Khánh Hòa: Hướng đến mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 3.237 lao động nông thôn

Thứ sáu, 31/05/2024 17:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đào tạo nghề cho 3.237 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó, tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.
 Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu giai đoạn 2024-2025, đào tạo nghề cho 3.237 lao động nông thôn làm nông nghiệp (Ảnh minh họa: B.T)

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch số 5591/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm hỗ trợ đào tạo, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng lực lượng lao động nông thôn có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh. Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đào tạo nghề cho 3.237 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó, tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Cụ thể, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đào tạo nghề Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp cho 31 người.

Đào tạo 3.206 lao động nông thôn tham gia các vùng nguyên liệu; lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đào tạo nghề giúp cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao (Ảnh minh họa: B.T)

Theo kế hoạch, về định hướng nghề đào tạo: Đào tạo các nghề để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; các Chương trình, Đề án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì gồm: Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ,…

Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo cho người lao động biết ứng dụng các công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình sản xuất tốt, tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn; đào tạo nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị maketing, tài chính và biết xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; kinh doanh nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn (du lịch và môi trường); các nghề mới, nghề giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu,…

Nhằm để triển khai hiệu quả Kế hoạch, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lựa chọn đối tượng, ngành nghề đào tạo, chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm gắn với nhu cầu sử dụng, yêu cầu tạo việc làm sau khi học nghề.

Phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề, các mô hình dạy nghề hiệu quả, các gương điển hình sản xuất giỏi, nông dân đã thành công sau khi học nghề.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, giáo trình đào tạo nghề theo quy định. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các chính sách ưu đãi về dạy nghề, giải quyết việc làm đối với lao động nông thôn,…/.

Phương Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực