|
Năm 2024, Ninh Thuận phấn đấu tăng điểm số PGI của Ninh Thuận đạt từ 22,24 điểm trở lên (tăng 0,36 điểm so với năm 2023). Ảnh minh họa: B.T |
Phấn đấu tăng điểm số PGI của Ninh Thuận năm 2024 đạt từ 22,24 điểm trở lên
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận xếp vị trí thứ 33 với tổng số 21,88 điểm. Trong 4 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số đạt số điểm tương đối cao gồm: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đạt 7,08 điểm (đứng thứ hạng 26/63 tỉnh thành); chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,07 điểm (đứng thứ hạng 23/63 tỉnh thành). Hai chỉ số có còn lại đạt số điểm thấp gồm: Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh, đạt 3,78 điểm (đứng thứ hạng 48/63 tỉnh thành) và chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, đạt 4,95 điểm (đứng thứ hạng 42/63 tỉnh thành).
Để tiếp tục duy trì và nâng cao Chỉ số PGI, tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đề ra kế hoạch cụ thể để cải thiện và nâng cao Chỉ số PGI.
Ninh Thuận phấn đấu duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh, hướng tới tăng các chỉ tiêu thành phần và thứ hạng xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, năm 2024, phấn đấu tăng điểm số PGI của Ninh Thuận đạt từ 22,24 điểm trở lên (tăng 0,36 điểm so với năm 2023). Trong đó, quan tâm cải thiện 2 chỉ số thành phần, cụ thể: Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh, tăng từ 3,78 điểm lên 4,02 điểm và chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường tăng từ 4,95 điểm lên 5,07 điểm.
Năm 2025, phấn đấu tăng điểm số PGI của Ninh Thuận năm 2024 đạt từ 22,55 điểm trở lên (tăng 0,67 điểm so với năm 2023; tăng 0,31 điểm so với dự kiến năm 2024) và đưa PGI Ninh Thuận vào nhóm 30 tỉnh, thành phố có Chỉ số tăng trưởng xanh cao nhất cả nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
Nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai các giải pháp cụ thể để tăng điểm các chỉ số thành phần. Cụ thể, với chỉ số thành phần về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quan trắc định kỳ các thành phần môi trường và đầu tư trạm quan trắc môi trường nước và không khí tự động, liên tục theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023. Tiếp tục vận hành hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục và đảm bảo đến 31/12/2024. Tất cả các cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phải hoàn thành việc lắp đặt và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; công bố kết quả quan trắc trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và phương tiện truyền thông của tỉnh để các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì đường dây nóng cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 174/QĐ-BTNMT ngày 24/01/2022. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và đảm bảo chất thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau xử lý phải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra môi trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư từ giai đoạn xây dựng cho đến khi vận hành chính thức. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.
Thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân biết, chủ động ứng phó kịp thời với các rủi ro về thiên tai nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống nhân dân và hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tổ chức khắc phục kịp thời và nhanh chóng về cầu, cống, đường sá, các công trình công cộng, hệ thống thủy lợi sau thiên tai để người dân ổn định sinh hoạt, sản xuất,…
Về chỉ số thành phần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục duy trì và thành lập mới các tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải tại các khu vực tập trung các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Lập, ban hành và triển khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường,…
Trên cơ sở các giải pháp đã đề ra, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PGI cấp tỉnh đến năm 2025. Chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức đối thoại về lĩnh vực môi trường với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ 1-2 lần/năm. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước” đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, đảm bảo đến năm 2025 có 100% cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quy chế đối thoại và kế hoạch đối thoại đã ban hành; cung cấp hoặc giới thiệu cung cấp các dịch vụ tư vấn về môi trường của Dự án đầu tư cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh định kỳ 1 quý/lần tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá và chuyển kết quả đánh giá của các doanh nghiệp đối với 45 chỉ tiêu về chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của tỉnh (thuộc bộ Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) cho Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc,…/.