|
Bình Thuận là tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển ngành du lịch. (Ảnh: Nguyễn Vũ) |
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mục tiêu của Đề án, đến năm 2030, du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn trong GRDP của tỉnh, có sức lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, giúp tạo nhiều việc làm cho xã hội. Xác định hệ thống các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Thuận. Từ đó, phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự khác biệt của sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng trong tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch của tỉnh Bình Thuận.
Cụ thể, Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản và tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát... Từng bước mở rộng thị trường, tăng lượng khách du lịch lên 11,4 triệu lượt khách vào năm 2025 (trong đó khách quốc tế chiếm 10%), doanh thu du lịch đạt trên 24.600 tỷ đồng và đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10%.
Đến năm 2030 tập trung đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo: Du lịch chăm sóc sức khỏe (WELLNESS), du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch nghiên cứu, tham quan TP. Phan Thiết (City tour)… Cùng với đó phấn đấu tăng lượng khách du lịch lên 23,3 triệu lượt (riêng khách quốc tế chiếm 15%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 70.100 tỷ đồng và đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12%.
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Để đạt được những mong muốn đặt ra, tỉnh Bình Thuận sẽ phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm. Thực hiện phát triển theo lộ trình; đầu tư có trọng tâm trọng điểm; phát huy tính đặc trưng của tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận đã tổ chức lại không gian phát triển du lịch theo 4 khu vực, đó là: Phía Đông Bắc gồm 01 dãy ven biển huyện Tuy Phong (Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công, Hòa Minh, Phan Rí Cửa và Hòa Phú), phía Đông huyện Bắc Bình (Chợ Lầu, Phan Rí Thành). Trong đó, trọng tâm là đô thị Phan Rí Cửa - Bình Thạnh -Liên Hương. Sản phẩm chủ đạo là du lich sinh thái, nghỉ dưỡng biển, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, lặn biển, tham quan khu bảo tồn biển Hòn Cau. Sản phẩm bổ trợ gồm du lịch văn hóa Chăm, làng nghề đặc trưng, du lịch home-stay.
Khu vực trung tâm gồm Phan Thiết, phía Nam huyện Bắc Bình (Hồng Phong đến Hòa Thắng), dãy ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam (các xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành) và đảo Phú Quý. Trọng tâm là khu du lịch quốc gia Mũi Né và Nam thành phố Phan Thiết. Sản phẩm chủ đạo là Du lịch MICE, du lich sinh thái biển, rừng, du lịch thể thao biển, cát, nghỉ dưỡng biển, du lịch WELLNESS, mô hình kinh tế ban đêm. Sản phẩm bổ trợ: Du lịch văn hóa, du lịch home-stay; tham quan khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý.
Khu vực phía Tây Nam gồm thị xã La Gi, dãy ven biển huyện Hàm Tân, khu vực ven hồ Sông Dinh 3. Loại hình gồm du lịch nông nghiệp, trải nghiệm (vui chơi giải trí), du lịch di tích lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch văn hóa - tâm linh, du lich c ̣ ảnh quan hồ sông Dinh. Sản phẩm chủ đạo là du lich sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tham quan các di tích, lễ hội Dinh Thầy Thím, Hòn Bà. Sản phẩm bổ trợ là du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch home-stay.
Khu vực phía Tây Bắc gồm một phần huyện Hàm Thuận Bắc (Đa Mi, La Dạ, Đông Giang, Đồng Tiến, Thuận Hòa,…), một phần huyện Hàm Thuận Nam (Thị trấn Thuận Nam, xã Mỹ Thạnh, xã Hàm Cần,…), huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh. Loại hình gồm du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, di tích lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch khám phá, trải nghiệm rừng. Sản phẩm chủ đạo gồm du lich nghỉ dưỡng rừng, hồ cảnh quan, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm Sản phẩm bổ trợ: Du lịch nông nghiệp, du lịch homestay.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng đầu tư và phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, gồm các loại hình: Du lịch biển, thể thao, giải trí; Du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; Du lịch WELLNESS; Du lịch nghỉ dưỡng - MICE; Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát; Du lịch cộng đồng; Du lịch khám phá, mạo hiểm; Du lịch ẩm thực…
|
Lễ hội thả diều tại bãi biển TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là hoạt động thường niên được tổ chức thu hút đông đảo du khách tham gia. (Ảnh: Nguyễn Vũ) |
Giải pháp thực hiện
Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đề ra định hướng, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp thực hiện.
Tỉnh Bình Thuận xác định tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,... cao cấp, xây dựng công viên, quảng trường, bãi tắm. phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch. Từng bước đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu thế chung của thế giới và trong nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia”; Đề án Phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030; Xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch Bình Thuận hướng tới tiêu chí “An toàn - thân thiện - chất lượng”. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới.
Về tổ chức thực hiện đề án có sự tham gia của nhiều sở ngành, đơn vị, hiệp hội ngành nghề liên quan và UBND cấp huyện. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chủ trương phát triển du lịch, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch. Đóng góp ý kiến cho các dự án quy hoạch phát triển du lịch, thực hiện chương trình quảng bá tuyên truyền du lịch, quản lý hành chính trong phạm vi thẩm quyền đối với hoạt động kinh doanh du lịch, cùng các sở ban ngành thẩm định dự án đầu tư, năng lực của chủ đầu tư…/..