Cà Mau tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp cải cách hành chính

Thứ hai, 17/06/2024 20:24
(ĐCSVN) - Xác định nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Chính vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Cầu sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Mỹ Trân)

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, số doanh nghiệp ngưng, tạm ngưng hoạt động cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Xác định nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Chính vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã hoàn thành đúng và trước hạn 21/37 nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính đề ra. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp có nhiều cải tiến thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Khi người dân đến thực hiện thủ tục hành chính lần đầu tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã sẽ tiến hành quét căn cước công dân và nhận diện khuôn mặt. Hệ thống tự động lấy thông tin của người dân từ căn cước công dân để truyền tải vào Cổng dịch vụ công và cho phép thực hiện thủ tục hành chính. Khi người dân đến làm thủ tục hành chính lần tiếp theo không cần phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc khai báo thông tin cá nhân, giúp tiết kiệm chi phí thời gian. Ngoài ra, việc trích lục bản đồ, trích đo địa chính thửa đất để thực hiện một số một số thủ tục hành chính về đất đai cũng được ngành tài nguyên và môi trường chuyển sang thí điểm thực hiện tại bộ phận một cửa thành phố Cà Mau và các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn. Qua đó, khắc phục hiệu quả tình trạng chậm, muộn, đi lại nhiều lần của người dân, doanh nghiệp thời gian qua.

Ngoài đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã khởi động chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau” vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Từ đó, đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây còn là nơi để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và đề xuất với lãnh đạo tỉnh những ý tưởng mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Cùng nhau tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Triển khai hiệu quả những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, định hướng để người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/6/2024, lãnh đạo UBND tỉnh có 16 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp tại chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau”. Qua đó, đã tiếp nhận, trao đổi, chia sẻ, giải đáp, chỉ đạo xử lý trên 35 ý kiến góp ý, kiến nghị. Các ý kiến đã góp phần tích cực trong phát triển lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, thương mại điện tử. Đóng góp ý tưởng sản xuất, kinh doanh, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tiếp cận nguồn vốn, đăng ký bảo hộ thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh và nhiều khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt, cho biết: “Tỉnh Cà Mau có thế mạnh về ngư, nông, lâm nghiệp và thủy sản, với nhiều sản phẩm đặc sản có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, sản lượng thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Khi có người tiêu dùng cần mua số lượng lớn, ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không đáp ứng được. Do đó, cần phải có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh đang khuyến khích các hộ kinh doanh, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp… liên kết lại để hình thành chuỗi sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó, đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai chủ trương của tỉnh đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên kết lại với nhau, cùng đầu tư các mô hình sản xuất quy mô lớn kết hợp với phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, trải nghiệm. Từ đó, tạo ra yếu tố tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Một trong những giải pháp hiệu quả để thu hút đầu tư là hoàn thiện hệ thống giao thông, tăng tính kết nối giữa tỉnh Cà Mau với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong năm 2023, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm như: cầu sông Ông Đốc nối bờ Nam và bờ Bắc sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây, tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau. Hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cầu Gành Hào nối Cà Mau và Bạc Liêu, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội... Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt, thông tin thêm: “Sắp tới cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành, sân bay Cà Mau được nâng cấp, mở rộng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn ở phía Bắc và miền Trung, mà còn thuận lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh. Tỉnh cũng đang kiến nghị trung ương đầu tư thêm tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đi Đất Mũi, nếu được chấp thuận sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho tỉnh”.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, có phương án tạo quỹ đất sạch gắn với hạ tầng, phù hợp với quy hoạch để thu hút đầu tư sau khi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực thi hành. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát, thống kê danh mục các dự án mời gọi đầu tư, các điều kiện mời gọi đối với từng dự án về đất đai, quy hoạch, hồ sơ, thủ tục… Xác định điều kiện nào tỉnh đã đáp ứng, điều kiện nào chưa đảm bảo để tiếp tục hoàn thiện. Qua đó, đề xuất các hoạt động xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn, tiềm năng, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước có quan tâm đến các dự án của tỉnh trong thời gian qua. Đối với các dự án đầu tư ngoài nhà nước đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng còn khó khăn, vướng mắc, cần phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ của khó khăn, vướng mắc. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã và đang được triển khai thực hiện, tỉnh Cà Mau sẽ từng bước tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Mỹ Trân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực