|
Năm 2024, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Ninh Thuận có giá trị gia tăng ước đạt 7.344 tỷ đồng, tăng 4,79%. |
Nhiều kết quả nổi bật
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2024, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo đó, trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị gia tăng ước đạt 7.344 tỷ đồng, tăng 4,79%. Trong năm, chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực, trong đó, phát triển thêm 259,67 ha vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vượt kế hoạch 39,67 ha; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 938 triệu đồng/ha, vượt 34% kế hoạch.
Về xây dựng nông thôn mới, ước năm 2024, toàn tỉnh công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Luỹ kế đến cuối năm 2024, Ninh Thuận có 33/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 16/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trên lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, giá trị gia tăng ước đạt 9.693 tỷ đồng, tăng 12,84%. Trong đó, công nghiệp ước đạt 6.697 tỷ đồng, tăng 14,09%, xây dựng ước đạt 2.996 tỷ đồng, tăng 10,15%. Trong năm, Ninh Thuận đã chủ động làm việc, đối thoại để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, gia tăng sản lượng, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
|
Ngành du lịch của tỉnh Ninh Thuận đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2024. |
Trên lĩnh vực du lịch, nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh nhằm thu hút khách du lịch, nhất là đã tổ chức thành công Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024. Hạ tầng du lịch được tăng cường, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm du lịch. Lượng khách du lịch của tỉnh trong năm 2024 tăng khá, ước cả năm thu hút 3,4 triệu lượt, tăng 17,2% so cùng kỳ, tăng 6,3% so với kế hoạch; doanh thu ước đạt 3.890 tỷ đồng, tăng 69,1%.
Ngoài ra, các hoạt động thương mại, vận tải duy trì tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, ước đạt 43.700 tỷ đồng, tăng 14,8%.
Hoạt động tiền tệ, ngân hàng duy trì ổn định, an toàn. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Năm 2024, tổng dư nợ tín dụng đạt 49.000 tỷ đồng, tăng 15,4% với năm 2023. Tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
|
Năm 2024, vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. |
Trong năm 2024, công tác thu hút đầu tư các thành phần kinh tế được đẩy mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, cấp quyết định đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn 26.206 tỷ đồng, và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 58 dự án với tổng vốn tăng thêm 19.412 tỷ đồng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
|
Năm 2025, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 13-14%. (Ảnh minh họa). |
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ninh Thuận sẽ tập trung ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng.
Dự kiến, trong năm 2025, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 13-14%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 113-114 triệu đồng/người; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 5.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.500 tỷ đồng,…
Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ theo dõi, cập nhật diễn biến, dự báo sát tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới và trong nước, để chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành phù hợp trong từng quý, kịp thời thích ứng với những khó khăn, biến đổi nhanh chóng, khó lường.
Theo đó, trên lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu các sản phẩm lợi thế. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; chuyển đổi bền vững 500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước; phấn đấu diện tích đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 200-220ha. Giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 155 triệu đồng/ha. Tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết tiêu thụ nông sản và cánh đồng lớn tại các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất.
Trên lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: Cà Ná, Du Long, Phước Nam, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, Phước Tiến, Quảng Sơn, Phước Minh 1, Phước Minh 2,...Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch. Phấn đấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp dự kiến tăng 23-24%/năm.
Trên lĩnh vực du lịch, địa phương sẽ tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia, và các địa phương trong khu vực; thu hút, tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế, phát triển các mô hình kinh tế ban đêm để hỗ trợ các ngành dịch vụ, du lịch. Phấn đấu trong năm 2025 thu hút 3,6 triệu lượt khách du lịch; giá trị gia tăng ngành dịch vụ dự kiến tăng 10-11%.
|
Năm 2025, Ninh Thuận sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. |
Đáng chú ý, trong năm 2025, Ninh Thuận tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; duy trì, thường xuyên gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Đặc biệt, năm 2025, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, gắn với triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Chuẩn bị các điều kiện thực hiện chủ trương tái khởi động triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII được duyệt. Hoàn thành Đề án xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: Cà Ná, Du Long, Phước Nam, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, Phước Tiến, Quảng Sơn, Phước Minh 1, Phước Minh 2,.../.