Nâng cao chỉ số dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Thứ năm, 31/10/2024 11:30
(ĐCSVN) - Thừa Thiên Huế phấn đấu đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp, tổ chức nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến lên trên 65% vào năm 2025.
 Tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. (Ảnh minh họa)

Theo Kế hoạch số 379/KH-UBND vừa ban hành của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về nâng cao chỉ số dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương phấn đấu đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp, tổ chức nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến lên trên 65% vào năm 2025.

Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu đề ra, về thể chế, chính sách, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung rà soát các quy trình, quy định hướng đến sửa đổi, ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn; chú trọng nâng cao hiệu quả của Kho dữ liệu số cho công dân, tổ chức.

Xây dựng và ban hành quy định khen thưởng, xử phạt trong phạm vi hoạt động dịch vụ hành chính công. Nghiên cứu, đánh giá thực tiễn kết quả các mô hình hoạt động, tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết liên quan đến miễn giảm về phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; đội ngũ chuyên trách chuyển đổi số; Tổ Công nghệ số cộng đồng đối với dịch vụ công trực tuyến.

Về công bố tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, địa phương phấn đấu 100% thủ tục hành chính được thực hiện rà soát, đánh giá đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tuân thủ nghiêm túc các quy định trong Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ về quy định về định danh và xác thực điện tử;…Tổ chức công bố và thực hiện đồng bộ thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính cấp Sở, ngành quy định thực hiện tại cấp huyện, cấp xã.

Về quy trình số, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung rà soát tổng thể tái cấu trúc lại quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước theo hướng: Sử dụng quy trình số triệt để; rút gọn bước thực hiện; rút ngắn thời gian thực hiện; không được qua tổ chức trung gian, không được phép sử dụng thông tin cá nhân. Văn bản điện tử đủ điều kiện quy định của pháp luật thay thế cho văn bản giấy.

Xây dựng hệ thống quy trình thống nhất áp dụng cho các thủ tục hành chính thuộc cấp huyện, cấp xã. Tuyệt đối không để tình trạng quy trình khác nhau cho các địa bàn khác nhau trên một nhóm thủ tục hành chính. Chuẩn hóa các quy trình liên thông, đảm bảo sự thống nhất về mô hình, phương thức tham gia và dữ liệu liên thông.

Về dữ liệu số, địa phương sẽ tạo lập các bộ dữ liệu số trên cơ sở rà soát thành phần hồ sơ phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng chuẩn hóa và thay thế hồ sơ giấy khi đã có dữ liệu số được cơ quan nhà nước số hóa. Đẩy mạnh triển khai biểu mẫu điện tử trong các biểu mẫu thủ tục hành chính phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức quyết liệt hoạt động số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính,…

Về nền tảng số, nâng cấp toàn diện hệ thống thông tin thủ tục hành chính theo hướng duy trì, nâng cao chất lượng những tiêu chí đã đạt và bổ sung, nâng cấp những tiêu chí chưa đạt. Đảm bảo điều kiện kiểm soát toàn diện các hoạt động thực thi nghiệp vụ xử lý hành chính công trực tuyến trên môi trường mạng cũng như các hoạt động trực tiếp tại bộ phận Một cửa của cán bộ, công chức, viên chức. Hình thành công cụ phân tích, đánh giá, báo cáo thông qua dữ liệu số và xác định thành phương thức kiểm tra đánh giá thông qua nền tảng số trên cơ sở dữ liệu số được hình thành trong quá trình tác nghiệp của công chức, viên chức.

Đáng chú ý, về hạ tầng số, nâng cấp, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn đủ năng lực đáp ứng yêu cầu vận hành dịch vụ công nói riêng và công tác chuyển đổi số nói chung. Đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin, khả năng dự phòng, phục hồi trong trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc tấn công mạng. Rà soát và ban hành lại quy chuẩn hạ tầng tại bộ phận Một cửa các cấp theo tình hình mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.

Về công dân số, Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng số của người dân, doanh nghiệp. Phát huy tối đa vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc cùng cơ quan nhà nước triển khai các hoạt động, mô hình nhằm hướng đến nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tác động mạnh mẽ đến tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến,…

Nhằm triển khai các nội dung đề ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 tỉnh chỉ đạo, điều phối toàn diện, thống nhất hoạt động từ cấp tỉnh đến cấp huyện các nhiệm vụ nhằm nâng cao chỉ số dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí ngân sách nhà nước, gồm kinh phí đầu tư công và kinh phí sự nghiệp để triển khai Kế hoạch đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ trong Kế hoạch. Giám sát kết quả thực hiện thông qua báo cáo số thay thế cho báo cáo giấy và trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện của ngành, địa phương,…/.

Cẩm Ly

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực