết lộ để đảm bảo với dư luận rằng, kiểu hăm dọa báo chí như trên sẽ không xảy ra nữa. “Mục đích của các phương tiện truyền thông là cung cấp thông tin cho dư luận và các cơ quan truyền thông cần được tự do thực hiện công việc này mà không bị giám sát một cách tùy tiện”, bà Murphy nói.

Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, ông Michael Steel, tuyên bố: “Nếu chính quyền của Tổng thống Obama đứng đằng sau các vụ ghi âm điện thoại của phóng viên, tốt hơn là họ phải giải thích đến nơi đến chốn”.

Ông Arnie Robbins, chủ bút của tờ St. Louis Post-Dispatch và là thành viên Hiệp hội các nhà biên tập viên Mỹ cho rằng: “Đây thực sự là một sự xúc phạm đáng lo ngại cho tự do báo chí”.

Về phía nhà sản xuất phim tài liệu của Mỹ Robert Greenwald – người vừa công bố bộ phim tài liệu “War on Whistleblowers” tập trung vào những sự vi phạm của Nhà trắng về tự do báo chí khẳng định, ông không lấy làm ngạc nhiên khi nghe thông tin Bộ Tư pháp Mỹ đã bí mật ghi âm các cuộc điện thoại của phóng viên và biên tập viên AP trong 2 tháng trời.

Phát biểu trên tờ Yahoo News, ông Greenwald cho biết: “Đây là kết quả của các chính sách mà chính quyền Mỹ đang áp dụng. Điều này đã trở thành hệ thống. Đây không phải chỉ xảy ra một lần, không phải là một vụ tai nạn. Đây chính là một nỗ lực để khiến những nhà cung cấp thông tin phải giữ im lặng. Đây quả là một điều đáng tiếc”.

… Và lời lý giải của những “người trong cuộc”

 

Phát ngôn viên Nhà trắng Jay Carney đã chuyển mọi câu hỏi có liên quan
của phóng viên tới Bộ Tư pháp Mỹ (Ảnh: Washingtonblade.com)


Phản ứng trước các thông tin trên, phát ngôn viên Nhà trắng Jay Carney cho biết, ngoài thông tin của hãng AP, Nhà Trắng không có thông tin gì về việc Bộ Tư pháp nghe lén điện thoại và đã chuyển mọi câu hỏi có liên quan của phóng viên tới Bộ Tư pháp Mỹ.

Trước bối cảnh đang vấp phải nhiều chỉ trích từ phía dư luận liên quan tới vụ việc, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã phải lên tiếng thừa nhận những đoạn thông tin đã được “bí mật lấy” từ AP được xem như một bằng chứng trong cuộc điều tra cho thấy rằng, hiện đang tồn tại một “lỗ hổng an ninh”, có thể đặt người dân Mỹ vào vòng nguy hiểm.

“Tôi đã hoạt động trong ngành tư pháp Mỹ từ năm 1976 và tôi phải thừa nhận rằng, đây chính là một lỗ hổng…rất, rất đỗi nghiêm trọng…Thành thật mà nói…thì việc xác minh cụ thể ai là người phải chịu trách nhiệm cho việc này, tôi nghĩ rằng, đòi hỏi một hành động rất quyết đoán”, ông Holder nói.

Bên cạnh đó, ông Holder cũng lưu ý rằng, bản thân ông đã rút khỏi cuộc điều tra về “lỗ hổng an ninh Mỹ” kể từ tháng 6/2012. Và kể từ thời điểm trên, công tác điều tra được thực hiện bởi Cục Điều tra Liên bang Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Văn phòng công tố liên bang và vai trò giám sát của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong khi đó, Văn phòng luật sư Mỹ ở Washington (cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ), ngày 14/5 đã gửi một tuyên bố tới hãng thông tấn AFP. Nội dung của bản tuyên bố này không đề cập cụ thể tới vụ việc giữa Bộ Tư pháp Mỹ và AP, song khẳng định rằng, “Bộ Tư pháp Mỹ luôn tuân thủ những luật lệ và quy định cụ thể trong việc tìm kiếm thông tin của các tổ chức truyền thông”.

“Những quy định trên đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện mọi nỗ lực hợp lý để thu thập thông tin từ phía các phương tiện thay thế trước khi xem xét tới phương án tìm kiếm thông tin từ một thành viên trong giới truyền thông… Chúng tôi phải thông báo trước cho tổ chức truyền thông trừ khi công việc này gây ra mối đe dọa thực sự đối với công tác điều tra. Bởi vì, chúng tôi coi trọng quyền tự do báo chí, luôn cẩn trọng và thảo luận kỹ càng nhằm tìm kiếm một sự cân bằng giữa lợi ích công cộng trong việc tiếp cập các luồng thông tin tự do và lợi ích công cộng trong việc quản lý công bằng và hiệu quả hệ thống pháp luật hình sự của nước Mỹ”, bản tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định.

Cho tới nay, những thông tin cuối cùng liên quan tới việc hãng thông tấn AP tố cáo Bộ Tư pháp Mỹ nghe lén thông tin vẫn chưa ngã ngũ, cụ thể ai là người thực hiện, phải chịu trách nhiệm và với động cơ gì… Song rõ ràng, vụ việc trên cũng cho thấy, nước Mỹ không phải là “một đất nước tự do về mọi mặt” như nhiều người vẫn từng nghĩ. Có lẽ đã đến lúc chính phủ Mỹ phải suy nghĩ lại về những điều vốn được họ gọi là “tự do” như họ vẫn thường đi “giảng giải” cho các nước khác. Những thông tin này chắc chắn cũng sẽ khiến Tổng thống Barack Obama phải đau đầu trong một thời gian dài, đặc biệt khi ông đang phải gánh vác nhiều sứ mệnh nặng nề liên quan tới các vấn đề đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị là người chèo lái đất nước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực